Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản trên đảo Yonaguni |
Cơ sở theo dõi Nhật Bản sẽ uy hiếp rất lớn Hải quân Trung Quốc
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc như tờ "Pháp chế vãn báo", tờ “Tin tức Tham khảo”, “Thời báo Hoàn Cầu”… ngày 20 tháng 4 đã đăng nhiều bài viết về việc Nhật Bản khởi công xây dựng cơ sở theo dõi bờ biển ở đảo Yonaguni.
Theo hãng tin Kyodo Nhật Bản, ngày 19 tháng 4, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã tổ chức lễ khởi công xây dựng cơ sở triển khai lực lượng theo dõi bờ biển của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất trên đảo Yonaguni, tỉnh Okinawa.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã tham dự buổi lễ và nhấn mạnh “thiết thực tăng cường giám sát, kiểm soát đảo là rất quan trọng”.
Theo bài báo, Nhật Bản nhiều lần phát hiện tàu chiến của Hải quân Trung Quốc hoạt động tại vùng biển đảo Yonaguni cách đảo Senkaku khoảng 150 km về phía nam. Triển khai lực lượng ở đảo này có thể sẽ kích thích Trung Quốc.
Theo tờ “Pháp chế vãn báo”, để tăng cường khả năng phòng vệ khu vực tây nam, trong "Kế hoạch chỉnh đốn Lực lượng Phòng vệ trung hạn", Chính phủ Nhật Bản đề xuất triển khai lực lượng theo dõi ở bờ biển đảo Yonaguni, có kế hoạch muộn nhất hoàn thành công tác triển khai có liên quan vào năm tài khóa 2015.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera tại Lễ khởi công xây dựng cơ sở theo dõi bờ biển ở đảo Yonaguni ngày 19 tháng 4 năm 2014 |
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, Nhật Bản có kế hoạch điều khoảng 150 binh sĩ đến triển khai ở khu vực này trước khi hết tháng 3 năm 2016, sẽ bố trí radar trên đảo, theo dõi tàu thuyền và máy bay ở biển Hoa Đông, trong đó có đảo Senkaku, nhằm nhanh chóng phát hiện tình huống bất thường.
Theo bài báo, đảo Yonaguni nằm ở cực tây của Nhật Bản, cư dân chỉ có 1.700 người, cách đảo Senkaku chỉ có 150 km, cách đảo Okinawa khoảng 500 km. Hiện nay, căn cứ Lực lượng Phòng vệ cực tây nhất là căn cứ radar đảo Miyako nằm cách đảo Okinawa khoảng 290 km về phía tây nam.
Giống như nhiều bài báo khác trước đây, tờ "Pháp chế vãn báo" cũng tập trung tuyên truyền cho rằng, cư dân địa phương của hòn đảo này ngày 14 tháng 4 đã đến trụ sở của cơ quan quốc phòng của Bộ Quốc phòng Nhật Bản ở khu vực này để yêu cầu hủy bỏ kế hoạch triển khai và lễ khởi công xây dựng, "nhiều người dân cho rằng việc triển khai này gây đối đầu với Trung Quốc".
Theo bài báo, đảo Yonaguni là đảo cực tây của Nhật Bản, rất gần Đài Loan, cũng là hòn đảo có người ở cách đảo Senkaku gần nhất, hai đảo này cách nhau chỉ 150 km. Vùng biển xung quanh là một trong những con đường chủ yếu vươn ra Thái Bình Dương của hạm đội Hải quân Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản kiểm tra một cuộc tập trận vào ngày 12 tháng 1 năm 2014 |
Ngày 4 tháng 3 năm 2013, tại Quốc hội Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, hy vọng vào năm 2015 triển khai "lực lượng theo dõi bờ biển" quy mô 100 người.
