Ngổn ngang khó khăn ở Sốp Cộp khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới

31/12/2022 06:58
Lại Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên ở Sốp Cộp đang phải dạy ghép nhiều, chất lượng giáo dục khó nâng cao, dạy để học sinh biết đọc, biết viết là rất nhiều sự nỗ lực.

Từ năm học 2020-2021 việc triển khai chương trình, sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu được triển khai đối với lớp 1, đến năm học 2022-2023 chương trình mới đang được triển khai ở lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10.

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu; việc thực hiện đổi mới trong xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường theo tinh thần chủ động, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn; việc đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá đã được thực hiện ngày càng thực chất, hiệu quả.

Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, đặc biệt là những vùng miền núi còn khó khăn, quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gặp không ít thách thức.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có trao đổi với bà Lò Thị Hạnh – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp (Sơn La) về những tồn tại và khó khăn của ngành giáo dục huyện này khi năm học 2022 – 2023 đã đi được một nửa chặng đường.

Theo đó, huyện Sốp Cộp được thành lập theo Nghị định số 148/2003/NĐ-CP ngày 02/12/2003 của Chính phủ. Sau khi thành lập huyện, bộ máy các cơ quan chuyên môn trong đó có Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp cũng được thành lập năm 2004.

Vượt qua những khó khăn của ngày đầu thành lập, sự nghiệp giáo dục huyện Sốp Cộp được cải thiện từng bước vững chắc và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế thì Sốp Cộp vẫn là một huyện mới của tỉnh Sơn La, ngành giáo dục huyện còn khó khăn, việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn nhiều vất vả.

So với những năm đầu thành lập, quy mô mạng lưới trường lớp giảm 12 trường do tinh gọn đầu mối, tinh giản biên chế, nhưng số lớp, số học sinh tăng gấp đôi; tăng 1 nhóm trẻ tư thục; mở 622 nhóm lớp, huy động 17.724 học sinh.

Đến nay, số trường đạt chuẩn quốc gia là 10/21 đạt 47,6%.

Tổng số phòng học hiện nay là 697 phòng (trong đó: 567 phòng học kiên cố đạt 81,4%; 105 phòng học bán kiên cố đạt 15%; 25 phòng học tạm, mượn chiếm 3,6%) cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh trên toàn huyện.

Chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng được nâng cao, 95% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp.

Lớp học ghép tại điểm bản của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Mường Lèo. Ảnh: LC

Lớp học ghép tại điểm bản của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Mường Lèo. Ảnh: LC

Chất lượng giáo dục ngày càng được khẳng định; nhiều học sinh đã đạt học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và đỗ vào các trường chất lượng cao của tỉnh.

Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được tỉnh công nhận mức độ 2.

Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp, bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp đã và đang đối mặt với những khó khăn thách thức như:

Về cơ sở vật chất: các phòng học nhất là ở các điểm trường lẻ còn đang thiếu, đa số phải huy động nhân dân trên địa bàn các xã dựng các lớp tạm bằng những nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương như tranh, tre nứa, lá; lớp học còn đơn sơ, mưa dột, gió lùa.

Về đội ngũ giáo viên: so với định mức, huyện đang thiếu giáo viên, nhất là cấp trung học cơ sở; phải sắp xếp, điều động viên giáo viên cấp tiểu học lên dạy cấp trung học cơ sở.

Giáo viên phải dạy ghép nhiều, rất nhiều lớp ghép, chất lượng giáo dục khó nâng cao, dạy để học sinh biết đọc, biết viết các thầy cô đã rất nỗ lực.

Do thiếu giáo viên, một số điểm trường chưa có chế độ bán trú cho học sinh, tỷ lệ hộ nghèo cao, phụ huynh học sinh ít quan tâm đến việc học tập của con cái.

Chính những khó khăn như vậy đang đặt ra rất nhiều thách thức đối với ngành giáo dục huyện Sốp Cộp khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chưa kể, giáo viên theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn thiếu nhưng lại không có nguồn tuyển (dù có chỉ tiêu biên chế), một số môn vẫn phải bố trí giáo viên các môn văn hóa đảm nhiệm như Nghệ thuật, Tin học, Tiếng Anh…

Về nội dung Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các môn như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật... được tích hợp từ 2 hoặc 3 phân môn, quá trình triển khai gặp khó khăn do giáo viên chưa được đào tạo, bồi dưỡng đồng bộ trước khi thực hiện chương trình.

Cho đến thời điểm hiện tại, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp vẫn phải bố trí giáo viên dạy riêng từng phân môn.

