Nhận diện “bộ phận không nhỏ” ngành Giáo dục

14/11/2015 07:49
Xuân Dương
(GDVN) - Mang cách hành xử “tiền hậu bất nhất” để nói về một hội nghị gồm nhiều nhà khoa học nổi tiếng liệu có cho thấy cái tâm và tầm thực sự của người lãnh đạo?

Đi tìm “bộ phận không nhỏ” hiện gặp nhiều khó khăn, việc này diễn ra trên bình diện toàn quốc, bài viết này chỉ xin nêu hai sự kiện liên quan đến giáo dục nhằm giúp ngành Giáo dục đỡ mất công tìm kiếm.

Sự kiện thứ nhất

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 12/11/2015 dẫn lời ông Dương Trung Quốc: “Trong buổi hội thảo vừa rồi, chúng tôi đến dự và rất trân trọng phát biểu ý kiến. Tất cả các phát biểu một chiều, nhưng ông Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển lên kết luận một kiểu theo ý của mình.

Hôm đó không mời báo chí, nhưng ngày hôm sau ông ấy lại xuất hiện phát biểu trên báo chí rằng đó là kết luận của hội nghị. Tôi cho rằng cách làm ấy không minh bạch
”.

Buổi hội thảo mà ông Dương Trung Quốc nói đến là buổi hội thảo do Bộ GD&ĐT tổ chức nhưng không cho các nhà báo tham dự. Nội dung hội thảo  bàn về đổi mới giáo dục liên quan đến việc tích hợp môn Lịch sử vào các môn học khác ở bậc phổ thông.

Nhiều nhà giáo, trong đó có người viết cảm thấy xấu hổ, thậm chí là ngao ngán khi đọc ý kiến của ông Dương Trung Quốc. 

Nhận diện “bộ phận không nhỏ” ngành Giáo dục ảnh 1

Lịch sử như “bó đuốc soi đường”

(GDVN) - Giáo dục Việt Nam đang lung túng trước sự phát triển to lớn của nhân loại, đất nước, đổi mới là yếu tố sống còn đối với giáo dục và tương lai của đất nước.


Xấu hổ và ngao ngán không phải vì lời nói thẳng, không câu nệ của nhà sử học này mà vì cách hành xử của người lãnh đạo ngành Giáo dục đã khiến cho ông Dương Trung Quốc buộc phải nói như vậy.

Khi một vị đại biểu Quốc hội đánh giá, rằng “cách làm ấy (của lãnh đạo Bộ GD&ĐT) không minh bạch” thì đó không còn là xấu hổ của riêng ông Thứ trưởng.

Bởi dù các thầy cô giáo không trực tiếp bỏ phiếu bầu cho ông vào vị trí ấy, nhưng theo luật pháp hiện hành, ông vẫn là người quản lý, người lãnh đạo đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên nước nhà.

Vì sao khi “Tất cả các phát biểu một chiều” nghĩa là phản đối cách thức đổi mới mà Bộ GD&ĐT đưa ra đối với môn Lịch sử, riêng ông Hiển có “kết luận một kiểu theo ý của mình” nhưng lại nói đó là “kết luận của hội nghị”?

Mang cách hành xử “tiền hậu bất nhất” để nói về một hội nghị gồm nhiều nhà khoa học nổi tiếng liệu có cho thấy cái tâm và tầm thực sự của người lãnh đạo? 

Mời người ta đến họp, không cho truyền thông tham dự, mặc kệ người ta nói gì thì nói để có cớ sau đó nói rằng chúng tôi đã họp, đã lắng nghe, còn ý kiến của cá nhân tôi (chủ nhà) mới là ý kiến kết luận của cuộc họp? 

Đây không còn là biểu hiện xem thường trí thức, xem thường đóng góp của các nhà khoa học mà còn cho thấy tư duy của “một bộ phận không nhỏ” lãnh đạo ngành Giáo dục có vấn đề. 

