Đi chùa lễ Phật đầu năm là văn hóa truyền thống của người Việt Nam từ xa xưa, nhưng hiện nay nhiều nơi lợi dụng việc này để trục lợi tâm linh, trong khi nhiều người mê muội lao vào các hoạt động tâm linh.
Do không hiểu văn hóa truyền thống dẫn đến ứng xử không phù hợp và người ta đang bị lợi dụng mà không hề biết. Ảnh: Anh Tuấn. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Dương - Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chia sẻ: “Hiện nay chúng ta thấy rất nhiều trung tâm Phật giáo được xây dựng rất to, điều đó bị tác động bởi chính sách phát triển du lịch tâm linh.
Hơn nữa du lịch tâm linh là một món hời xét theo góc độ kinh tế thì việc gì có lãi thì doanh nghiệp sẽ đầu tư vào đó và khai thác.
Doanh nghiệp không thu trực tiếp góp vốn hay công đức để xây chùa từ người dân mà họ thu gián tiếp từ các dịch vụ tâm linh.
Họ thu từ dịch vụ chuyên chở các phật tử vào chùa, dịch vụ ăn uống, gửi xe, tiền cúng dường Tam bảo…
Và đặc biệt là họ được hưởng lợi từ quỹ đất trong dự án xây chùa, đây là tài nguyên Quốc gia, thuộc sở hữu toàn dân chứ doanh nghiệp không phải bỏ tiền túi ra mua.
Khu dịch vụ thì lớn gấp nhiều lần chùa nhưng được gắn mác tâm linh nên không phải đóng thuế thì thật là lãi lớn".
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Dương - Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: Tùng Dương. |
Nếu doanh nghiệp hay một cá nhân nào đó có tâm cúng dường Tam Bảo, họ có thể bỏ tiền ra xây cả một ngôi chùa rồi giao lại cho bên phật giáo quản lí.
Còn họ rút ra hoàn toàn và không tham gia vào khai thác bất cứ một dịch vụ nào ở ngôi chùa đó, như vậy mới không phải là trục lợi tâm linh.
“Họ chủ định phát triển nơi đó thành một trung tâm du lịch tâm linh và cụ thể là phật giáo, với mục tiêu là thu lợi nhuận từ các dịch vụ tâm linh.
Mục đích xây chùa to nhưng du lịch là chính, gắn thêm yếu tố tâm linh vào để thu hút khách thập phương. Đó là mục tiêu của doanh nghiệp, họ bỏ tiền đầu tư vào đó thì họ cũng phải có lãi, đó là bài toán kinh tế.
Họ thu lãi thông qua việc du lịch tâm linh và đó cũng là điều mà các địa phương trong cả nước đang rất muốn làm”, ông Dương nói.
Từ một ngôi chùa nhỏ, nằm hẻo lánh như bị lãng quên nhưng qua bàn tay doanh nghiệp đã biến thành cả một quần thể lớn.
Khách thập phương đến đây được vãn cảnh, được chơi và được thỏa mãn về tâm linh, tự nguyện móc hầu bao ra mà không chút lăn tăn. Mà đi lễ Phật thì ai lại suy nghĩ cơ chứ.
Theo giáo lí nhà Phật, một ngôi chùa to hay nhỏ thì về ý nghĩa cũng như nhau, không phải nhà sư tu ở chùa to thì nhanh đắc đạo hơn ở chùa nhỏ.
Đi lễ cũng vậy, không phải lễ ở chùa to thì được phúc hơn lễ ở chùa nhỏ, không phải chùa ở làng giản dị, nhỏ thì sẽ kém ngôi chùa to ở trên thành phố về chất thiêng.
Một yếu tố quyết định việc thành hay bại du lịch tâm linh, họ nhằm vào việc quảng bá và khuếch trương những cái khác thường, to nhất, vĩ đại...
Họ kích thích, đánh vào tâm lí chung của công chúng nghe thấy vĩ đại thì phải đến cho biết mà tất nhiên khi đến đó sẽ phải trả chi phí cho các dịch vụ thì mới được vào.
“Một bức tượng Phật được tạc ra từ thiên thạch mặt trăng hay từ gỗ, đồng, đất nung thì về mặt triết lí nhà Phật có giá trị như nhau, chất thiêng không phải do chất liệu. Pho tượng chỉ đơn thuần là biểu tượng.
Triết lí sẽ giáo hóa, giúp con người ta giải thoát khỏi cái tham, sâng, si cũng như cái dục vọng trần tục. Triết lí đó mới là chất thiêng chứ hoàn toàn không phải là giá trị vật chất. Phật là tại tâm”, ông Dương chia sẻ.
