Ngày 8/3, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng bài "Trung Quốc lại đòi bảo kê Biển Đông" cho biết, cùng ngày hãng thông tấn Tân Hoa Xã dẫn lời Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu trong một cuộc họp báo bên lề kỳ họp Quốc hội:
"Tại thời điểm này, nếu ai đó cố gắng khuấy động hay gây rắc rối, họ sẽ không được ủng hộ, trái lại họ sẽ phải đối mặt với sự phản đối của cả khu vực.
Ngay cả Trung Quốc và Hoa Kỳ, nếu chúng ta thay đổi ý tưởng của mình, các vùng biển rộng lớn sẽ trở thành môi trường rộng lớn cho hợp tác...".
".....Chúng tôi chắc chắn sẽ không cho phép tình trạng ổn định này vốn phải rất khó khăn mới có được, bị phá hoại hoặc cản trở".
Có thể nói rằng, Ngoại trưởng Vương Nghị đã rất chính xác với tuyên bố, nếu ai đó cố gắng khuấy động hay gây rắc rối ở Biển Đông, họ sẽ không được ủng hộ. Trái lại, họ sẽ bị cả khu vực phản đối.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp. |
Tuy nhiên, vấn đề tiếp theo dư luận khu vực và quốc tế đặc biệt quan tâm có lẽ nên làm sáng tỏ là: ai là kẻ đang cố gắng khuấy động hay gây rắc rối ở Biển Đông? Phải chăng những kẻ đó không phải là Trung Quốc theo cách ám chỉ của Ngoại trưởng Vương Nghị?
Khách quan mà nói, nếu căn cứ vào những diễn biến trên thực tế ở Biển Đông trong thời gian qua thì không khó để chỉ ra đối tượng gây rắc rối, kể cả thời gian, hành vi mà ông Vương Nghị gọi là “khuấy động hoặc gây rắc rối” trên Biển Đông.
Chỉ tính từ thời điểm Phán quyết Trọng tài 12/7/2016 trở lại đây thôi, cũng đã có rất nhiều động thái leo thang khiến Biển Đông gia tăng căng thẳng. Tiếc rằng, hầu hết những hành động ấy đều đến từ Trung Quốc.
Thậm chí ngay trong thời gian ASEAN và Trung Quốc nhóm họp tại Philippines tiếp tục bàn bạc về COC, thì Trung Quốc không ngừng các hoạt động leo thang bằng việc xây dựng hệ thống hỏa lực phòng không, nhà kho tên lửa trên đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa.
Trung Quốc tiếp tục ban hành bất hợp pháp lệnh cấm đánh bắt cá trong một phạm vi biển bao trùm lên toàn bộ khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, một phần vùng biển quốc tế, cũng như vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác ven Biển Đông, cụ thể là Philippines và Việt Nam.
Gần đây, Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV công khai tuyên bố, nước này đã đóng xong giàn khoan mới lớn hơn nhiều giàn khoan 981, và có thể kéo xuống Biển Đông.
Những thông tin về việc xây nhà máy điện sử dụng năng lượng hạt nhân hay lắp đặt các thiết bị quan trắc dưới lòng biển ở Biển Đông cũng xuất hiện dày đặc trong thời gian này.
Và điều đáng nói là phạm vi của các hoạt động mà Trung Quốc thực hiện hoặc dự kiến thực hiện nếu không phải khu vực Trung Quốc nhảy vào tranh chấp, cố ý tìm cách tạo ra tranh chấp với các nước láng giềng, thì cũng là vùng biển quốc tế, tài sản chung của nhân loại.
Những hành động này rõ ràng là không phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)…
Vì thế, dư luận trong và ngoài Trung Quốc khó có thể đồng tình với những đánh giá của Ngoại trưởng Vương Nghị, và điều này khiến người ta thêm một lần nữa nhận thức rõ hơn động cơ đích thực của những tuyên bố “có cánh” đó của phía Trung Quốc.
Trung - Mỹ cần thay đổi “ý tưởng” của mình?
Cá nhân tôi đánh giá cao phát biểu tiếp đó của Ngoại trưởng Vương Nghị. Trong khi phần trên ông cảnh báo, bất kỳ ai khuấy động căng thẳng hay gây rắc rối ở Biển Đông, cả khu vực này sẽ phản đối, thì ngay sau đó Ngoại trưởng Vương Nghị đã chỉ ra ai gây căng thẳng Biển Đông.
Ngoại trưởng Vương Nghị, ảnh: Islam Times. |
Tất nhiên cách nói không trực tiếp, không sỗ sàng, nhưng đủ thấy bản chất sự việc: "Ngay cả Trung Quốc và Hoa Kỳ, nếu chúng ta thay đổi ý tưởng của mình, các vùng biển rộng lớn sẽ trở thành môi trường rộng lớn cho hợp tác...".
Người viết có thể xem đây là một lời thừa nhận tế nhị của nhà ngoại giao sành sỏi của Trung Quốc: Mọi căng thẳng trên Biển Đông hiện nay đều do sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ.
Bởi thế, chỉ cần hai siêu cường thay đổi “ý tưởng” (mindset) của mình, "các vùng biển rộng lớn" sẽ trở thành môi trường rộng lớn cho hợp tác. Tất nhiên, các vùng biển này không chỉ có Biển Đông, mà còn Hoa Đông, hay rộng hơn là Tây Thái Bình Dương, nhưng Biển Đông là nóng bỏng hơn cả.
“Ý tưởng” cần thay đổi mà Ngoại trưởng Vương Nghị đề cập ở trên phải chăng là: thứ nhất, Trung Quốc và Mỹ nên thỏa thuận phân chia lợi ích ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương theo chủ trương “quan hệ siêu cường kiểu mới”;
Thứ 2, Trung Quốc thay đổi tham vọng độc chiếm Biển Đông thành ao nhà; leo thang quân sự hóa Biển Đông, đe dọa trực tiếp an ninh quốc gia của các nước trong khu vực cũng như tự do an toàn hàng hải, hàng không…
Còn Hoa Kỳ thì không nên tiếp tục duy trì vị thế và sức mạnh độc tôn của mình ở châu Á - Thái Bình Dương nói chung, Biển Đông nói riêng, bằng nhiều hình thức hoạt động quân sự vì có thể gây nên xung đột, chiến tranh…?
Dù sao, tôi vẫn hy vọng rằng những phát biểu của Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ được cụ thể hóa bằng hành động, tuân thủ các quy định chung của luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 được đại đa số các quốc gia thừa nhận, chấp hành, chứ không phải giải thích luật pháp theo ý mình, chỉ xuất phát từ lợi ích của riêng mình.
Khi chứng minh rõ thiện chí ấy, không chỉ COC có thể ra đời và mang ý nghĩa ngăn ngừa xung đột thực sự, mà hoạt động hợp tác Trung - Mỹ, hay hợp tác với ASEAN để duy trì hòa bình, ổn định, phồn vinh ở Biển Đông mới thành hiện thực.
Ngược lại sẽ đúng như lời Ngoại trưởng Vương Nghị nói, nếu ai đó vẫn cố tình thực hiện các mưu đồ chính trị đen tối ở Biển Đông, biến vùng biển này thành ao nhà, kẻ đó sẽ bị cả khu vực, thậm chí phần còn lại của thế giới phản đối và chống lại.