Cố Tổng thống Hoa Kỳ Theodore Roosevelt từng nói đại ý “tốt nhất là quyết định đúng, gần như tốt nhất là quyết định sai, tệ hại nhất là chẳng làm gì".

Phải chăng lãnh đạo ngành Giáo dục đang muốn làm cái điều “gần như tốt nhất”?

Nhận diện “bộ phận không nhỏ” ngành Giáo dục ảnh 2

Đổi mới, nhưng hãy tôn trọng, đối xử đúng mực với môn Lịch sử

(GDVN) - Xin đừng lầm lẫn giữa kiến thức lịch sử cụ thể được sử dụng ở đâu đó, được gắn vào môn học nào đó, với hệ thống kiến thức sử của bộ môn khoa học chính thống.

Sau khi nghe ý kiến đóng góp mà vẫn bỏ ngoài tai, vẫn kiên quyết không thay đổi quan điểm, người viết cho rằng lãnh đạo Bộ GD&ĐT không phải chỉ  làm cái việc “gần như tốt nhất” mà đang làm cái việc Theodore Roosevelt nói là “chẳng làm gì”.

Xin trích dẫn một số bài viết liên quan trên các báo điện tử:

ĐBQH Bùi Thị An: Không thể "bỏ" môn Lịch sử được”; “Dạy "tích hợp" môn Lịch sử là dự thảo sai lầm lớn nhất của Bộ GD&ĐT”;  “Bỏ môn Sử sẽ làm mất đi cái gốc riêng biệt của lịch sử văn hóa ngàn năm”.  (Infonet.vn 11-12/11/2015)

Tích hợp môn Lịch sử: Không thể ghép nối, chắp vá tùy tiện” (vov.vn 10/11/2015)

Thất vọng với ý tưởng bỏ môn lịch sử!” (Nld.com.vn 7/11/2015)

Môn Lịch sử, nhìn từ tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh”; “Lịch sử được lồng ghép, một sự sáng tạo “vô tiền khoáng hậu” (Giaoduc.net.vn, 7/11/2015)…

Liên quan đến vấn đề này, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 9/11/2015 trong bài viết của tác giả Mỹ Anh “Đại biểu Dương Trung Quốc: Tích hợp môn Lịch sử cần hết sức thận trọng”  đã đăng ý kiến Ban Biên tập:

Trong bối cảnh tình hình đất nước, láng giềng, khu vực và quốc tế như hiện nay cho thấy vấn đề chủ quyền, hội nhập là rất hệ trọng. Vì thế, hơn bao giờ hết, không thể lãng quên lịch sử, đánh mất mình”.

Dân đã nói, các nhà khoa học đã nói, thầy cô giáo đã nói, trẻ em đã nói, báo Đảng cũng đã nói, vậy sao lãnh đạo Bộ GD&ĐT không nghe?

Họ không nghe thấy, không  đọc được những gì truyền thông đăng tải hay họ muốn lặp lại ý kiến của ai đó “dân trí còn rất thấp, số người dân trí cao là thiểu số” để khẳng định, rằng những người đứng đầu ngành Giáo dục chính là cái nhóm “thiểu số dân trí cao” ấy?

Nhận diện “bộ phận không nhỏ” ngành Giáo dục ảnh 3

Lịch sử được lồng ghép, một sự sáng tạo “vô tiền khoáng hậu”

(GDVN) - Ý kiến của GS. Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khi thẳng thắn trao đổi với lãnh đạo Bộ GD&ĐT trong cuộc hội thảo kín do bộ này tổ chức.

Điều đáng nói là Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu quan điểm rõ ràng về vai trò của môn Lịch sử và chuyện tích hợp môn học này “cần hết sức thận trọng” bởi “không thể lãng quên lịch sử, đánh mất mình”. 

