Những chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo nghề trong nhiều năm qua đã khẳng định chủ trương phát triển đào tạo nghề của Đảng và Nhà nước là rất đúng đắn, tạo ra bước chuyển mạnh mẽ về chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực theo hướng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội.
Trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0, tình hình thế giới diễn biến ngày càng phức tạp, mau lẹ trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học và công nghệ, cho đến môi trường sinh thái, khí hậu, bệnh tật và đói nghèo...
Những xu thế thay đổi này vừa là cơ hội lớn để Việt Nam nhanh chóng bứt phá để đạt được những mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra, nhưng cũng là những thách thức không nhỏ mang tính thời đại mà Việt Nam phải vượt qua.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, quá trình quốc tế hoá sản xuất và phân công lao động cũng diễn ra ngày càng phức tạp, vừa hợp tác vừa cạnh tranh quyết liệt.
Theo số liệu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đến nay đã có 582 nhà giáo giáo dục nghề nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài để có thể tham gia giảng dạy các chương trình được chuyển giao từ Úc và Đức. |
Do vậy chiến lược đào tạo nghề chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu về nhân lực phù hợp với xu thế của thế giới là một trong những điều kiện quan trọng để lao động Việt Nam có thể hội nhập với thế giới.
Năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp được coi là yếu tố quyết định chất lượng đào tạo nghề.
Vậy, việc đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo những năm qua được triển khai như thế nào?
Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Lê Quân đã chỉ ra nhiều vấn đề trong việc xây dựng, đào tạo, chuẩn hóa cán bộ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.
Theo Thứ trưởng Lê Quân, chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020 đã xác định “Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề” là một trong 2 giải pháp đột phá để thực hiện Chiến lược; Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 coi “Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục” là giải pháp then chốt để thực hiện Chiến lược.
Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp từng bước được nâng cao chất lượng, góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: Hình ảnh dạy học tại trường Đại học Tôn Đức Thắng. |
Trong giai đoạn 2011-2015, chất lượng đội ngũ nhà giáo đã từng bước được nâng cao góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới của giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu đổi mới toàn diện và đồng bộ giáo dục nghề nghiệp.
Trình độ lao động của Việt Nam đang đứng ở đâu trên thế giới? |
Trong đó, nhiệm vụ chuẩn hóa và phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cần phải được tiếp tục đổi mới toàn diện với mục tiêu đạt chuẩn ở các cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế để ngày càng nâng cao chất lượng của đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.
Nói về các chuẩn hóa và nâng lực chuyên môn của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, Thứ trưởng Lê Quân cho biết, theo quy định tại Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hôi quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, bao gồm: Năng lực chuyên môn (Trình độ đào tạo, kỹ năng nghề; Trình độ ngoại ngữ, tin học); Năng lực sư phạm và Năng lực phát triển nghề nghiệp, nghiên cứu khoa học.
Các nhà giáo được bồi dưỡng đạt chuẩn cho nhà giáo giảng dạy các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN để tham gia thí điểm đào tạo các chương trình được chuyển giao chương trình từ nước ngoài.
Giáo viên hướng dẫn sinh viên thực hành nghề tự động hóa tại Phòng học công nghệ 4.0. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN) |
Về các kết quả đào tạo bồi dưỡng nhà giáo, Thứ trưởng Lê Quân cho biết, từ năm 2016 đến nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo được triển khai đạt một số kết quả sơ bộ.
Cụ thể, công tác bồi dưỡng chuẩn hóa ở trong nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã xây dựng và ban hành 03 chương trình, tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp theo năng lực thực hiện cho 03 cấp trình độ (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp).
Trong đó, 1.700 nhà giáo đã được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và bồi dưỡng nâng cao phương pháp sư phạm cho 15.000 nhà giáo.
Bộ Lao động thương binh và Xã hội cũng đã xây dựng 36 bộ chương trình, tài liệu bồi dưỡng kỹ năng nghề và tổ chức bồi dưỡng, đánh giá kỹ năng thực hành nghề cho gần 1.000 nhà giáo giáo dục nghề nghiệp ; Bồi dưỡng tiếng Anh chuyên ngành cho khoảng 1.000 nhà giáo dạy các nghề được đầu tư trọng điểm các cấp độ; Tổ chức xây dựng 10 chương trình, tài liệu bồi dưỡng công nghệ mới cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp …
“Chuẩn hóa và phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp là rất cần thiết, phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”, Thứ trưởng Lê Quân khẳng định.