"Người trong cuộc" kể chuyện tham gia chọn sách giáo khoa

24/02/2024 08:44
Thuận Phương
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Cả trường có 3 bộ sách giáo khoa nên chỉ vài người có sách để đọc, số còn lại được hướng dẫn lên mạng tìm đọc sách điện tử để góp ý, bình chọn..

Kể từ khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, vào đầu học kỳ 2 các trường học đều tổ chức việc chọn sách giáo khoa cho năm học mới.

Vì thế, thời gian này, giáo viên ở nhiều trường học bắt đầu nhận được nhiệm vụ đọc và góp ý các bộ sách giáo khoa rồi chọn bộ sách mình ưng ý nhất.

Giáo viên tiểu học sẽ bình chọn bộ sách lớp 5, giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông sẽ bình chọn bộ sách lớp 9 và lớp 12. Nếu như 2 bậc trung học, giáo viên dạy môn nào chỉ đọc và bình chọn sách cho môn học đó thì giáo viên bậc tiểu học phải đọc và bình chọn khá nhiều cuốn sách (khoảng gần 30 cuốn sách) của nhiều môn học cùng lúc.

gdvn-hinh-giay-to-binh-chon-sach-9839.jpg
Giáo viên bình chọn sách. (Ảnh Thuận Phương)

Các trường đang cho giáo viên chọn sách giáo khoa ra sao? Và giáo viên chọn sách như thế nào là điều không ít người băn khoăn. Dưới góc độ là giáo viên, người viết xin chia sẻ một số góc nhìn để bạn đọc hiểu thêm xung quanh việc chọn sách giáo khoa của thầy cô.

Không có sách mẫu, không có thời gian đọc và nghiên cứu sách

Nhận được chỉ đạo từ chuyên môn nhà trường, giáo viên sẽ đọc và góp ý sách giáo khoa trước khi tổ chức bình chọn.

Cũng như vài năm trước, một số trường chọn sách giáo khoa nhưng cả trường có 3 bộ sách nên chỉ vài người có sách, số còn lại được hướng dẫn lên mạng tìm đọc sách điện tử.

Sách có sẵn để đọc cũng không chắc giáo viên đủ thời gian, sự kiên nhẫn để vừa đọc vừa ngẫm tìm ra cái hay, cái đẹp những thiếu sót của văn bản nếu có. Nay, thầy cô phải dò tìm và đọc bản sách điện tử chắc không nhiều thầy cô giáo làm được điều này.

Có khá nhiều nguyên nhân để giáo viên không mặn mà, không đủ nhiệt huyết để dồn tâm sức vào việc đọc và bình chọn sách.

Mỗi ngày, giáo viên phải đến trường 2 buổi. Thời gian rảnh còn lại phải lo hoàn thiện hồ sơ, sổ sách, lo cơm áo gạo tiền, lo chăm sóc con cái. Thế nên, thời gian dành cho việc lên mạng tìm đọc sách cũng sẽ không có nhiều.

“Ngoài ra, việc đọc để góp ý về mặt ưu, khuyết điểm từng cuốn sách một cách nghiêm túc sẽ phải chiếm khá nhiều thời gian và tâm lực. Đọc một cách vội vàng, cũng sẽ không có gì để góp ý”, một số giáo viên chia sẻ.

Thực tế, không ít thầy cô chia sẻ, việc đọc sách và góp ý một cách qua loa với việc đọc nghiền ngẫm một cách nghiêm túc để có những góp ý chất lượng hiện cũng như nhau. Ở nhiều nơi, giáo viên có thật sự nỗ lực đến đâu cũng không có thù lao. Vì thế, không ít thầy cô thẳng thắn cho biết, họ đọc và góp ý chọn sách giáo khoa theo cách làm cho xong việc.

Một giáo viên từng tham gia bình chọn sách giáo khoa thật thà tâm sự với người viết: “Từ địa phương mình ra tỉnh gần trăm cây số để bình chọn sách giáo khoa. Nhà trường chỉ chi trả tiền tàu xe đi về trong ngày khoảng gần hai trăm ngàn đồng/giáo viên. Ngoài ra, không có một khoản tiền bồi dưỡng nào khác, đến nước uống cũng chỉ là chai nước khoáng bình thường”, một giáo viên cốt cán chia sẻ.

Năm trước dùng sách nào năm nay chọn sách đó?

“Năm ngoái học sách nào, năm nay chọn học bộ sách đó”, là câu nói thường được nhiều thầy cô giáo sử dụng nhất khi bình chọn sách giáo khoa.

Theo nhiều thầy cô, một cấp học chung bộ sách vẫn hơn năm này học bộ sách này, năm sau lại học bộ sách khác. Cũng đã từng có chuyện xảy ra khi năm học này trường A. lớp 1, học bộ sách “Chân trời sáng tạo”, lớp 2, lớp 3, lớp 4 học bộ sách “Cánh diều” nên đã tổ chức chọn lại sách giáo khoa “Cánh diều” cho đồng bộ.

Vì thế, năm học 2023, tại địa phương người viết học sinh đang học bộ sách “Cánh diều” các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11 nên chưa có kết quả bình chọn thì ai cũng đoán được lớp 5, lớp 9, lớp 12 bộ sách “Cánh diều” cũng sẽ được chọn.

Không nói nhưng giáo viên đều suy nghĩ sẽ tiếp tục chọn bộ sách giáo khoa đã theo học các năm trước.

Giáo viên có trình độ thẩm định sách hay không?

Thầy Hồ Sỹ Đông - Giáo viên trường Trung học cơ sở Võ Nguyên Giáp, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang cho rằng: “Trình độ của giáo viên các cấp hiện nay để thẩm định và chọn được sách giáo khoa đúng chất lượng là không dễ.

Không ít giáo viên hiện vẫn công tác trước đây được đào tạo ở trình độ trung cấp rồi tiếp tục liên thông. Bằng cấp là thật nhưng vẫn có nhiều giáo viên kiến thức, khả năng không đi kịp bằng cấp.

Trong giảng dạy, thầy cô còn phải sử dụng sách giáo viên để dạy cho chuẩn. Trong khi, sách giáo khoa do các giáo sư, tiến sĩ biên soạn, cũng đã trải qua các hội đồng thẩm định quốc gia. Liệu rồi giáo viên có đủ trình độ thẩm định sách và lựa chọn được bộ sách chuẩn nhất hay không?

Đồng quan điểm với thầy giáo Hồ Sỹ Đông, một giáo viên tại tỉnh Bình Thuận cũng cho rằng, ngoài khả năng còn hạn chế, giáo viên cũng không có đủ thời gian để ngồi đọc từng cuốn sách, rồi nghiên cứu để tìm ra những điểm chưa hay, chưa phù hợp.

Minh chứng rõ ràng nhất là ngay năm học thay sách giáo khoa lớp 1 đầu tiên (năm 2020-2021), hàng loạt lỗi sai về kiến thức của một số bộ sách giáo khoa được phản ánh, lúc chọn sách giáo khoa thầy cô có nhìn ra không? Có góp ý với nhà xuất bản không?. Hơn nữa, các bộ sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định và phê duyệt thì về mặt pháp lý là đủ điều kiện làm tài liệu giảng dạy.

Vì thế, để tránh cho sách giáo khoa còn "sạn" như thời gian vừa qua, việc thẩm định sách giáo khoa trước khi cho ban hành sẽ vô cùng quan trọng. Hội đồng quốc gia thẩm định sách phải lựa chọn được những người không chỉ có trình độ chuyên môn cao, thật sự công tâm và có bản lĩnh vững vàng để đưa ra chính kiến của mình.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thuận Phương