Quân đội Mỹ sẵn sàng hành động ở Biển Đông
Hãng tin VOA Mỹ ngày 17/3 dẫn lời một quan chức cấp cao Quân đội Mỹ cho biết, Hải quân Mỹ cần thường xuyên triển khai hành động tự do hàng hải ở vùng biển 12 hải lý của các thực thể tranh chấp tại Biển Đông, đồng thời chuẩn bị tốt cho việc sẵn sàng xuất quân bất cứ lúc nào. Nhưng hành động này phải được Nhà Trắng phê chuẩn.
Đô đốc John Richardson, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ |
Ngày 15/3, Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ đã triệu tập lãnh đạo cao nhất của Hải quân Mỹ đến điều trần, lắng nghe giải trình về ngân sách hải quân năm tài khóa 2017.
Thượng nghị sĩ Senator Dan Sullivan đến từ bang Alaska yêu cầu lãnh đạo Hải quân Mỹ giải thích, tại sao không thể tiến hành các hành động tự do hàng hải thường xuyên hơn ở vùng biển 12 hải lý của các thực thể tranh chấp ở Biển Đông?
Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson cho hay, quyết định này không thuộc thẩm quyền của lãnh đạo Hải quân Mỹ.
Đô đốc Richardson nói: “Tôi đề nghị, chúng ta tiếp tục thúc đẩy hành động này, chúng tôi cũng chuẩn bị tốt cho triển khai nhiều hơn các hành động tự do hàng hải ở Biển Đông. Một khi các nhà lãnh đạo đất nước cho phép, Hải quân chúng tôi cũng sẽ sẵn sàng”.
Các nhà hoạch định chính sách quốc phòng Mỹ nhiều lần cho biết, Quân đội Mỹ sẽ bay, đi lại và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép. Nhưng từ năm 2013 đến nay, Quân đội Mỹ chỉ công bố 2 lần điều tàu chiến đến vùng biển 12 hải lý của đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông.
Một số nghị sĩ Quốc hội Mỹ cho rằng, Hải quân Mỹ dựa vào các hành động tự do hàng hải không thường xuyên sẽ khó có thể ngăn chặn có hiệu quả hành vi bành trướng lãnh thổ, hàng hải mà Trung Quốc tiến hành ở Biển Đông.
Tháng trước tại Lầu Năm Góc, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ cho biết, Quân đội Mỹ cần phải triển khai hành động tự do đi lại ở Biển Đông một cách thường xuyên hơn, đa dạng hơn, đồng thời cũng cần làm tốt chuẩn bị ứng phó với các loại rủi ro có thể xảy ra.
Đô đốc Harry Harris cho hay: “Trong phạm vi trách nhiệm của tôi, chúng ta cần duy trì sức chiến đấu tin cậy, cần duy trì mạng lưới các nước có cùng chung chí hướng. Điểm này rất quan trọng”.
“Cường quyền là công lý” tái hiện ở Biển Đông
Hãng tin BBC Anh ngày 16/3 còn cho hay, cùng ngày, tại Hội nghị an toàn hàng hải khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tổ chức ở thủ đô Canberra, Australia, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Scott H. Swift đã đề cập đến tình hình Biển Đông.
Đô đốc Scott Swift - Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ |
Ông cho hay, tàu chiến, máy bay của Quân đội Mỹ đi vào khu vực tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông hoàn toàn không phải là hành động quân sự, mà là thực hiện hành động tự do hàng hải, hàng không trong khu vực.
Đô đốc Scott Swift mặc dù không chỉ đích danh Trung Quốc, nhưng ông chỉ rõ “có một số nước” tiến hành quân sự hóa và xây dựng mang tính xâm lược ở lãnh thổ tranh chấp.
Ông cảnh báo, ở Biển Đông, “cường quyền là công lý” có xu thế xuất hiện trở lại dù Chiến tranh Thế giới lần thứ hai đã qua hơn 70 năm, đe dọa nghiêm trọng tự do hàng không, hàng hải.
Đô đốc Scott Swift đã đưa ra một số ví dụ về các hành động “cường quyền” và phi pháp này của Trung Quốc ở Biển Đông như bồi đắp, xây đảo nhân tạo làm biến dạng cấu trúc các bãi cạn lúc nổi lúc chìm, các rặng san hô, xây dựng bến cảng, đường băng sân bay, triển khai tên lửa đất đối không…
Ông cho rằng, mặc dù sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, sự phát triển kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương được xây dựng trong trật tự quốc tế lấy luật pháp làm nền tảng, nhưng “có một số nước” không giữ quan điểm này, đang tìm cách phá vỡ trật tự quốc tế.
Scott Swift cho rằng, nếu Mỹ không thúc đẩy nhiệm vụ tự do đi lại ở Biển Đông thì ảnh hưởng của nó sẽ vượt xa lĩnh vực quân sự, Mỹ sẽ mất đi khả năng đi lại tự do ở vùng biển quốc tế, càng có thể tác động đến kinh tế thế giới và luật pháp quốc tế.
Theo ông, Mỹ không cần thiết tiếp tục bố trí thêm các cơ sở hải quân ở các nước như Australia. Ông không ủng hộ việc Mỹ mở rộng lực lượng hải quân ở khu vực Biển Đông, vì làm như vậy không thực tế và không cần thiết. “Những căn cứ này thực ra sẽ trở thành gánh nặng”, Đô đốc Scott Swift lưu ý.
Hạm đội tàu sân bay USS John C. Stennis Hải quân Mỹ trên Biển Đông ngày 3/3/2016 |
Bắc Kinh luôn lấy “tổ tiên” ra để tuyên truyền xuyên tạc nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền bành trướng vô lý ở Biển Đông, nhưng Bắc Kinh không có bất cứ bằng chứng lịch sử, pháp lý nào xác thực, tin cậy và có sức thuyết phục.
Bắc Kinh thậm chí lo ngại bà Thái Anh Văn - lãnh đạo đảng Dân Tiến Đài Loan lên cầm quyền có thể từ bỏ chủ trương “đường lưỡi bò 11 đoạn” sẽ làm lung lay triệt để yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” vô lý, phi pháp mà Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thừa hưởng từ Trung Hoa Dân quốc ở Biển Đông.
Bắc Kinh chỉ muốn tiến hành “đàm phán song phương” với các nước hòng bẻ gãy từng chiếc đũa, không dám tham gia vụ kiện Biển Đông của Philippines, không dám đối mặt với công lý quốc tế, từ chối chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực Liên Hợp Quốc. Hành động này không xứng với tư cách nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.