Áp lực dành cho nhà giáo ngày càng nặng nề, tăng tuổi hưu lại càng áp lực hơn

28/11/2019 06:39
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Trong thâm tâm của các nhà giáo, ai cũng mong muốn mình có sức khỏe tốt, được cống hiến lâu dài cho ngành giáo dục nước nhà.

Thông tin tăng tuổi nghỉ hưu khiến cho nhiều người lao động không khỏi lo lắng, nhất là với đội ngũ nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy đều mường tượng ra cảnh khi mình về già liệu có còn đáp ứng được yêu cầu công việc nữa hay không?

Áp lực đối với nhà giáo ngày càng nhiều khi mà chương trình giáo dục phổ thông mới đang trên đường ray băng băng chạy về phía trước. Rồi trình độ, văn bằng, chứng chỉ, chuẩn nghề nghiệp ngày càng đòi hỏi cao hơn từng ngày.

Khi tuổi đã ở ngưỡng 60 thì thầy cô có thể chinh phục được những con đường như thế này hay không? (Ảnh: Lang Văn Long)

Khi tuổi đã ở ngưỡng 60 thì thầy cô có thể chinh phục được những con đường như thế này hay không?

(Ảnh: Lang Văn Long)

Trong tác phẩm Truyện Kiều, nhà thơ Nguyễn Du đã từng viết: “Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa” nhưng có lẽ nhiều nhà giáo không khỏi chạnh buồn, lo lắng cho tương lai của mình.

Trong thâm tâm của các nhà giáo, ai cũng mong muốn mình có sức khỏe tốt, được cống hiến lâu dài cho ngành giáo dục nước nhà. Ai cũng muốn đến cái ngưỡng tuổi 60 vẫn còn sức khỏe, còn được đứng trên bục giảng và “cháy hết mình” cùng học trò.

Thế nhưng, khi đã ở cái tuổi “lục thập nhĩ thuận” này thì nhà giáo có còn sức khỏe để cống hiến được hay không mới là điều quan trọng. Tất nhiên, tuổi 60-62 vẫn còn những thầy cô khỏe mạnh nhưng có lẽ số đó không nhiều, thậm chí là rất hiếm đối với nữ giới.

Trong khi đó, số tiết dạy theo quy định cũng đều như nhau, hồ sơ sổ sách, công việc nhà trường vẫn phải đáp ứng theo quy định của ngành. Hàng ngày, dù già hay trẻ thì vẫn dạy, vẫn chấm bài, vẫn soạn giáo án, vẫn phải trực tiếp giảng dạy cho học trò…

Chúng ta cứ thử mường tượng một cô giáo 60 tuổi mà dạy đến tiết thứ 4 trong một buổi thì có còn đủ sức khỏe để đứng mà dạy cho học trò nữa hay  không?

Áp lực dành cho nhà giáo ngày càng nặng nề, tăng tuổi hưu lại càng áp lực hơn ảnh 2
Tăng tuổi nghỉ hưu, giáo viên làm gì khỏi ngã gục trên bục giảng?

Nghề giáo chưa bao giờ được xem là một nghề nhàn hạ và dù cho xã hội có thay đổi, khoa học công nghệ có phát triển đến đâu thì thầy cô vẫn phải nói, phải giảng trước học trò. Mấy tiếng đồng hồ vận dụng hết công suất với mấy chục học trò chắc chắn là không dễ dàng chút nào.

Hơn nữa, các em học sinh khi  học với những thầy cô giáo ở ngưỡng 60 -62 tuổi thì liệu các em có còn thích thú không? Một khi các em không thích thú đương nhiên là sẽ không chú tâm học tập. Khi đã không tập trung học bài thì đương nhiên sẽ có nhiều em nói chuyện, nghịch ngợm trong lớp…

Nếu ở tuổi trên dưới 60 mà là giảng viên đại học thì cũng rất bình thường bởi người học phần lớn đã là người trưởng thành, lứa tuổi chênh lệch cũng không phải quá lớn, giảng viên họ có số tiết dạy ít hơn, nhiều thời gian dành cho nghiên cứu.

Nhưng những học trò 3-15 tuổi mà học với những thầy cô lớn tuổi chắc chắn các em không hạnh phúc chút nào. Phương pháp giảng dạy có lẽ thầy cô giáo lớn tuổi có thừa, lòng nhiệt huyết vẫn không bao giờ tắt đối với nghề, đối với học trò. Nhưng, sức khỏe, sự hấp dẫn có lẽ đều cạn rồi...

Có người nói Luật mới cho phép thầy cô khi đã có 20 năm đóng bảo hiểm thì nghỉ hưu lúc nào là do thầy cô tự quyết. Nói như vậy thì thật dễ dàng và ai cũng muốn được nghỉ như thế.

Nhưng chúng tôi cho rằng thầy cô đóng bảo hiểm đến năm 55 tuổi mà nghỉ chờ hưu thêm 5-7 năm nữa thì đó cũng là một cực hình. Đồng lương giáo viên thì ai cũng biết rồi, có mấy người tích lũy được, mà có tích lũy thì cũng đáng là bao với khoảng thời gian nghỉ chờ lương hưu?

Lúc ấy nghỉ lấy gì mà sống? Nghỉ vì bất khả kháng như bệnh tật thì lại càng khổ cực hơn bởi khi nghỉ việc cũng là...nghỉ nhận lương. Ốm đau, bệnh tật mà không có lương, không có bảo hiểm y tế thử hỏi quyền tự quyết ấy phỏng có ích lợi gì?

Giáo dục đã thực sự là quốc sách?

Áp lực dành cho nhà giáo ngày càng nặng nề, tăng tuổi hưu lại càng áp lực hơn ảnh 3Thôi rồi, ông giáo ơi!

Ngày 20/11 vừa đi qua, chúng ta thấy có rất nhiều mỹ từ mà xã hội dành cho đội ngũ thầy cô giáo. Nhiều năm nay cũng có rất nhiều dự định về chính sách dành cho đội ngũ nhà giáo nước nhà. Nhưng, thực tế thì giữa ngôn từ, những dự định về chính sách đều rất xa với thực tế của người thầy.

Khi mà “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” còn mãi long đong tìm việc, cơm áo gạo tiền vẫn là nỗi lo canh cánh hàng ngày với một bộ phận lớn thầy cô giáo thì liệu nghề đó có được xem cao quý nhất hay không?

Kế hoạch có bảng lương riêng cho đội ngũ nhà giáo đã không thể thực hiện được, phụ cấp thâm niên nhà giáo cũng chuẩn bị cắt bỏ. Biên chế suốt đời cũng chuẩn bị không còn nữa đối với những viên chức ngành giáo dục tuyển dụng sau ngày 1/7/2020…

Những áp lực về công việc, áp lực về những hồ sơ số sách, áp lực về thành tích vẫn bủa vây người thầy từng ngày...

Khi con người về già thường hay lẩm cẩm và khó tính, nhất là với nhà giáo khi thấy học trò mình có những hành vi, cử chỉ không phù hợp thì thường hay nhắc nhở. Nhắc nhở nhiều thì liệu học trò có còn thích thú học với thầy cô lớn tuổi nữa không?

Xã hội kỳ vọng nhiều vào đội ngũ nhà giáo, đội ngũ nhà giáo đào tạo ra nguồn nhân lực cho nước nhà nhưng một khi đã bước sáng tuổi 60- 62 thì còn đâu tính sáng tạo mà tạo nên sự đột phá cho ngành, cho đất nước?

NGUYỄN NGUYÊN