Nhà giáo Trịnh Thu Tuyết bày tỏ trăn trở về thực trạng dạy môn Ngữ văn

12/01/2023 06:45
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dạy chương trình mới, HS cần được đánh thức tình yêu văn chương bằng cách tiếp xúc sâu sắc, nghiêm túc với tác phẩm thay vì chỉ tạo phấn khích từ trò chơi.

Tiến sĩ, Nhà giáo Trịnh Thu Tuyết nhiều năm là giáo viên môn Ngữ văn của Trường Trung học phổ thông Chu Văn An (Hà Nội). Với mỗi học trò, Nhà giáo Trịnh Thu Tuyết không chỉ phong phú về kiến thức văn học mà còn là tấm gương sáng về chuẩn mực vốn sống đạo đức, người luôn đòi hỏi sự sáng tạo trong phương pháp dạy học môn Ngữ văn.

Trong bối cảnh ngành giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều đổi mới, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ, Nhà giáo Trịnh Thu Tuyết bày tỏ những trăn trở về thực trạng dạy môn Ngữ văn, nhất là các tiết đọc văn khi áp dụng những kỹ thuật dạy học hiện đại. Đồng thời, chú trọng đưa ra gợi ý làm thế nào để đổi mới phương pháp dạy các tiết đọc trong môn Ngữ văn thực chất hơn khi có quá nhiều kỹ thuật dạy học và trò chơi đan xen.

Tiến sĩ, Nhà giáo Trịnh Thu Tuyết. (Ảnh: NVCC).

Tiến sĩ, Nhà giáo Trịnh Thu Tuyết. (Ảnh: NVCC).

“Tác phẩm văn học là một cấu trúc ngôn từ hoàn chỉnh, dù kết hợp các kỹ thuật dạy học hiện đại như thế nào, thì vẫn cần tôn trọng tính chỉnh thể toàn vẹn ấy thay vì làm nát vụn tiết học và thế giới nghệ thuật của văn bản bằng các trò chơi hay việc kê bàn ghế cho một kỹ thuật nào đó", Nhà giáo Trịnh Thu Tuyết nhận định.

Đầu tư nhiều vào các trò chơi trong tiết học, hiệu quả đến đâu?

Thực tế hiện nay, khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, làm thế nào để mỗi giờ học thực sự phát huy năng lực của học sinh vẫn là ẩn số, buộc nhà giáo phải tìm tòi, đổi mới, trong đó có việc sử dụng các kỹ thuật dạy học hiện đại như: bể cá, mảnh ghép, khăn trải bàn, động não…

Bàn về điều này, theo cô Tuyết, sự hoạt náo, phấn khích trong lớp học, ở một góc độ nào đó đang được coi là tiêu chí thành công cho giờ Ngữ văn. Chính vì thế, thực tế giảng dạy môn Ngữ văn ở nhiều nơi đang có quan niệm cho rằng, giáo viên tổ chức các kỹ thuật dạy học, trò chơi như sắm vai, tiếp sức, nhìn hình đoán chữ, phòng tranh, ô chữ bí mật… nhằm thu hút học trò là một trong những tiêu chí quan trọng, thậm chí bắt buộc để đánh giá một tiết học phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.

Tuy nhiên, cô Tuyết chỉ ra trăn trở khi áp dụng kỹ thuật dạy học môn Ngữ văn trong tiết đọc văn rằng:

Thứ nhất, để thực hiện một tiết 45 phút với những hoạt động dạy học như vậy, giáo viên và học sinh phải đầu tư bao nhiêu thời gian, công sức, và cả tiền bạc?

Thứ hai, các tiết dạy khác khi không có cán bộ quản lý dự giờ, liệu có thực hiện được bài bản như vậy không?

Thứ ba, điều quan trọng là sau quá trình áp dụng kỹ thuật dạy học như vậy, thì kết quả được tổng kết theo học kỳ ra sao?”, cô Tuyết nêu.