Vì sao lãnh đạo Bộ GD&ĐT vẫn chưa có phản hồi tích cực, phải chăng một số quan chức Bộ GD&ĐT đang muốn thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay “lãng quên lịch sử, đánh mất mình”?

Đến đây, có một câu hỏi là những ai tham gia vào việc soạn thảo dự án này (dự án chương trình giáo dục phổ thông tổng thể) và vì sao lãnh đạo Bộ GD&ĐT lại cố tình bênh vực quan điểm của nhóm tác giả này như vậy?

Sự kiện thứ hai

Ngày 27/12/2013, trả lời đơn thư tố cáo của công dân về một số lãnh đạo Đại học Chu Văn An không đủ tiêu chuẩn, mạo nhận học vị và dùng bằng tiến sĩ “rởm”, ngày 27/12/2013, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã ban hành kết luận thanh tra số 1147 khẳng định tố cáo của công dân là không đúng. 

Gần một năm sau, Thứ trưởng Bùi Văn Ga trong bản kết luận thanh tra số 816/KL-BGDĐT ngày 19/9/2014 đã xác nhận hai hiệu phó Đại học Chu Văn An, một người mạo nhận học vị thạc sĩ, một người sử dụng bằng tiến sĩ “rởm”. 

Điều quan trọng là kết luận của Bộ do ông Bùi Văn Ga ký, viết như sau: “đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên quan tâm phối hợp với Bộ GD&ĐT chỉ đạo trường Đại học Chu Văn An và các cá nhân nghiêm túc thực hiện nội dung tố cáo, giúp trường sớm ổn định và phát triển”. 

Sau vụ việc này những cán bộ thanh tra đã vi phạm pháp luật khi ban hành quyết định 1147 không ai bị kỷ luật, Thứ trưởng Bùi Văn Ga có thể trả lời công luận tại sao lại như vậy?

Tham khảo trang web của Đại học Chu Văn An ngày 13/11/2015 thấy bỏ trống các mục Thành phần Ban Giám hiệu và Đội ngũ cán bộ. Việc này là do trường không đủ năng lực quản trị trang web của mình hay do họ không có Ban giám hiệu và đội ngũ cán bộ để công bố công khai?

Ảnh chụp màn hình trang web Đại học Chu Văn An ngày 13/11/2015
Ảnh chụp màn hình trang web Đại học Chu Văn An ngày 13/11/2015

Tuy nhiên chính Thứ trưởng Bùi Văn Ga ngày 20/5/2015 đã ký văn bản số 2406/BGD&ĐT-KTKĐCLGD xác nhận Bộ GD&ĐT cho phép trường này tuyển sinh hệ cao đẳng, đại học chính quy năm học 2015-2016. 

Văn bản của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký (Ảnh chụp màn hình)
Văn bản của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký (Ảnh chụp màn hình)

Tại sao Thứ trưởng Ga có thể cho phép một trường đại học tuyển sinh khi trường này không dám công bố công khai thành phần Ban Giám hiệu và đội ngũ cán bộ cơ hữu của mình?

Ở đây không đơn giản chỉ là trách nhiệm của ông Bùi Văn Ga mà còn là trách nhiệm của Vụ Đào tạo đại học, Thanh tra Bộ và Cục Khảo thí. Các đơn vị này dựa vào đâu để tư vấn cho Thứ trưởng Ga ban hành văn bản nêu trên?

Liệu ông Tư lệnh ngành có biết các sự kiện này, nếu đọc bài này mà biết thì ông sẽ xử lý thế nào hay vẫn là phương pháp quen thuộc “im lặng và cứ để đấy”, cùng lắm thì “gãi từ vai trở xuống”?

Liệu những sự kiện nêu trên có giúp ích gì cho ngành Giáo dục trong việc đi tìm “bộ phận không nhỏ” mà “Đảng hỏi mãi, dân hỏi mãi nhưng không biết nằm ở đâu”?

Xuân Dương