"Người trong cuộc" chia sẻ việc cần làm để chấm thi Ngữ văn công bằng, chính xác

20/06/2023 08:45
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để có giáo viên môn Ngữ văn chất lượng, các trường THPT cần có kế hoạch chuẩn bị nghiêm túc, khoa học, đề xuất thầy cô có kinh nghiệm cho Sở lựa chọn.

Bài viết “Không phải giáo viên nào cũng có thể chấm thi tốt nghiệp môn Ngữ văn” của tác giả Ánh Dương đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam vừa qua đã thu hút nhiều sự quan tâm bạn đọc.

Môn Ngữ Văn là môn thi theo hình thức tự luận duy nhất trong kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Từ thực tế chia sẻ của tác giả Ánh Dương đặt ra vấn đề nên chọn giáo viên như thế nào đi chấm môn Ngữ văn? Kinh nghiệm chấm Ngữ văn như thế nào để đảm bảo đúng quy chế, đảm bảo công bằng cho học sinh?

Người viết đã trao đổi vấn đề trên với cô giáo Đỗ Thị Thúy Dương, giáo viên Ngữ văn Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cô Đỗ Thị Thúy Dương (bìa phải hàng trước) Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Qúy Đôn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh NVCC

Cô Đỗ Thị Thúy Dương (bìa phải hàng trước) Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Qúy Đôn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh NVCC

Cô Đỗ Thị Thúy Dương chia sẻ: “Trước hết, về lí thuyết, mọi giáo viên được đào tạo chính quy đều có khả năng chấm văn, bởi lẽ họ đã có một mức độ tư duy và trình độ nhất định đảm bảo chuẩn đầu vào và chuẩn đầu ra của các trường Sư phạm, đủ điều kiện để đứng lớp và làm các nhiệm vụ bắt buộc khác của giáo viên trong đó có chấm thi.

Câu hỏi “Có phải có giáo viên ngữ văn không chấm được văn không?” chẳng phải lần đầu tiên được đặt ra, không chỉ xuất hiện trong chấm thi tốt nghiệp mà còn là các kì tuyển sinh vào 10, thi học sinh giỏi.

Thực tế, có một số giáo viên lúng túng khi chấm dẫn tới tình trạng lệch nhiều điểm, thấp hoặc cao hơn so với chuẩn mực chung.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm nhiệm vụ chấm thi và tổ trưởng tổ chấm ở các kì tốt nghiệp, tuyển sinh vào 10, học sinh giỏi, theo tôi, nguyên nhân chủ yếu là do giáo viên thiếu kinh nghiệm, dù quy trình chấm thi đã trải qua 10 bài chấm chung.

Giáo viên hay làm thì quen, ít thực hành thường bỡ ngỡ. Chỉ có điều cái bỡ ngỡ ở một bài kiểm tra trên lớp có thể khắc phục bằng lần tiếp theo, còn sự thiếu kinh nghiệm trong một kì thi có thể ảnh hưởng tới nhiều đối tượng.

Giả sử hai giám khảo thiếu kinh nghiệm chấm lần 1 và lần 2 thì điểm thống nhất có thể lệch lạc so với thực chất bài thi. Nó có thể ảnh hưởng cả cuộc đời một thí sinh.

Thực tế mà tôi đã chứng kiến, năm 2014, đã có học trò đạt giải khuyến khích quốc gia, làm bài tâm huyết mạch lạc lại nhận được điểm thi 7.0, phúc khảo lên 8.5; trái ngược, có em viết ngắn ngủn sơ sài thiếu cảm xúc (như chính em thừa nhận) lại được 8.5, và tất nhiên em không dại gì yêu cầu phúc khảo để điểm mình hạ xuống!

Sai sót này dù chỉ diễn ra ở một thiểu số mà tôi biết, nhưng hệ lụy chính là sự hoài nghi của xã hội trước sự công bằng của kì thi.

Nên chọn giáo viên như thế nào đi chấm môn Ngữ văn?

Việc điều động giám khảo chấm thi hiện nay Sở Giáo dục địa phương dựa trên danh sách giáo viên các trường đưa lên với điều kiện: giáo viên không có con, cháu thi tốt nghiệp, giáo viên đang dạy 12…).

Nếu gọi giáo viên đang dạy 12 và đã có kinh nghiệm chấm thi từ các năm học trước thì đa phần họ đã nắm quy trình chấm nên sai sót ít xảy ra.

Nhưng thực tế vẫn có trường hợp, giáo viên không dạy 12 và chưa từng được điều đi chấm thi và xác suất sai sót sẽ nằm nhiều hơn ở bộ phận giáo viên này.

Vì vậy để đảm bảo tính công bằng, chuẩn xác, khoa học của một kì chấm, theo tôi giải pháp trước mắt, ngắn hạn, nên lựa chọn các thầy cô đang dạy 12 hay đã từng dạy 12 hoặc năng lực chuyên môn đã được khẳng định.