Cũng theo cô Tuyết, các hoạt động, đặc biệt là các trò chơi trong giờ học Ngữ văn đã mang lại vui vẻ, tiếng cười và hào hứng cho học trò. Tuy nhiên, giáo viên cần làm rõ nguyên nhân sâu xa của sự hứng thú ấy là gì?

“Sự hứng thú của học sinh đến từ việc các em được khám phá tri thức với những xúc cảm thẩm mĩ, đạo đức cao đẹp từ hình tượng ngôn từ, thông điệp tư tưởng của tác phẩm văn học. Hay vì được tham gia các trò chơi thay cho học?

Trong thực tế, nhiều học trò rất thích tận dụng một cớ nào đó để “câu giờ”, khiến thời gian tham gia học trực tiếp trong một tiết giảm đi.

Học sinh trung học cơ sở, nhất là trung học phổ thông đã qua tuổi mẫu giáo và tiểu học để áp dụng cách “học mà chơi, chơi mà học”. Với lứa tuổi này, các em cần được đánh thức tình yêu văn chương bằng cách tiếp xúc sâu sắc, tích cực, nghiêm túc với tác phẩm văn chương thay vì chỉ tạo sự phấn khích từ các trò chơi", cô Tuyết băn khoăn.

"Cắt vụn" tiết học khó giúp học sinh cảm nhận được hết nét đẹp của ngôn từ

Văn học là nghệ thuật ngôn từ, và ngôn từ là chất liệu phi vật thể có giá trị biểu đạt, biểu cảm đặc biệt.

“Nhiều khi, chúng ta đọc xong một tác phẩm văn học, thực sự không muốn xem phim hay kịch chuyển thể từ tác phẩm ấy, vì có một nỗi sợ thường trực. Đó là cảm giác sợ... hụt hẫng.

Sự tiếp nhận văn bản ngôn từ với các loại hình nghệ thuật khác như phim, kịch sẽ khác nhau, có thể đưa tới sự hụt hẫng cũng là điều dễ hiểu. Đó là nguyên nhân khiến những trò chơi như sắm vai, sân khấu hóa văn chương, phòng tranh… ít nhiều làm thay đổi ấn tượng đặc trưng của tác phẩm ngôn từ”, cô Tuyết chia sẻ.

Cũng theo cô Tuyết, khám phá vẻ đẹp của một tác phẩm văn học tuyệt đối không phải chỉ dừng lại ở việc xem tác phẩm gửi gắm thông điệp tư tưởng gì, mà phải lý giải được tác giả nói thông điệp đó như thế nào, tại sao.

“Như vậy, chúng ta không thể đơn thuần bóc tách và tô đậm phần bề ngoài của nội dung để thể hiện trong các trò chơi, mà quan trọng hơn là phải khám phá cái lung linh, biến ảo, cái run rẩy huyền diệu của hình tượng ngôn từ. Để từ đó, chạm sâu được vào phần hồn của tác phẩm”, cô Tuyết nói.

Đặc biệt, cô Tuyết cũng nhấn mạnh, rất khó thưởng thức sâu sắc vẻ đẹp trong ngôn từ, cấu trúc tác phẩm trong tiết đọc văn nếu tiết học bị ngắt vụn bởi những kỹ thuật, trò chơi… Song, về mặt khách quan, những hoạt động này có thể phát huy tác dụng tích cực trong các tiết học về tri thức Ngữ văn, thực hành tiếng Việt, ôn tập, luyện tập…

Tiết đọc văn nên đổi mới phương pháp dạy và học thực chất như thế nào?

Với kinh nghiệm giảng dạy thực tế môn Ngữ văn, Tiến sĩ, Nhà giáo Trịnh Thu Tuyết cho rằng:

Để có thể phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh, không nhất thiết giờ học nào, phân môn nào, giáo viên cũng phải đưa học trò vào những trò chơi mất rất nhiều thời gian mà cái đọng lại sau giờ học có thể chỉ là bề nổi của sự hoạt náo. Bởi, trong một bộ môn, nhất là với Ngữ văn, nhiều khi rất cần đến chiều sâu, trầm lắng, chiêm nghiệm, suy tư để cảm nhận giá trị, vẻ đẹp tác phẩm.

