Nhật Bản tuyên bố kỷ lục mới đánh chặn máy bay quân sự Trung Quốc

22/10/2015 06:39
Đông Bình
(GDVN) - Máy bay quân sự Trung Quốc đe dọa không phận Nhật Bản có xu hướng không ngừng gia tăng, buộc Nhật Bản tăng cường triển khai ở hướng tây nam.

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 21 tháng 10 dẫn mạng tin tức Nhật Bản JNN ngày 20 tháng 10 đưa tin, số liệu do Bộ Quốc phòng Nhật Bản mới công bố cho biết:

Từ ngày 1 tháng 4 đến ngày 30 tháng 9 năm 2015, để đánh chặn máy bay quân sự Trung Quốc áp sát không phận Nhật Bản, số lần điều động máy bay chiến đấu khẩn cấp cất cánh của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản đã lập kỷ lục mới, lên tới 231 lần.

Máy bay chiến đấu Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản
Máy bay chiến đấu Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản

Theo bài báo, căn cứ vào thống kê của Bộ tổng Tham mưu liên quân, Bộ Quốc phòng Nhật Bản, trong khoảng thời gian nêu trên, trong các sự kiện máy bay quân sự nước ngoài áp sát không phận và Nhật Bản khẩn cấp điều động máy bay chiến đấu, máy bay quân sự Trung Quốc chiếm khoảng 67%, máy bay quân sự Nga chiếm khoảng 32%, các nước khác khoảng 1%.

Trong đó, trung đoàn hàng không tây nam - lực lượng chủ yếu ứng phó Trung Quốc, đã điều động 222 lần, quân đoàn hàng không phương bắc (ứng phó Nga) điều động 91 lần.

Bài báo cho biết, về cơ bản, máy bay quân sự Trung Quốc áp sát không phận Nhật Bản từ hướng biển Hoa Đông, nhưng vẫn chưa xuất hiện sự kiện xâm phạm không phận Nhật Bản.

Tuy nhiên, tháng 7 năm nay, cụm máy bay ném bom và cụm máy bay vận tải Trung Quốc đã bay xuyên qua vùng biển giữa đảo Okinawa và đảo Miyako, nhiều lần ra vào bầu trời Thái Bình Dương.

Máy bay chiến đấu Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản
Máy bay chiến đấu Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản

Dựa vào số liệu do Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố, năm 2011, số lần cất cánh khẩn cấp ứng phó máy bay quân sự Trung Quốc của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản là 156 lần, năm 2012 tăng lên 306 lần, năm 2013 và năm 2014 lần lượt lên tới 415 và 464 lần.

Trong đó, con số cùng kỳ của năm 2014 (như năm nay) là 207 lần, trong khi đó, số lần cất cánh khẩn cấp để đánh chặn máy bay chiến đấu Trung Quốc của Lực lượng Phòng vệ trong cùng kỳ năm 2015 đã tăng 24 lần.

Bài báo lo ngại, xét tới việc xu thế áp sát không phận Nhật Bản của máy bay quân sự Trung Quốc tăng lên chứ không giảm đi, trong tương lai, tần suất cất cánh khẩn cấp đánh chặn máy bay quân sự Trung Quốc sẽ càng thường xuyên hơn.

Trong khi đó, trong cùng kỳ, số lần áp sát không phận Nhật Bản của Nga năm nay giảm mạnh, so với 369 lần cùng kỳ năm 2014, cùng kỳ năm nay chỉ 108 lần. Nhưng, nguồn tin của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng, điều này hoàn toàn không có nghĩa là hành động của Nga đã giảm đi, còn phải tiếp tục theo dõi.

Máy bay chiến đấu Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản
Máy bay chiến đấu Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản

Để đánh chặn máy bay quân sự Trung Quốc áp sát từ hướng biển Hoa Đông, những năm gần đây, Nhật Bản không ngừng tăng cường thực lực của Lực lượng Phòng vệ Trên không trên hướng tây nam.

Tờ "Mainichi Shimbun" Nhật Bản cho biết, Nhật Bản có kế hoạch tăng cường triển khai máy bay chiến đấu F-15 ở căn cứ Naha, Okinawa từ 1 phi đội (trung đội) hiện nay lên 2 phi đội.

Hiện nay, căn cứ Naha triển khai 20 máy bay chiến đấu F-15, "nằm ở trạng thái sẵn sàng trong nhiệm vụ cất cánh khẩn cấp ứng phó máy bay quân sự Trung Quốc".

Xét tới hoạt động của máy bay quân sự Trung Quốc trong tương lai sẽ thường xuyên hơn, Bộ Quốc phòng Nhật Bản quyết định điều 20 máy bay chiến đấu F-15 từ căn cứ Tsuiki, tỉnh Fukuoka chuyển sang triển khai ở Naha.

Máy bay chiến đấu Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản
Máy bay chiến đấu Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản

Căn cứ Tsuiki triển khai máy bay chiến đấu F-2 và F-15, sau khi chuyển F-15 sang căn cứ Naha, căn cứ này sẽ bố trí thêm máy bay chiến đấu F-2.

Quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết: "Tsuiki cũng gần các đảo tây nam, có lợi cho tăng cường phòng vệ khu vực này".

Trung Quốc thông qua phát ngôn viên ngoại giao của họ tuyên bố hoạt động này của máy bay Trung Quốc là "chính đáng, hợp pháp", đòi Nhật Bản chấm dứt các hoạt động "quấy rối" Trung Quốc, có những nỗ lực mang tính xây dựng để bảo vệ đại cục quan hệ hai nước và hòa bình, ổn định khu vực.

Ngày 23 tháng 11 năm 2013, Trung Quốc đơn phương tuyên bố áp đặt Vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông, bao trùm lên cả nhóm đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát, chồng lấn lên Vùng nhận dạng phòng không của Nhật Bản và Hàn Quốc.

Máy bay chiến đấu Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản
Máy bay chiến đấu Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản

Mỹ đã lập tức điều máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 đến khu vực này để thách thức yêu sách của Trung Quốc, xem Trung Quốc làm gì. Bởi vì, Trung Quốc đòi hỏi máy bay nước khác khi đi vào vùng nhận dạng này (chứ không phải không phận) phải thông báo kế hoạch bay cho Trung Quốc.

Ngoài ra, Trung Quốc đang ra sức thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam và an ninh khu vực, nhất là việc xây dựng bất hợp pháp các đường băng máy bay trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trung Quốc cũng hay nói bóng gió về khả năng áp đặt bất hợp pháp Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông. Có chuyên gia cho rằng, việc xây dựng bất hợp pháp các đường băng máy bay nêu trên chính là chuẩn bị cho áp đặt bất hợp pháp vùng nhận dạng này.

Tuy nhiên, tự do và an toàn bay, tự do và an toàn hàng hải luôn được cộng đồng quốc tế quan tâm, bảo vệ. Cộng đồng quốc tế, trong đó có các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản... sẽ không cho phép Trung Quốc thích làm gì thì làm. Việt Nam cũng kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của mình - PV.

Máy bay chiến đấu Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản
Máy bay chiến đấu Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản
Đông Bình