Nhưng, do người dân trên đảo lo ngại hòn đảo nhỏ này trở thành chiến trường, cho nên, có nhiều người lên tiếng phản đối, từ chối cho Bộ Quốc phòng Nhật Bản thuê đất. Chính quyền Cho của đảo Yonaguni cũng đã đưa ra yêu cầu đền bù đất thuê 1 tỷ yên, nhưng đã bị Bộ Quốc phòng Nhật Bản từ chối.
Tháng 12 năm 2012, kế hoạch xây dựng căn cứ theo dõi radar ở đảo Yonaguni của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã gặp trở ngại, nhưng trải qua gây sức ép vài tháng sau đó, chính quyền Cho không chỉ đã rút yêu cầu đền bù 1 tỷ USD, mà còn đồng ý cho thuê đất vô điều kiện.
Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản khi đó bày tỏ ca ngợi những nỗ lực của chính quyền Cho, đảo Yonaguni, đồng thời cho biết, sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng căn cứ trước năm 2015. Việc xây dựng căn cứ này sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với việc phòng vệ đảo Senkaku.
Máy bay chiến đấu F-15J của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản. |
Sẽ chọc giận Trung Quốc?
Theo hãng tin Reuters Anh ngày 18 tháng 4, Nhật Bản triển khai 100 binh sĩ và radar ở đảo Yonaguni có khả năng chọn giận Trung Quốc. Quan hệ giữa hai nước lớn kinh tế châu Á này sẽ bị thiệt hại bởi tranh chấp chủ quyền một số hòn đảo.
Theo tờ “Tin tức Tham khảo” Trung Quốc, Nhật Bản đang tiến hành “quân sự hóa” đảo Yonaguni, điều này nằm trong kế hoạch dài hạn tăng cường khả năng phòng thủ và theo dõi ở tuyến biên giới xa xôi của Nhật Bản.
Theo bài báo, xây dựng căn cứ radar trên đảo Yonaguni có thể mở rộng phạm vi theo dõi Trung Quốc, bám theo tàu thuyền và máy bay Trung Quốc ở xung quanh các hòn đảo xung quanh mà Trung Quốc đòi chủ quyền. Nhật Bản gọi những đảo này là nhóm đảo Senkaku, trong khi Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố: “Chúng tôi quyết định triển khai một đơn vị lực lượng mặt đất ở đảo Yonaguni là một trong những biện pháp tăng cường theo dõi, kiểm soát đối với khu vực tây nam. Chúng tôi hạ quyết tâm bảo vệ đảo Yonaguni, nó là một phần lãnh thổ quý giá của Nhật Bản”.
Tàu đệm khí LCAC Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản |
Theo học giả Nhật Bản, căn cứ mới có thể giúp Nhật Bản mở rộng khả năng theo dõi đất liền Trung Quốc, có thể tiến hành cảnh báo sớm tên lửa, đồng thời hỗ trợ cho việc theo dõi các động thái của Quân đội Trung Quốc.
Nhật-Mỹ sẽ thảo luận tăng cường khả năng giám sát biển cho ASEAN
Ngoài xây dựng căn cứ mới ở đảo Yonaguni, Lực lượng Phòng vệ Trên không còn chuẩn bị chuyển 4 máy bay cảnh báo sớm E-2C của căn cứ Misawa, tỉnh Aomori đến căn cứ Naha. Ngày 20 tháng 4, chính thức thành lập “Đội bay 603”. Ngày 11 tháng 4, Tổng tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Trên không cho biết: “Chúng tôi muốn tiến hành theo dõi, cảnh giới ổn định đối với khu vực tây nam.
Theo tờ “Yomiuri Shimbun” Nhật Bản, hội đàm cấp cao Nhật-Mỹ tổ chức vào ngày 24 tháng 4 tới đây sẽ đạt được đồng thuận về phương hướng Nhật-Mỹ cùng viện trợ ASEAN tăng cường khả năng giám sát biển.
