Nihon Keizai Shimbun ngày 20/3 cho hay, Bộ Quốc phòng và Lực lượng Phòng vệ đang tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh với các nước xung quanh Biển Đông. Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản dự tính sẽ tham gia huấn luyện liên hợp đa quốc gia do Indonesia tổ chức vào tháng 4/2016, qua đó tăng cường quan hệ hợp tác với Mỹ và các nước Đông Nam Á.
Tàu ngầm thông thường lớp Oyashio của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản |
Ngoài ra, 1 tàu ngầm và 2 tàu khu trục của Nhật Bản sẽ còn đến thăm cảng biển của Philippines và Việt Nam để kiềm chế các hoạt động trên biển ngày càng hung hăng của Trung Quốc, trong đó có hoạt động xây dựng bất hợp pháp đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).
Được biết, ngày 27/4, tàu ngầm của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản sẽ kết thúc diễn tập hàng hải, đến đậu ở vịnh Subic của Philippines. Đây là lần đầu tiên trong 15 năm qua tàu ngầm Nhật Bản đến Philippines.
Còn 2 tàu khu trục (đồng hành với tàu ngầm này) có kế hoạch đến thăm vịnh Cam Ranh của Việt Nam. Vịnh Cam Ranh nằm ở lân cận quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) – nơi Trung Quốc đang ra sức tiến hành quân sự hóa bất hợp pháp. Hành động này của Nhật Bản nhằm thể hiện vai trò ảnh hưởng của Lực lượng Phòng vệ ở khu vực này.
Ngoài ra, Nhật Bản còn có kế hoạch gia tăng mức độ giúp đỡ các nước Đông Nam Á nâng cao năng lực quân sự. Trong tháng này, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ mở một cuộc “tập huấn” giúp đỡ Việt Nam tăng cường sức chiến đấu hải quân.
Tháng 11/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani thăm Việt Nam |
Từ ngày 14 đến ngày 18/3, Nhật Bản đã tiến hành hỗ trợ đào tạo cho cán bộ Quân đội Nhân dân Việt Nam về hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Gần đây Nhật Bản đặc biệt coi trọng vấn đề Biển Đông. Ngoài chỉ trích các hành động bành trướng, quân sự hóa Biển Đông mà Trung Quốc tiến hành, Nhật Bản đã gia tăng can dự bằng các hành động thực tế.
Tháng 11/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đã đến thăm Việt Nam, đạt được một thỏa thuận cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tiếp cận sử dụng dịch vụ tại vịnh Cam Ranh.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng vừa đạt được một thỏa thuận về chuyển giao công nghệ và trang bị phòng vệ với Philippines, tạo cơ sở cho Nhật Bản cho thuê, xuất khẩu vũ khí trang bị cho Philippines.
Máy bay huấn luyện TC-90 Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản |
Philippines thuê 5 máy bay huấn luyện TC-90 của Nhật Bản dựa trên thỏa thuận này. Chúng sẽ được lắp các thiết bị tiên tiến, tính năng còn tốt hơn cả các máy bay hiện có của Hải quân Philippines, có thể vươn tới phần lớn quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).
Nhật Bản cho Philippines thuê 5 máy bay này tuần tra Biển Đông là một bước đi lớn trong hỗ trợ quân sự cho Philippines, đạt được nhiều mục đích, giúp Nhật Bản tiến thêm một bước can thiệp vào vấn đề Biển Đông, có thể cùng Philippines chia sẻ tin tức tình báo về các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Có tin cho rằng, Nhật Bản triển khai tàu ngầm ở Biển Đông đã cho thấy sự lo ngại của Mỹ và Nhật Bản đối với hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc tại khu vực này. Nếu có chiến tranh xảy ra, Nhật Bản sẽ sử dụng tàu ngầm để tiến hành “mai phục” đối với Trung Quốc.
Tháng 6/2015, Tổng thống Philippines Benigno Aquino thăm Nhật Bản |
Ngoài đồng minh Mỹ, Nhật Bản cũng đã tìm cách tiếp cận các căn cứ quân sự của Philippines. Tại Tokyo vào ngày 5/6/2015, Tổng thống Philippines tuyên bố, Philippines sẽ có khả năng cho phép máy bay và tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sử dụng căn cứ của Philippines để tiếp tế, mở rộng phạm vi hoạt động ở Biển Đông.
Vào tháng 4/2015, Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc còn cho rằng, Mỹ có ý định huy động các nước như Nhật Bản thi công căn cứ quân sự ở Philippines, đây là cơ hội cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tăng cường hiện diện thường xuyên ở Biển Đông.
Đỗ Văn Long, một nhà bình luận quân sự Trung Quốc cho rằng, nếu Nhật Bản bỏ kinh phí thi công căn cứ quân sự ở Philippines, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản hiện diện ở Biển Đông sẽ trở thành một trạng thái bình thường. Nếu điều đó xảy ra, các hành động quân sự liên hợp giữa Mỹ-Nhật-Philippines sẽ đạt cấp độ cao hơn.
Nhật Bản còn đang tích cực thúc đẩy và tham gia các cuộc tập trận chung trên Biển Đông. Trong năm 2015, Nhật Bản đã tổ chức vài cuộc tập trận với Philippines trên Biển Đông. Không chỉ có vậy, Nhật Bản cũng tích cực tìm kiếm và đã tổ chức tập trận chung với Mỹ và Ấn Độ ở vịnh Bengal vào năm 2015.
Ngoài ra, đầu tháng 3/2016, các quan chức Mỹ và Nhật Bản cho biết, trong năm 2016, ba nước Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ có kế hoạch tổ chức tập trận chung ở vùng biển phía bắc Philippines.
Những cuộc tập trận này đều được dư luận Trung Quốc giải thích là để kiềm chế các hành động (bành trướng, hung hăng) của Trung Quốc ở Biển Đông và khu vực.
Tháng 2/2016, cán bộ Quân đội nhân dân Việt Nam tham quan máy bay tuần tra săn ngầm P-3C của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. |
Các chuyên gia dự đoán, Nhật Bản có xu hướng tăng cường các hoạt động tập trận với các nước xung quanh Biển Đông, đưa nó trở thành một hoạt động thường xuyên, thúc đẩy sự hiện diện quân sự của Nhật Bản ở khu vực, bảo đảm tự do và an toàn hàng hải – một lợi ích quốc gia của Nhật Bản ở Biển Đông và các vùng biển khác.
Tự do và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông là một quyền lợi chính đáng của tất cả các nước dựa trên luật pháp quốc tế, vì vậy, không chỉ có Nhật Bản mới quan tâm đến vấn đề này, cũng không nước nào có thể áp đặt, ngăn cản.