Ngày 10/8/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 118/NQ-CP về việc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2020.[1]
Chính phủ đã quyết nghị về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chỉ thị số 11/CT-TTg; tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2020; công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Nghị quyết nêu rõ, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương phải đồng thời thực hiện "mục tiêu kép" là vừa không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019.
Giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định về thời gian, nội dung và các vấn đề có liên quan khác của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức tốt kỳ thi, bảo đảm chặt chẽ, khoa học, an toàn, không để xảy ra sơ suất, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và các bộ, cơ quan liên quan có phương án cụ thể, hướng dẫn chi tiết, thống nhất để các địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên tinh thần bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, giáo viên trong kỳ thi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương trong công tác thông tin, tuyên truyền để tạo đồng thuận trong xã hội.
Trường hợp cần phải sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng và trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật đó theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Nhiệm vụ Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ được giáo viên nằm trong khung độ tuổi có thể nghỉ hưu sớm quan tâm nhất.
Theo đó, Chính phủ giao Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất chính sách khuyến khích cho công chức, viên chức nghỉ hưu sớm. [1]
Tại sao giáo viên dù muốn nghỉ hưu sớm nhưng vẫn “cố cày”?
Giáo viên băn khoăn về chế độ nghỉ hưu sớm. (Ảnh minh hoạ: TTXVN) |
Thầy giáo Tr. ở Vũng Tàu năm nay 58 tuổi chia sẻ với người viết: “Muốn nghỉ lắm rồi, nhưng vì vướng điều kiện, không thuộc đối tượng tinh giản biên chế nên phải “cày”.
Giờ đi dạy tháng cũng được hơn 11 triệu đồng, mới có lương cao, nghỉ thấy uổng quá.
Thật ra mình “cày”, tội cả mình cả học trò. Nhưng nghỉ trước tuổi thiệt thòi quá, mất 6% lương hưu, nên cố gắng thêm tý nữa vậy”.
Giáo viên cận tuổi hưu, một số sức khỏe suy giảm, đi dạy không ai nói đến, không nói đến ai. Một số không đạt chuẩn bằng cấp, không có cái chứng chỉ nào, nhưng không thuộc đối tượng phải chuẩn hóa, đa số giáo viên này đều muốn nghỉ hưu sớm.
Rào cản lớn nhất giáo viên sức khỏe yếu, không đạt chuẩn nghỉ hưu trước tuổi chính là cơm áo gạo tiền, nên đành cố.
Nếu có chính sách phù hợp, coi giáo viên sức khỏe yếu, không đạt chuẩn bằng cấp, chứng chỉ là đối tượng tinh giản biên chế, nghỉ hưu được hưởng chế độ theo Nghị định 113/2018/NĐ-CP thì sẽ có nhiều người nghỉ hưu. [2]
Việc giáo viên sức khỏe yếu, không đạt chuẩn bằng cấp nghỉ hưu sớm có lợi cho ngân sách, cho học trò, cho xã hội.
Việc giáo viên sức khỏe yếu, không đạt chuẩn bằng cấp nghỉ hưu sớm tạo việc làm cho sinh viên sư phạm mới ra trường, ngành giáo dục tuyển được nguồn nhân lực đạt chuẩn, vừa không mất ngân sách đào tạo, bồi dưỡng.
Có chế độ khuyến khích nghỉ hưu sớm giúp thầy cô giáo sức khỏe yếu, không đạt chuẩn bằng cấp nghỉ hưu sớm đỡ bị thiệt thòi là điều mà nhiều giáo viên mong đợi.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/doanh-nghiep/Nghi-quyet-118-NQ-CP-2020-phien-hop-Chinh-phu-thuong-ky-thang-7-450762.aspx
[2]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-113-2018-ND-CP-sua-doi-Nghi-dinh-108-2014-ND-CP-ve-chinh-sach-tinh-gian-bien-che-393041.aspx