Cá nhân cố tình chây ì không đóng bảo hiểm y tế có thể bị xử phạt ra sao?

12/11/2022 06:28
Nhật Khoa
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học sinh là đối tượng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm y tế, được nhà nước hỗ trợ 30% mỗi học sinh.

Vụ việc phụ huynh Trường tiểu học Sơn Lâm (tỉnh Hà Tĩnh) xách dao xông vào trường đe dọa nhiều giáo viên, bắt hiệu trưởng nhà trường phải quỳ và xin lỗi do không đồng ý mua bảo hiểm y tế đang gây xôn xao, bức xúc trong dư luận.

Phụ huynh trong vụ việc trên đã bị khởi tố và sẽ bị pháp luật trừng trị nghiêm minh, đây chỉ là sự việc cá biệt còn đại đa số phụ huynh học sinh đều tự nguyên tham gia bảo hiểm y tế cho con em mình.

Thực tế, nhờ có bảo hiểm y tế mà nhiều người trong đó có các em học sinh được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe rất tốt, các em học sinh tham gia được nhà nước hỗ trợ 30%, chưa kể chính sách hỗ trợ của địa phương, đây là chính sách vô cùng nhân văn và sự cố gắng của ngành Bảo hiểm xã hội.

Tham gia bảo hiểm y tế giúp các em được chăm sóc, bảo vệ tốt hơn - Ảnh minh họa P.L

Tham gia bảo hiểm y tế giúp các em được chăm sóc, bảo vệ tốt hơn - Ảnh minh họa P.L

Nhà trường, giáo viên thu bảo hiểm y tế học sinh là phù hợp quy định hiện hành

Việc tuyên truyền vận động cho học sinh tham gia bảo hiểm y tế 100% là chủ trương vô cùng đúng đắn, học sinh được nhà nước hỗ trợ 30%, có bảo hiểm y tế sẽ giúp giảm một phần gánh nặng khi đau ốm bệnh tật và quan trọng còn là san sẻ trách nhiệm với cộng đồng, nhân văn cao cả.

Theo khoản 1 Điều 2 Luật BHYT Số: 28/VBHN-VPQH năm 2020, hợp nhất Luật Bảo hiểm y tế quy định “Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc áp dụng với các đối tượng được quy định trong Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.”

Do đó, học sinh là đối tượng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm y tế, được nhà nước hỗ trợ 30% mỗi học sinh.

Theo người viết, tuyên truyền, vận động và thu hộ bảo hiểm y tế học sinh cũng là nhiệm vụ chung của tất cả người dân, giáo viên cũng nên tập trung hỗ trợ, tuyên truyền, vận động để đảm bảo quyền lợi cho các em.

Do đó, người viết có trao đổi một số giáo viên, họ cũng đồng tình với việc sẽ thu hộ bảo hiểm y tế học sinh, chỉ mong các cấp các ngành tăng cường hỗ trợ để việc thu được đúng tiến độ, đảm bảo 100% học sinh có bảo hiểm y tế, để đảm bảo quyền lợi cho các em, không có em nào bị bỏ lại phía sau.

Về vấn đề tham gia bảo hiểm y tế, khoản 6 Điều 19 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 nêu rõ: “6. Đối tượng tại Điểm 4.2 Khoản 4 Điều 17: định kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng học sinh, sinh viên đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng cho nhà trường đang học.”

Theo quy định này, đối tượng tham gia bảo hiểm y tế là học sinh sẽ thực hiện việc đóng tiền bảo hiểm y tế cho nhà trường nơi đang theo học, trách nhiệm của nhà trường và giáo viên trong việc thu bảo hiểm y tế học sinh cũng đã được quy định cụ thể.

Tuy nhiên, theo người viết, do giáo viên không có nhiều chuyên môn về bảo hiểm y tế nên đầu năm học, nhân viên bảo hiểm xã hội phụ trách về bảo hiểm y tế mời toàn thể cán bộ, giáo viên và phụ huynh tuyên truyền về lợi ích to lớn của việc có bảo hiểm y tế, lợi ích khi mua bảo hiểm y tế trong nhà trường,…

Sau đó, thống nhất với nhà trường, giao giáo viên chủ nhiệm thu bảo hiểm y tế học sinh trong thời gian nhất định.

Giai đoạn này, giáo viên chủ nhiệm nào thu đạt 100% thì nên có hình thức khen thưởng, động viên tương xứng, thu chưa đạt thì cũng không bị cắt thi đua.

Giai đoạn 2, trực tiếp ban giám hiệu nhà trường, nhân viên y tế mời các phụ huynh chưa tham gia, tiếp tục tuyên truyền, vận động và thu giai đoạn 2, và tiếp tục phối hợp các cấp các ngành đảm bảo 100% học sinh có bảo hiểm y tế vì nó thật sự rất cần thiết, quan trọng.

Thống kê nhiều trường hợp giáo viên, học sinh cũng được bảo hiểm xã hội chi tiền tỷ hàng năm để điều trị bệnh, nếu không có bảo hiểm y tế có lẽ những người này sẽ không thể vượt qua...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Phụ huynh có thể bị phạt từ 300-500 ngàn đồng nếu không tham gia BHYT cho HS?

Nhiệm vụ mua bảo hiểm y tế hiện nay thuộc phụ huynh học sinh vì các em học sinh không có thu nhập.

Nhiều trường hợp phụ huynh tuy có điều kiện nhưng vì chây ỳ, chống đối không tham gia bảo hiểm y tế.

Để đảm bảo quyền lợi, lợi ích chính đáng cho các em học sinh và gia đình, pháp luật cũng đã quy định cụ thể về việc chế tài, xử phạt nếu phụ huynh chây ỳ, cố tình trốn đóng bảo hiểm y tế cho con em họ.

Về chế tài, phụ huynh học sinh nếu cố tình không tham gia bảo hiểm được quy Nghị định 117/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực y tế, tại khoản 1 Điều 80: “Trường hợp không tham gia bảo hiểm y tế, cá nhân có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng về hành vi không đóng bảo hiểm y tế của đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế”.

Do đó, nếu có căn cứ chứng minh phụ huynh cố tình chây ỳ, trốn đóng bảo hiểm y tế cho học sinh, ban giám hiệu nhà trường có thể lập danh sách nhờ các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Tham gia bảo hiểm y tế cho học sinh là đảm bảo quyền lợi, lợi ích chính đáng của bản thân, gia đình và toàn xã hội nên mong các cấp, các ngành, các giáo viên cùng chung tay đẩy mạnh thực hiện tốt việc thu bảo hiểm y tế học sinh, góp phần thực hiện mục tiêu bao phủ 100% bảo hiểm y tế học sinh, bảo hiểm y tế toàn dân.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nhật Khoa