“Từ khó khăn về cơ sở vật chất nên việc triển khai các nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gặp rất nhiều thách thức. Các trường trên địa bàn huyện Sốp Cộp hiện nay đa số đều chưa có phòng học bộ môn (phòng Tin học, phòng Ngoại ngữ, phòng Mĩ thuật… theo Thông tư số 14/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định phòng học bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông), vì vậy ảnh hưởng nhiều đến chất lượng học tập của học sinh.

Bên cạnh đó, sau khi thực hiện chủ trương sáp nhập, một số trường quy mô lớn nên khó quản lý; nhất là các trường liên cấp, với nhiều điểm trường, phải tổ chức nấu ăn bán trú nhiều điểm nên Ban giám hiệu rất khó quản lý; hơn nữa số lớp, số học sinh đông cũng không đảm bảo tiêu chí để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp cho biết.

Thầy trò cùng nỗ lực

Trước những khó khăn, thách thức, bà Lò Thị Hạnh cho biết, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp đang nỗ lực từng ngày để hoàn thành nhiệm vụ được giao:

“Trong đó, toàn ngành quyết tâm thực hiện dạy tốt học tốt; Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện về tuyển dụng giáo viên, thông báo rộng rãi khắp các địa phương trên toàn quốc về nhu cầu tuyển dụng giáo viên; cho phép các cơ sở giáo dục tìm nguồn để hợp đồng giáo viên giảng dạy; rà soát khuyến khích thỉnh giảng.

Về chương trình, ngành giáo dục sẽ tập trung tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, chú trọng đào tạo giáo viên dạy môn tích hợp, hoạt động giáo dục (Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa Lý, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp)”.

Bà Lò Thị Hạnh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp trong một buổi nhận tài trợ của các nhà từ thiện. Ảnh: LH

Bà Lò Thị Hạnh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp trong một buổi nhận tài trợ của các nhà từ thiện. Ảnh: LH

Nói về việc khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp cho biết: “ngành sẽ tiếp tục rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để tiếp tục tham mưu triển khai kế hoạch tổng thể và từng năm, thực hiện “Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017- 2025” theo chủ trương chung của Chính phủ (Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với lộ trình áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới và các tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường, lớp học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Đề xuất với Ủy ban nhân dân huyện lập danh mục đầu tư công ưu tiên đầu tư phòng học bộ môn, đầu tư trang thiết bị học tập phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Phòng cũng sẽ tiếp tục đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh về chủ trương tách trường học có quy mô số lớp vượt quy định đảm bảo tiêu chí về quy mô đối với trường đề nghị công nhận đạt chuẩn”.

Lớp học ghép tại điểm bản Pá Khoang (xã Mường Lèo, Sốp Cộp, Sơn La). Ảnh: LC

Lớp học ghép tại điểm bản Pá Khoang (xã Mường Lèo, Sốp Cộp, Sơn La). Ảnh: LC

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp cho rằng: “Mặc dù khó khăn và thách thức còn rất lớn nhưng ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp sẽ tiếp tục kế thừa, phát triển những thành tựu mà các thế hệ đi trước đã vượt qua muôn vàn khó khăn để xây dựng sự nghiệp giáo dục huyện Sốp Cộp.

Trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, ngành giáo dục huyện sẽ duy trì, phát triển mạng lưới trường lớp, chất lượng đội ngũ, tạo điều kiện tốt nhất để mọi trẻ em đều bình đẳng tham gia học tập nhằm từng bước nâng cao dân trí huyện biên giới khó khăn. Người dân biết chữ sẽ tiếp cận được khoa học kỹ thuật, góp phần nâng cao năng suất lao động, giảm tỷ lệ hộ đói nghèo, đời sống nhân dân được cải thiện sẽ có nhu cầu chăm lo cho con em học tập tốt hơn, chất lượng giáo dục từ đó cũng được nâng cao, nguồn nhân lực trên địa bàn huyện cũng từ đó mà được nâng lên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội huyện nhà;

Tiếp tục huy động hiệu quả xã hội hóa giáo dục; lồng ghép các nguồn lực để đầu tư cho giáo dục ngày càng vững mạnh”.

Thành lập năm 2004, Phòng Giáo dục và Đào tạo, toàn huyện Sốp Cộp khi đó có 9.423 học sinh; tỷ lệ phòng học kiên cố 11%, bán kiên cố 19%, số còn lại là phòng học tạm và mượn; không có đơn vị nào đạt chuẩn quốc gia; trang thiết bị dạy học thiếu rất nhiều; 100% đường đất; đội ngũ giáo viên thiếu, số giáo viên đào tạo cấp tốc về dạy cắm bản chiếm tỷ lệ lớn...

Lại Cường