Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong các Thông tư 01, 02, 03, 04 “Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường phổ thông công lập” thì ba hạng giáo viên sẽ đòi hỏi ba mức “đạo đức nghề nghiệp” khác nhau.
Có mấy vấn đề mà người viết, không hiểu, xin nêu lên để quý bạn đọc cùng bàn luận.
Cũng xin nói thêm, người viết chỉ dám đề nghị “bạn đọc bàn luận” bởi như ý kiến của Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam Vũ Ngọc Hoàng phát biểu:
“Thứ duy nhất Hiệp hội có là tư vấn, mà ngày nay không phải ai cũng thật sự cần tư vấn. Có thể người nói chưa đủ giỏi và người nghe thì đã "giỏi" lắm rồi, dù có thể mỗi người có một cách giỏi khác nhau”. [1]
Mặc dù thế, người viết vẫn hy vọng có ai đó ở tầm “giỏi lắm rồi” dành chút thời gian chừng năm mười phút, lướt qua xem phía trước “đèn ôtô “ có cái gì.
Chẳng hạn, theo quy định trong Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT (Thông tư 04) ban hành ngày 02/02/2021 thì tiêu chuẩn về “đạo đức nghề nghiệp” giáo viên hạng 3 dạy khối trung học phổ thông bao gồm 04 tiêu chí, trong đó tiêu chí thứ 4 là:
“Thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo; quy định về hành vi, ứng xử và trang phục”.
Có thể thấy với tiêu chí thứ 4 này, ngành Giáo dục và Đào tạo đã có sẵn “các quy định về đạo đức nhà giáo; quy định về hành vi, ứng xử và trang phục”.
Nếu điều này là đúng thì còn cần quy định thêm “đạo đức nghề nghiệp” trong Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT để làm gì?
Hay là cho đến nay chưa có văn bản chính thức nào quy định về “đạo đức nhà giáo”?
Hỏi thế chứ thực ra đã là nhà giáo, hẳn nhiều người biết Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT quy định về “Đạo đức nhà giáo”, được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành từ năm 2008.
Có điều tra cứu thông tin trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thì thấy mục Đạo đức nghề nghiệp (Điều 4) lại hình như có gì đó không ổn cả về điều khoản lẫn cách sử dụng từ ngữ, ảnh chụp màn hình cho thấy:
“3. Công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học; thực hành tiết kiệm, chống bệnh thành tích, chống tham nhũng, lãng phí.
3. Thực hiện phê bình và tự phê bình thường xuyên, nghiêm túc; thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục”. [2]
Ảnh chụp màn hình nội dung Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT |
Trong quyết định nêu trên, mục “Đạo đức nghề nghiệp” có 04 tiêu chí, mục “Lối sống, tác phong” có 06 tiêu chí, mục “Giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo” có 11 tiêu chí, tổng cộng có tới 21 tiêu chí liên quan đến “đạo đức nhà giáo”.
Đến năm 2018 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT về việc tăng cường quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT.
Phải nêu thêm như thế để thấy quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về “đạo đức nhà giáo” cho đến nay vần còn hiệu lực.
Vậy phải chăng các chuyên viên soạn thảo Thông tư 01, 02, 03, 04 của Bộ cảm thấy “đạo đức nghề nghiệp” (của nhà giáo) và “đạo đức nhà giáo” là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau nên cần đưa thêm “đạo đức nghề nghiệp” vào Thông tư mới?
Xin nêu thêm một khía cạnh khác.
Tiêu chuẩn “Đạo đức nghề nghiệp” áp dụng với hai cấp học là Giáo dục mầm non và Giáo dục phổ thông. Giáo viên hạng 3 hai cấp học này (gồm 05 bậc học là nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông) đều phải thỏa mãn 04 tiêu chí giống nhau. Muốn thăng hạng, giáo viên dạy cả năm bậc học này đều phải thêm tiêu chí mới.
Ví dụ với giáo viên trung học phổ thông hạng 2 Thông tư 04 quy định:
“Ngoài các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên trung học phổ thông hạng III, giáo viên trung học phổ thông hạng II phải luôn luôn gương mẫu thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo”.
Với giáo viên trung học phổ thông hạng 1 Thông tư 04 quy định:
“Ngoài các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên trung học phổ thông hạng II, giáo viên trung học phổ thông hạng I phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức nhà giáo và vận động, hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo”.
Vậy là với bốn Thông tư đã ban hành, cơ quan quản lý giáo dục đã chính thức quy định giáo viên hạng thấp, tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp sẽ thấp hơn giáo viên hạng cao hơn.
Số liệu trong Tờ gấp giáo dục và đào tạo năm 2019 cho thấy đội ngũ giáo viên hai cấp Mầm non và Trung học phổ thông khoảng 1,2 triệu người, chiếm hơn 50% tổng số viên chức cả nước. Số cán bộ quản lý giáo dục vào khoảng 150.000 người (không kể đại học, cao đẳng).
Vấn đề không ít người muốn biết là quy định về “đạo đức nghề nghiệp” trong bốn thông tư mới ban hành chỉ áp dụng cho nhà giáo. Vậy cơ quan ban hành chính sách có nên ban hành thêm “Quy định về đạo đức nghề nghiệp” với đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục?
Hệ thống quản lý giáo dục Việt Nam hiện cũng gồm ba cấp, cấp huyện quản lý từ bậc mầm non đến trung học cơ sở, cấp tỉnh quản lý khối trung học phổ thông và cấp bộ quản lý tất cả, từ mầm non đến đại học và sau đại học.
Những người làm việc trong các cơ quan quản lý giáo dục hầu hết là công chức, nếu chỉ xét nhân sự cấp trung cao thì sẽ có ba bậc là chuyên viên, chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp.
Lẽ nào khi chuyển bậc chuyên viên, các nhân sự này không phải xem xét “đạo đức nghề nghiệp” như nhà giáo khi chuyển hạng. Nói cách khác, cùng trong ngành Giáo dục, một khi đã quy định đạo đức nghề nghiệp nhà giáo (viên chức) thì cũng cần quy định đạo đức nghề nghiệp cán bộ quản lý giáo dục (công chức).
Thực lòng, người viết chỉ muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa lại các Thông tư 01, 02, 03, 04 theo hướng bỏ đi quy định về “đạo đức nghề nghiệp” bởi dù là nhà giáo cắm bản hay dạy tại các trường chuyên, lớp chọn thì “đạo đức nghề nghiệp” vẫn phải như nhau.
Phân loại tiêu chuẩn “đạo đức nghề nghiệp” đối với nhà giáo không biết có phải là dựa vào “tư vấn” của các chuyên viên nhưng có lẽ ý kiến của vị Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam là có lý.
Dù ai tư vấn, dù ai ký thì cuối cùng vẫn là các nhà giáo phải “chịu trách nhiệm thi hành”.
Nếu đây không phải chuyện gây khó dễ cho nhà giáo thì chính xác nó là gì?
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/tin-hiep-hoi/nam-2021-chu-tich-hiep-hoi-gui-gam-3-ky-vong-doi-voi-giao-duc-dai-hoc-post214617.gd
[2]http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?_page=59&mode=detail&document_id=63657