“Nếu muốn sử dụng kỹ thuật dạy học, trò chơi, giáo viên có thể dành cho học trò chuẩn bị và thực hiện một vài trò chơi phù hợp trong một giờ ngoại khóa. Khi ấy, việc sắp xếp bàn ghế, chuẩn bị phục trang, những tiếng cười… sẽ không làm ảnh hưởng đến thời lượng, và đặc trưng của các giờ học chính khóa”, cô Tuyết gợi ý.

Tiếp nữa, giáo viên đặt vấn đề nhưng không hẳn là người chốt lại nội dung cuối cùng trong vai trò đưa ra chân lý.

Mục đích của hầu hết các kỹ thuật dạy học hiện đại đều giúp các em kết hợp tư duy độc lập và hoạt động nhóm. Đó là việc bất kỳ giáo viên nào có ý thức về phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh đều thực hiện được trong các tiết học.

Cô Tuyết nói: “Tôi luôn cho rằng, giáo viên nên chỉ gợi mở, dẫn dắt cho học sinh suy nghĩ, trao đổi, thảo luận; hơn nữa, giáo viên cũng cần đặt mình vào vai trò người tiếp nhận văn bản cùng với học sinh, thay vì vai trò người hướng đạo và ban phát chân lý”.

Cụ thể, những quan điểm của học sinh cần được giáo viên tiếp nhận và suy nghĩ nghiêm túc. Sau đó, đưa ra những nhận xét chỉ thể hiện quan điểm cá nhân để học sinh tham khảo hoặc phản biện, không nên áp đặt.

“Tuy nhiên, để đảm bảo thời lượng tiết học, với những vấn đề lớn của bài đọc, giáo viên nên giao trước cho học sinh suy nghĩ chuẩn bị, trên lớp cũng cần khống chế thời gian trao đổi tối đa, một mặt chủ động điều tiết và kiểm soát những tình huống phát sinh, mặt khác vẫn không làm ảnh hưởng tới hứng thú của học trò khi trao đổi, thảo luận. Làm được như vậy, dù duy trì không gian truyền thống của lớp học, giáo viên vẫn có thể phát huy cao nhất tính tích cực, chủ động cho học trò, dắt dẫn các em suy nghĩ, trao đổi để khám phá văn bản”, cô Tuyết chia sẻ.

Quan trọng là, không để trò chơi thay thế lời giảng bằng ngôn từ của người thầy.

Chia sẻ thêm, cô Tuyết cho rằng, điều này mang tính nguyên tắc.

Cụ thể, chúng ta tuyệt đối không được quên đặc trưng của văn bản ngôn từ để có cách dạy, đổi mới phương pháp phù hợp. Giáo viên cần giúp học sinh cảm thụ vẻ đẹp của ngôn từ trong việc khắc họa hình tượng nghệ thuật tác phẩm, tiếp nhận những bài học, thông điệp… không chỉ qua những trao đổi, thảo luận mà còn bằng cả sự gợi mở, dẫn dắt, khơi thức trong chính lời giảng của giáo viên.

“Đừng lo việc sử dụng lời của giáo viên sẽ khiến giờ dạy trở về với phương pháp diễn giảng truyền thống, thiếu đổi mới. Bởi, chúng ta vẫn luôn cần dùng một “liều lượng” phù hợp và nhất là biểu cảm của ngôn từ để mang văn bản ngôn từ tới gần học trò.

Hành trình giao tiếp giữa con người với con người phát triển từ các động tác ra hiệu, vẽ kí hiệu, biểu tượng cho đến lời nói, ngôn ngữ.

Vậy, khi khám phá một văn bản ngôn từ, đọc văn, sao lại hạn chế cách lý giải và biểu cảm bằng ngôn từ, đặc biệt là ngôn từ của người thầy?”, cô Tuyết bày tỏ trăn trở.

Ngọc Mai