Vào khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám tại Hà Nội cũng phải mất phí. Ảnh: Tùng Dương. |
Không làm việc trái đạo lý mới là tích phúc
Giáo lí nhà Phật có dạy: Thứ nhất là tu tại gia, với ý nguyện dạy con người tu tâm tích đức bằng những hành vi, lời nói, hành động hàng ngày trong cuộc sống, đối với người trên kẻ dưới phải đúng mực.
Thứ hai tu chợ. Chợ ở đây là chốn buôn bán, người tứ xứ giang hồ đổ về đa dạng, có tốt, xấu, lừa nhau, cạnh tranh… Ở môi trường như thế mà ta vẫn giữ được cái tâm thiện, không bị cuốn vào những chuyện trái đạo lí thì mới mong tích Phúc.
Thứ ba mới đến tu chùa, gửi thân xác vào chùa và tâm theo phật nhưng cũng không hẳn là những vị sư tu ở chùa đã giá trị hơn những người tu tại gia. Phật dạy thì tu tại gia mới là quan trọng.
Các vị sư ở chùa có bổn phận lan tỏa giáo lí của nhà Phật để cho chúng sinh tu tâm tích đức trong cuộc sống hàng ngày, điều đó tốt cho bản thân chúng sinh nhưng đồng thời cũng tốt cho xã hội.
Giáo sư Tiến sĩ Trương Quốc Bình - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ: “Hiện nay cũng có rất nhiều khu tâm linh được xây dựng với quy mô rất lớn, hoành tráng, nhưng chùa chỉ chiếm một phần diện tích rất nhỏ, còn kèm theo đó là các khu vui chơi, khách sạn, nhà hàng vậy thì đúng là trục lợi tâm linh chứ không phải Hoàng dương Phật pháp”.
Các ngôi chùa của Việt Nam là các công trình tôn giáo, tín ngưỡng hòa nhập với thiên nhiên, người đi lễ Phật với cảm giác được hòa mình vào đất Phật chứ không phải thấy mình lạc lõng trước một thứ đồ sộ nhưng không có bề dày văn hóa.
Đến các em học sinh cũng cho rằng xoa tay vào đầu rùa ở Văn Miếu là sẽ thi được điểm cao. Ảnh: Tùng Dương. |
“Chúng ta đang khuyến khích mô hình hợp tác nhưng lại xảy ra vấn đề, nhà nước đầu tư làm đường và nhiều thứ khác nữa nhưng không thu được gì, mà đúng ra nguồn thu đó phải được đưa vào công ích xã hội.
Danh lam thắng cảnh là tài nguyên của Quốc gia nhưng người dân sử dụng lại bị thu tiền. Vào chùa Hương phải trả tiền, đến Yên Tử phải trả tiền, khu di tích hay mỗi điểm tham quan cũng phải trả tiền, vào công viên phải trả tiền và đến như muốn vào chùa lễ Phật cũng phải trả tiền.
Vậy tất cả những nơi là tài sản Quốc gia, tài nguyên du lịch mà sao người ta mang ra bán vé? Cho đến nay chưa có thống kê hay báo cáo doanh thu từ những nguồn thu vào di tích danh làm thắng cảnh, có nguồn thu nhưng không ai biết là bao nhiêu”, ông Bình nói.
Tham nhũng rồi mang tiền đi cúng, thần phật nào cứu nổi |
Do những tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường, kinh doanh tâm linh thiếu sự kiểm soát đã và đang trở thành vấn nạn ở Việt Nam hiện nay.
Nó thu hút được rất nhiều lực lượng tham gia và là đối tượng cho người ta khai thác, cũng chỉ bởi tâm lý hùa theo đám đông mà không hiểu rõ.
“Có nhiều người đi lễ nhưng không biết nơi đó là thờ ai, thế nào là thờ Phật, Thiên Chúa giáo, Đạo giáo, Đạo Mẫu là gì?
Do không hiểu văn hóa truyền thống dẫn đến ứng xử không phù hợp và người ta đang bị lợi dụng mà không hề biết.
Để cải thiện và thay đổi được tình trạng này, ngoài sự thay đổi các hoạt động quản lý nhà nước, cần phải đi từ gốc, phải giáo dục từ bậc học đường và đặc biệt là Giáo hội Phật giáo phải giác ngộ cho mọi tầng lớp xã hội để mọi người hiểu và không làm những điều mê muội nữa”, Giáo sư Bình chia sẻ.