Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường từ mầm non đến trung học phổ thông công lập thì nhiều giáo viên tỏ ra băn khoăn, lo lắng.
Sự lo lắng của giáo viên các cấp học, trong đó có giáo viên bậc trung học cơ sở là có lý bởi vì theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ trước đây thì phần lớn giáo viên của cấp học này đang là hạng II từ nhiều năm nay.
Nhưng theo hướng dẫn của các Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT mà Bộ mới ban hành ngày 02/2/2021 và có hiệu lực từ ngày 20/3/2021 tới đây thì có thể nhiều thầy cô giáo sẽ không đáp ứng được các tiêu chí để giữ hạng.
Bởi vì, tại Thông tư này cũng đã hướng dẫn cụ thể về việc nếu “chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng tương ứng” thì sẽ bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp thấp hơn, giáo viên hạng I có thể xuống hạng II và từ hạng II có thể xuống hạng III.
Trên các trang mạng xã hội, nhiều giáo viên đang lo lắng mình sẽ không giữ được hạng hiện có (Ảnh chụp từ màn hình: Nguyễn Cao) |
Phần lớn giáo viên trung học cơ sở hiện nay đang là giáo viên hạng II
Tại Thông tư số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/9/2015 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo- Bộ Nội vụ đã quy định chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở trong các trường trung học cơ sở công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 3 hạng.
Giáo viên trung học cơ sở hạng I - Mã số: V.07.04.10; Giáo viên trung học cơ sở hạng II - Mã số: V.07.04.11; Giáo viên trung học cơ sở hạng III - Mã số: V.07.04.12.
Khi Thông tư số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV được ban hành, Ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố) cũng đã có những văn bản hướng dẫn thực hiện nên tất cả giáo viên trung học cơ sở đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp (kể cả giáo viên mới được tuyển dụng gần đây sau khi hết tập sự 1 năm).
Tại khoản 1, Điều 11 của Thông tư số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV cũng đã hướng dẫn:
“Viên chức đã được bổ nhiệm vào các ngạch giáo viên trung học cơ sở theo quy định tại Quyết định số 202/TCCP-VC; Quyết định số 61/2005/QĐ-BNV, nay được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở quy định tại Thông tư liên tịch này thì cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng viên chức có trách nhiệm tạo điều kiện để viên chức bổ sung những tiêu chuẩn còn thiếu của chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở được bổ nhiệm”.
Như vậy, những giáo viên khi đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp theo từng hạng, nếu như còn thiếu văn bằng, chứng chỉ thì sẽ có trách nhiệm bổ sung theo quy định và các cơ quan sử dụng viên chức “có trách nhiệm tạo điều kiện để viên chức bổ sung”.
Vậy nên, phần lớn giáo viên trung học cơ sở ở các địa phương nếu có bằng đại học thì đều đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp Giáo viên trung học cơ sở hạng II, giáo viên có bằng cao đẳng thì được bổ nhiệm hạng III từ nhiều năm qua.
Theo đó, bảng lương của giáo viên cấp trung học cơ sở được quy định chi tiết tại Điều 9, Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Giáo dục và Bộ Nội vụ, cụ thể như sau:
Giáo viên cấp trung học cơ sở hạng I: Áp dụng hệ số lương loại A2, nhóm A2.2 từ 4,0 - 6,38; giáo viên hạng II: Áp dụng hệ số lương loại A1 từ 2,34 - 4,98; giáo viên hạng III: Áp dụng hệ số lương loại A0 từ 2,10 - 4,89.
Giáo viên trung học có phải xuống hạng theo hướng dẫn của Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT
Ngày 02/2/2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học cơ sở công lâp.
Theo đó, tại Điều 7, Chương III- Hướng dẫn bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp được quy định như sau:
“Điều 7. Các trường hợp bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở
1. Viên chức đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở theo quy định tại Thông tư liên tịch số Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV nếu đạt các tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư này thì được bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở như sau:
a) Giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.12) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32);
b) Giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.11) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31);
c) Giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.10) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.30).
2. Giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.11) chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng tương ứng theo quy định tại Điều 4 Thông tư này thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32);
Giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.10) chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng tương ứng theo quy định tại Điều 5 Thông tư này thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31)”.
Chiếu theo Điều 4 (hướng dẫn tiêu chí giáo viên trung học cơ sở hạng II), Điều 5 (giáo viên trung học cơ sở hạng I) của Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT thì chúng tôi nhận thấy phần lớn giáo viên khó có thể giữ được hạng đã được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp hiện có.
Vì trong 4 tiêu chí: “Nhiệm vụ; Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng; Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp; Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ” thì phần lớn giáo viên chỉ có thể đảm bảo được 2 tiêu chí.
Đó là: “Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng” yêu cầu bằng cử nhân (hạng II); bằng thạc sĩ (hạng I); chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và “Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp” thì có lẽ phần lớn giáo viên đáp ứng được.
Còn lại 2 tiêu chí: “Nhiệm vụ” và “Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ” thì gần như giáo viên rất khó đáp ứng được. Bởi, 2 tiêu chí này liên quan đến rất nhiều phần việc mà giáo viên đứng lớp khó có cơ hội được cơ cấu để tham gia vì những nhiệm vụ này thường là lãnh đạo quản lý nhà trường trở lên mới được cơ cấu.
Ngoài ra còn có yêu cầu về danh hiệu thi đua, về khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên trung học cơ sở và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao…
Chính vì vậy, khi Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 20/3/2021 mà các địa phương thực hiện theo đúng tinh thần hướng dẫn thì phần lớn giáo viên cho dù đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ cũng khó có thể giữ được hạng II (hạng mà đa số giáo viên đã được bổ nhiệm).
Nếu không đáp ứng đủ các tiêu chí để giữ được giáo viên trung học cơ sở hạng II thì sẽ “được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III” và khi đã là giáo viên hạng III thì sẽ có mã số V.07.04.32, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98…
Về cơ bản, giáo viên trung học cơ sở hạng III (theo Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT) có hệ số lương giống như giáo viên trung học cơ sở hạng II như bây giờ nhưng theo Luật Giáo dục năm 2019 thì phụ cấp thâm niên nhà giáo tới đây sẽ không còn (thực hiện đúng thì phụ cấp này đã bị cắt từ ngày 01/7/2020)!
Và, về cơ bản thì giáo viên các cấp mầm non, tiểu học và trung học phổ thông cũng được hướng dẫn tương tự về cách bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp như thế này.
Tài liệu tham khảo:
//thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Thong-tu-lien-tich-22-2015-TTLT-BGDDT-BNV-ma-so-tieu-chuan-giao-vien-trung-hoc-co-so-cong-lap-292333.aspx
//thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Thong-tu-lien-tich-22-2015-TTLT-BGDDT-BNV-ma-so-tieu-chuan-giao-vien-trung-hoc-co-so-cong-lap-292333.aspx
//thukyluat.vn/vb/thong-tu-03-2021-tt-bgddt-xep-luong-vien-chuc-giang-day-trong-truong-trung-hoc-co-so-cong-lap-7160f.html