Thông qua nâng cao khả năng cho lực lượng cảnh giới bờ biển cho các nước, hỗ trợ họ chống thiên tai như bão, động đất, đồng thời cũng có ý định tiến hành kiềm chế đối với Trung Quốc – quốc gia ngày càng hung hăng trên Biển Đông. Dự kiến phương hướng này sẽ được viết vào Tuyên bố chung sau hội đàm cấp cao hai nước.
Tàu khu trục tên lửa Aegis của Nhật Bản |
Biện pháp viện trợ cụ thể mà hai bên có triển vọng đạt được nhất trí có thể gồm có 3 phương diện: Hai nước Nhật-Mỹ cung cấp tàu tuần tra; đào tạo nhân viên lực lượng cảnh giới bờ biển; xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin cướp biển và tàu đáng nghi giữa các nước ASEAN.
Có nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản tiết lộ, hai nước Nhật-Mỹ cho rằng, nâng cao khả năng theo dõi biển cho các nước ASEAN có lợi cho bản thân. Đặc biệt là những nước như Việt Nam, Philippines – những nước có “tranh chấp Biển Đông” (Trung Quốc cố tình tạo tranh chấp) với Trung Quốc.
Trung Quốc muốn Nhật Bản nói rõ ý đồ
Đối với việc Nhật Bản khởi công xây dựng cơ sở theo dõi trên đảo Yonaguni, ngày 18 tháng 4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã trả lời phỏng vấn báo chí, cho rằng, vì nguyên nhân "lịch sử" nên bất cứ động thái quân sự nào của Nhật Bản đều "gây quan ngại" cho các nước châu Á (Trung Quốc). Gần đây, Nhật Bản không ngừng tuyên truyền mối đe dọa khu vực, gia tăng các bước tăng cường quân bị.
Hoa Xuân Oánh yêu cầu Nhật Bản làm rõ ý đồ thực sự của việc tăng cường sức mạnh quân sự ở khu vực có liên quan, yêu cầu Nhật rút ra bài học lịch sử, kiên trì đi con đường phát triển hòa bình, tôn trọng và coi trọng mối quan tâm an ninh hợp lý của láng giềng, làm nhiều việc có lợi cho tăng cường lòng tin với láng giềng, có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực.
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu Nhật Bản |
Về vấn đề này, báo Trung Quốc không chỉ dẫn tuyên bố chính thức của Trung Quốc, mà còn dẫn lời của "chuyên gia" Trung Quốc Đỗ Văn Long cho rằng, Nhật Bản sở dĩ triển khai lực lượng theo dõi bờ biển và phương tiện theo dõi ở đảo Yonaguni là do họ đã nhìn thấy được vị trí chiến lược của hòn đảo này.
Đảo Yonaguni cách Đài Loan chỉ có 110 km, cách đảo Senkaku chỉ 150 km. Nếu Nhật Bản triển khai phương tiện theo dõi và Lực lượng Phòng vệ Biển, Lực lượng Phòng vệ Trên không ở khu vực này sẽ tạo ra mối đe dọa đối với hoạt động của biên đội Hải quân và Cảnh sát biển Trung Quốc, hoạt động của Trung Quốc đều sẽ "không trốn được" phạm vi theo dõi, do thám của Nhật Bản.
Theo Đỗ Văn Long, hiện nay, Nhật Bản triển khai hệ thống theo dõi chỉ là bước đầu tiên quân sự hóa đảo Yonaguni, Yonaguni mặc dù không lớn, nhưng một khi triển khai hệ thống do thám, theo dõi, thì nó sẽ phát huy vai trò rất mạnh về khả năng tác chiến thông tin.
Trong tương lai không loại trừ khả năng Nhật Bản tăng cường xây dựng đường băng sân bay ở đảo Yonaguni để triển khai máy bay tác chiến và tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ Biển và Lực lượng Phòng vệ Trên không, đồng thời còn có thể triển khai tên lửa chống hạm, tăng cường khả năng tấn công từ đảo Yonaguni.
Tên lửa đất đối hạm Type 88 (SSM-1) Nhật Bản |