Việc chấm thi chuẩn xác không chủ yếu nằm ở việc nhanh hay chậm, chấm chậm chưa chắc đã chuẩn, chấm nhanh không đồng nghĩa với ẩu.

Là người có kinh nghiệm ở một số kì chấm thi, theo tôi điều quan trọng đầu tiên là tổ trưởng triển khai hướng dẫn chấm phải rõ ràng, lường trước bao quát được nhiều tình huống để tạo quy chuẩn chung hợp lí.

Thứ hai, giám khảo cần thấu triệt ngôn từ trong đáp án chỉ là một hướng diễn giải, không nên nắm bắt lời lẽ cụ thể mà cần nhìn trúng trọng tâm, cốt tủy của ý, tránh việc tìm từ ngữ giống hệt đáp án mới cho điểm.

Riêng phần Đọc hiểu, chênh lệch thường xảy ra ở câu 3 (thông hiểu), câu 4 (vận dụng thấp), giáo viên nên tìm các từ khóa xem học sinh có diễn đạt được cái lõi trong đáp án không, nhìn nhận tổng thể diễn đạt và trình bày để cho điểm.

Sang phần Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học, có thể chấm theo hai cách và dùng hai cách để soi chiếu, kiểm chứng lẫn nhau, tạo thành 2 lần chấm của chính mình.

Lần một, áng điểm theo các tiêu chí, đề mục trong phiếu chấm. Ví dụ câu Nghị luận xã hội: Đảm bảo hình thức đoạn văn – cho 0.25/0.25 điểm; Không mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu – cho 0.25/0.25 điểm; Xác định đúng vấn đề nghị luận – cho 0.25/0.25 điểm; Triển khai các ý chắc chắn, toàn diện nhưng thiếu dẫn chứng - cho 0.75/1.0 điểm; Chưa sáng tạo trong dùng từ và chưa có góc nhìn sâu sắc, mới mẻ - cho 0.0/0.25 điểm Sáng tạo; Tổng điểm là 1.5/2.0.

Lần hai, chấm theo kiểu tìm điểm thiếu để trừ. Chẳng hạn, cũng ở câu Nghị luận xã hội: Triển khai các ý chắc chắn, đúng trọng tâm nhưng thiếu dẫn chứng – trừ 0.25 điểm; chưa có diễn đạt tốt và không có cái nhìn mới mẻ, sắc sảo: trừ 0.25 điểm Sáng tạo. Vậy tổng điểm còn 1.5/2.0.

Bên cạnh đó, thực tiễn chấm thi, chính bản thân mỗi giáo viên cũng hay đắn đo cao thấp trong khoảng 0.25 điểm ở mỗi phần (Đọc hiểu, Nghị luận xã hội. Nghị luận văn học). Có lẽ vì vậy mà theo qui định chấm thi tự luận Ngữ văn, 0.75 điểm lệch thì hai giám khảo tự trao đổi thống nhất.

Do đó, kĩ hơn nữa, giáo viên nên xem lại tổng thể 3 câu, câu Nghị luận xã hội đạt quãng 1.25-1.5 mà đã chấm hơi chặt, lấy 1.25 điểm thì nếu câu Nghị luận văn học ở khoảng 3.5-3.75 nên lấy 3.75.

Tóm lại, người chấm vừa cần chấm sát đáp án vừa linh hoạt ở cả chi tiết và cụ thể, cân đối toàn bài thi để đảm bảo quyền lợi cho từng học sinh và sự công bằng giữa các thí sinh.

Giải pháp nâng cao chất lượng giáo viên chấm Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông

Kinh nghiệm là điểm mấu chốt của việc nâng cao chất lượng giáo viên chấm tốt nghiệp nói riêng và chấm tự luận nói chung.

Để bất cứ giáo viên nào cũng có khả năng chấm thi, thiết nghĩ cần huy động sức mạnh từ tổ chuyên môn.

Đầu tiên, trước khi kì thi diễn ra, hầu hết các Sở đều tổ chức thi thử toàn tỉnh; thậm chí mỗi trường tự tổ chức hay liên kết cụm trường, chấm chéo; các tổ chuyên môn nên thống nhất in phiếu chấm giống như mẫu phiếu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tập dượt triển khai chấm chung vài bài như một buổi chấm thi tốt nghiệp thông thường.

Mặt khác, để không chỉ giáo viên đang dạy 12 mà bất cứ giáo viên Ngữ văn nào cũng có thể thực hiện nhiệm vụ chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ngay từ lớp 10, 11, nhà trường nên có một số bài kiểm tra tập trung theo định hướng giống kì thi tốt nghiệp, có phiếu chấm gần với tiêu chí của kì tốt nghiệp, tổ chức triển khai mô phỏng để bồi dưỡng năng lực chấm ở tổ chuyên môn".

Để có đội ngũ giám khảo môn Ngữ văn đảm bảo chất lượng, các trường cần có kế hoạch chuẩn bị nghiêm túc và mang tính hệ thống, đề xuất giáo có kinh nghiệm cho Sở lựa chọn.

Sơn Quang Huyến