Mặc dù ở ngành giáo dục có nhiều ý kiến không đồng tình với việc nâng tuổi nghỉ hưu, nữ từ 55 tuổi lên 60 tuổi, nam từ 60 tuổi lên 62 tuổi nhưng mới đây Quốc hội đã chính thức thông qua, tuổi nghỉ hưu với nữ là 60 tuổi, với nam là 62 được thực hiện theo lộ trình từ năm 2021.
Như vậy, các thầy cô giáo không có kêu ca, than thở gì nữa đành phải chấp nhận thực hiện theo quy định của pháp luật.
Theo tôi, để có đủ sức khỏe “chiến đấu” với nghề dạy học đến năm 60 tuổi, 62 tuổi, các thầy cô giáo và ngành giáo dục cần thay đổi, điều chỉnh cách làm việc, sinh hoạt của mình theo hướng sau đây.
Nhà giáo cần làm gì khi tăng tuổi nghỉ hưu? (Ảnh minh hoạ: Baodongnai.com.vn) |
Lâu nay, nhiều thầy cô đã quen lối dạy truyền thống, say sưa giảng, nói từ đầu tiết đến cuối tiết. Thầy mệt, hao tốn khá nhiều năng lượng. Còn trò chán nản, ngồi nghe mãi thấy ớn.
Các thầy cô giáo cần thay đổi, cải tiến phương pháp dạy học theo hướng tích cực, phát triển năng lực học sinh vừa đỡ tốn sức lực vừa hiệu quả, phù hợp với dạy học mới.
Nhiều giáo viên rất ham dạy thêm, dạy ngày dạy đêm để tăng thêm thu nhập. Có một số giáo viên trở nên khá giả, giàu có từ hoạt động dạy thêm.
Tất nhiên dạy như thế, các thầy cô giáo phải bỏ ra không ít sức lực. Mới đến tuổi 40, 50 mà nhiều giáo viên trông đã hom hem, già nua, mỏi mệt, mắc đủ chứng bệnh.
Các thầy cô giáo cần hạn chế dạy thêm, bớt lo về chuyện thu nhập, tiền bạc để dành thời gian nghỉ ngơi, đảm bảo sức khỏe, làm việc, dạy học lâu dài.
Khi giáo viên mầm non 60 tuổi vẫn còn đứng lớp |
Các thầy cô giáo năng tập thể dục, ăn uống, sinh hoạt điều độ, đi khám sức khỏe định kỳ.
Thực tế, có một phận giáo viên đang chịu khó tập thể dục, sinh hoạt điều độ hằng ngày nên có một thể lực, sức khỏe khá tốt.
Biết chăm sóc cho bản thân mình giúp cho thầy cô giáo luôn tươi trẻ, dẻo dai, tiếp tục đảm đương được mọi công việc của ngành giáo dục giao phó.
Bên cạnh, thay đổi từ phía thầy cô giáo, nhà trường, các cấp quản lý cũng cần thay đổi, cải tiến về nhiều mặt để hình thành nên một môi trường giáo dục tốt nhất cho giáo viên làm việc, cống hiến lâu dài. Bớt đi những cuộc họp, cuộc kiểm tra vô bổ.
Thời gian họp, kiểm tra nên ngắn gọn nhưng vẫn đạt hiệu quả. Có nhiều Hiệu trưởng họp hành dông dài, lê thê, ít nội dung khiến giáo viên mệt mỏi, ể oải. Giảm đi các cuộc thi, hội thi không cần thiết.
Mặc dù đã có văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng các địa phương vẫn thích tổ chức cuộc thi, hội thi nhiều.
Việc đổi mới chương trình, thay sách giáo khoa là cần thiết để tiến kịp xu thế giáo dục thế giới, song cách làm Bộ Giáo dục và Đào tạo cần được tính toán, cân nhắc thật kỹ lưỡng và hiệu quả, làm sao cho đội ngũ nhà giáo thật sự cảm thấy hứng thú, tâm huyết, không bị ràng buộc, áp lực quá lớn.