Không phải giáo viên nào cũng có thể chấm thi tốt nghiệp môn Ngữ văn

11/06/2023 06:40
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sở Giáo dục các tỉnh, thành cần điều động giáo viên dạy 12 tham gia chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn để tạo sự công bằng cho thí sinh.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29 và 30/6/2023.

Nhằm tạo sự công bằng cho thí sinh ở kì thi này, người viết, là giáo viên bậc trung học phổ thông đã từng nhiều năm tham gia chấm thi môn Ngữ văn, xin có đôi điều về việc điều động cán bộ chấm thi môn tự luận này.

Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

Quy trình chấm thi môn Ngữ văn thế nào?

Ngữ văn là môn tự luận duy nhất của kì thi tốt nghiệp tốt nghiệp trung học phổ thông nên quy trình chấm thi khác với môn trắc nghiệm.

Theo đó, các tổ chấm thi sẽ chấm chung ít nhất 10 bài để rút kinh nghiệm cho giám khảo, sau đó bài thi được chấm hai vòng độc lập bởi hai cán bộ của các tổ khác nhau.

Sau khi chấm xong hai vòng, hai giám khảo sẽ thống nhất điểm bài thi với một số tình huống lệch điểm và cách xử lí như sau:

Lệch dưới 1 điểm: Hai cán bộ chấm thi thảo luận thống nhất điểm.

Lệch 1-1,5 điểm: Hai cán bộ chấm thi thảo luận và ghi lại bằng biên bản, báo cáo trưởng môn chấm thi hoặc tổ trưởng tổ chấm thi để thống nhất điểm. Nếu hai cán bộ không thống nhất được, tổ trưởng chấm thi lập biên bản quyết định điểm.

Lệch trên 1,5 điểm: Tổ trưởng tổ chức chấm lần thứ ba trực tiếp vào bài thi của thí sinh bằng mực màu khác.

Trường hợp không thể thống nhất điểm sau hai lần chấm, tổ sẽ chấm thêm lần thứ ba với các tình huống sau:

Kết quả hai trong ba lần chấm giống nhau: Tổ trưởng tổ chấm thi lấy điểm giống nhau làm điểm chính thức.

Kết quả ba lần chấm lệch nhau lớn nhất đến 2,5 điểm: Tổ trưởng lấy điểm trung bình cộng của ba lần chấm làm điểm chính thức.

Kết quả ba lần chấm lệch nhau lớn nhất trên 2,5 điểm: Tổ trưởng chấm chung trong tổ chấm thi, lập biên bản thống nhất điểm chấm.

Điểm bài thi môn Ngữ văn thường chênh lệch giữa hai giám khảo

Thực tiễn chấm thi tốt nghiệp tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn ở địa phương người viết đang công tác nhiều năm qua cho thấy, hầu hết hai giám khảo đều chấm chênh lệch nhau dưới 1 điểm.

Một xấp có 24 bài thi thường có khoảng 20 bài chênh lệch nhau dưới 1 điểm và rất dễ xử lí. Ví dụ, giám khảo 1 chấm bài thi của thí sinh A được 7 điểm, còn giám khảo B chấm 8 điểm thì hai giám khảo sẽ lấy mức trung bình là 7,5 điểm.

Cũng có giám khảo làm việc có trách nhiệm với nghề, với thí sinh thì cả hai cùng đọc lại bài của thí sinh A thêm một lần nữa. Nếu bài thi này đạt mức giỏi thực sự thì hai giám khảo sẽ thống nhất cho 8 điểm, có lợi cho thí sinh.

Tuy vậy, cả hai giám khảo chấm lệch nhau từ 1,5 điểm đến 2,5 điểm vẫn thường xuyên xảy ra ở các hội đồng chấm thi. Sự việc này có một số lí do như, người này chấm chặt còn người kia chấm thoáng hơn so với đáp án. Người này cộng điểm bài viết sáng tạo (tối đa 0,5 điểm) cho thí sinh còn người kia thì không.

Hay quan điểm của hai giám khảo khác nhau về nội dung bài thi của thí sinh. Chẳng hạn, Báo Thanh Niên ngày 20/7/2022 đưa tin, trong đợt chấm bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm môn Ngữ văn năm 2022, giám khảo đã ghi nhận lại những câu văn cực kỳ bay bổng "đốn tim" người chấm như:

"Văn chương chân chính không phải là kiếp ve sầu ngắn ngủi sau một mùa hạ, cũng chẳng giống những đóa hoa chóng tàn mỗi độ thu sang, mà đó là những nấc thang nâng tầm giá trị nhân sinh, nghệ thuật trong tâm hồn con người qua dòng chảy của lịch sử…”. [1]

Tuy vậy, nhiều đồng nghiệp của người viết cho rằng, câu văn này sáo rỗng chứ chẳng có gì gọi là sáng tạo, bay bổng đến mức "đốn tim" giám khảo cả.

Đáng nói, việc cả hai giám khảo chấm lệch nhau từ 1,5 điểm đến 2,5 điểm còn có thêm nguyên nữa là, một trong hai giám khảo chưa bao giờ dạy chương trình Ngữ văn 12.

Người viết đã từng chấm một xấp bài có 24 bài thi nhưng chênh với giám khảo thứ hai ở mức từ 1,5 điểm đến hàng chục bài. Sau khi chúng tôi xử lí xong bài thi thì một đồng nghiệp khác cho biết, giám khảo này ra trường chỉ vài năm, chưa được phân công dạy lớp 12.

Rõ ràng, việc chấm bài thi giữa hai giám khảo lệch nhau từ 1,5 điểm đến 2,5 điểm sẽ gây mất công bằng cho học sinh. Có trường hợp thí sinh làm bài thi tốt thì bị điểm thấp và ngược lại. Trong khi đó, chỉ cần thêm 0,25 điểm môn Ngữ văn thì thí sinh sẽ có thêm cơ hội đỗ tốt nghiệp, đỗ đại học.

Để hạn chế tối đa việc chấm thi tốt nghiệp tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn chênh lệch điểm, hiệu trưởng các nhà trường trung học phổ thông cần điều động giáo viên dạy 12 làm giám khảo kì thi.

Cùng với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành cần quán triệt việc điều động nhân sự làm giám khảo môn Ngữ văn cho kì thi này để tạo sự công bằng cho các thí sinh, cũng là góp phần làm cho kì thi được được tổ chức nghiêm túc, thành công.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thanhnien.vn/cham-thi-tot-nghiep-thpt-co-nhung-cau-van-don-tim-giam-khao-1851480142.htm

[2] https://vnexpress.net/quy-trinh-cham-bai-ngu-van-thi-tot-nghiep-thpt-4485727.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương