Nhận thấy sự quan trọng của BHYT, có phụ huynh nhờ GV ứng tiền mua cho con

24/11/2022 06:50
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có những trường hợp do phải đi làm ăn xa hoặc chưa có tiền, phụ huynh sẽ nhờ giáo viên ứng trước để mua bảo hiểm y tế cho con. 

Để đạt được hiệu quả trong công tác tuyên truyền lợi ích, quyền lợi bảo hiểm y tế học sinh, nhiều nhà trường đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để phụ huynh hiểu và ủng hộ.

Đó có thể là sự phối kết hợp giữa nhà trường với chính quyền địa phương, cũng có khi giáo viên còn ứng trước "tiền túi" của bản thân để thay mặt phụ huynh đóng phí bảo hiểm y tế cho học sinh...

Cô Nguyễn Thị Chung (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Bị, Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, công tác vận động, tuyên truyền bảo hiểm y tế của nhà trường thuận lợi hơn rất nhiều bởi phụ huynh hiểu được tầm quan trọng của bảo hiểm y tế nên họ đều cho con tham gia 100%.

Theo đó, thực hiện văn bản chỉ đạo của huyện, trung tâm y tế, nhà trường sẽ gửi văn bản đến các giáo viên chủ nhiệm để tuyên truyền về bảo hiểm y tế cho phụ huynh, học sinh.

Các thầy, cô giáo, ban đại diện phụ huynh và các em học sinh Trường Tiểu học Quảng Bị trong một hoạt động văn hóa, văn nghệ của trường. (Ảnh: NT)

Các thầy, cô giáo, ban đại diện phụ huynh và các em học sinh Trường Tiểu học Quảng Bị trong một hoạt động văn hóa, văn nghệ của trường. (Ảnh: NT)

Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm từng lớp sẽ gửi thông tin qua Zalo tới các bậc phụ huynh. Cũng có một số trường hợp ban đầu từ chối đóng cho con em, bởi lý do "không có tiền". Tuy nhiên, nhà trường có sự tìm hiểu, trao đổi, thực tế lí do không phải như các phụ huynh nêu, nên việc tuyên truyền càng được chú trọng hơn.

Đối với những trường hợp ban đầu chưa đồng ý đóng bảo hiểm y tế, nhà trường sẽ nhờ bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn vận động, phân tích, qua đó cũng giúp phụ huynh hiểu về quyền lợi từ bảo hiểm y tế đối với con em mình.

"Qua giao ban với địa phương hàng tháng, nhà trường cũng chia sẻ về những trường hợp học sinh chưa được đóng bảo hiểm y tế, các lãnh đạo thôn, xóm, địa phương từ thông tin của nhà trường đã phối kết hợp để đến tuyên truyền cho các gia đình", cô Chung cho biết.

Cô Chung chia sẻ thêm, thông qua buổi họp đầu năm học mới, để nắm bắt tâm tư của các phụ huynh đã từng có con em đi viện, cô Chung sẽ hỏi: "Anh/chị có hài lòng về chế độ chi trả của bảo hiểm y tế hay không?".

Trước câu hỏi của lãnh đạo nhà trường, đa số phụ huynh tỏ ra hài lòng và cho hay, số tiền bỏ ra để đóng bảo hiểm cho các con không nhiều, nhưng con em họ được bảo hiểm chi trả đầy đủ theo mức quy định, giúp họ gánh đỡ được rất nhiều kinh phí chữa bệnh cho con.

Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trong những năm qua, nhà trường không có học sinh nào bị ốm đau nặng. Việc tham gia bảo hiểm y tế của học sinh trong trường luôn đạt 100% cho thấy sự quan tâm và hiểu biết của phụ huynh về những quyền lợi đối với con em mình khi tham gia bảo hiểm.

Cũng chia sẻ về công tác tuyên truyền bảo hiểm y tế, cô Ma Thị Nguyệt (giáo viên Trường Tiểu học Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang) cho biết, trước đây, học sinh dân tộc thiểu số nơi đây được nhà nước hỗ trợ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, khi địa phương được công nhận nông thôn mới, đời sống kinh tế phát triển hơn trước, học sinh không còn được hỗ trợ bảo hiểm y tế từ ngân sách nữa.

Cô Ma Thị Nguyệt (Ảnh: TN)

Cô Ma Thị Nguyệt (Ảnh: TN)

"Giáo viên chúng tôi mất thời gian khoảng 1-2 năm học để tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh về quyền lợi bảo hiểm y tế. Những năm sau, phụ huynh cũng đã hiểu và tham gia bảo hiểm y tế đầy đủ cho con em mình", cô Nguyệt chia sẻ.

Cô Nguyệt cho biết thêm, vào đầu năm học, Phó hiệu trưởng nhà trường phụ trách mảng tuyên truyền bảo hiểm y tế, sẽ có những trao đổi với phụ huynh trong buổi họp. Giáo viên chủ nhiệm cũng sẽ tham gia giải thích cho họ về chính sách, lợi ích cụ thể hơn của bảo hiểm y tế.

Đối với những học sinh lớp 1, nhiều em vẫn còn bảo hiểm y tế ở cấp mầm non, thường thì các em sẽ tham gia bảo hiểm y tế trong năm học tới.

Về khó khăn trong vận động, tuyên truyền với công tác bảo hiểm y tế, cô Nguyệt cho biết, phụ huynh cho rằng thuốc được bảo hiểm chi trả thường những thuốc "qua loa" như hắt hơi, sổ mũi. Trước băn khoăn này, giáo viên sẽ giải thích cho phụ huynh hiểu rằng, thuốc được nhà nước cấp phát là đảm bảo chất lượng, bên cạnh đó nếu học sinh chẳng may phải mổ xẻ thì bảo hiểm y tế sẽ hỗ trợ chi phí viện phí, điều trị... cho con em họ rất nhiều.

Để đạt được hiệu quả trong công tác tuyên truyền về bảo hiểm y tế, giáo viên chủ nhiệm sẽ đóng vai trò then chốt. (Ảnh: TN)

Để đạt được hiệu quả trong công tác tuyên truyền về bảo hiểm y tế, giáo viên chủ nhiệm sẽ đóng vai trò then chốt. (Ảnh: TN)

Bên cạnh việc tham gia bảo hiểm y tế, nhiều học sinh trong trường cũng tham gia bảo hiểm thân thể. Có những trường hợp như học sinh chẳng may bị chó cắn, mổ các hạch phát sinh bất ngờ... bảo hiểm thân thể sẽ hỗ trợ chi trả.

Cô Nguyệt cho biết, đối với những lớp học sinh nhỏ tuổi, thường số lượng các em được phụ huynh mua bảo hiểm y tế nhiều hơn, bởi các em hiếu động dễ xảy ra những tai nạn thương tích bất ngờ.

Bảo hiểm y tế có mức phí một năm khoảng hơn 500 nghìn đồng/học sinh, nhưng cô Nguyệt nhận thấy với điều kiện kinh tế của người dân nơi đây, những hộ gia đình có 2 con trở lên cùng đi học thì đó cũng là khoản tiền lớn với họ, bởi đầu năm học thường sẽ có nhiều khoản tiền phải đóng góp.

"Có những phụ huynh nói thẳng là tôi không muốn đóng. Với những trường hợp này, ngoài giáo viên chủ nhiệm vận động, còn có ban giám hiệu sẽ tư vấn cho phụ huynh hiểu", cô Nguyệt cho hay.

Học sinh Trường tiểu học Tân Trào tham gia bảo hiểm y tế trong những năm vừa qua đạt 100%. (Ảnh: TN)

Học sinh Trường tiểu học Tân Trào tham gia bảo hiểm y tế trong những năm vừa qua đạt 100%. (Ảnh: TN)

Nữ giáo viên cho hay, những năm gần đây nhà trường đều đạt 100% học sinh tham gia bảo hiểm y tế, để có được kết quả này, nhà trường luôn ưu tiên công tác tuyên truyền bảo hiểm y tế cho phụ huynh, học sinh vào đầu năm học.

Đối với những phụ huynh đi làm ăn xa, hoặc chưa có tiền để đóng bảo hiểm cho con em họ, phụ huynh sẽ nhắn cho giáo viên ứng tiền để đóng giúp, bởi lẽ họ sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của các con, nếu chẳng may chúng bị ốm đau phải đi viện.

Mạnh Đoàn