Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa trong bài viết Chiến tranh biên giới 1979: “Đóa Hồng Chiêm bất tử”, liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm, người con gái đất Bình Ngọc (Móng Cái, Quảng Ninh) đã chiến đấu và hi sinh anh dũng trong trận đánh ngày 17/2/1979.
Đổi tên do tách trường
Để ca ngợi gương chiến đấu hy sinh anh dũng của Hoàng Thị Hồng Chiêm, ngay trong những ngày tiếng súng còn vang trên bầu trời biên giới đã có rất nhiều ca khúc viết về chị làm lay động lòng người, cỗ vũ quân và dân ta quyết chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Những bài hát như: "Bài ca trên đỉnh Pò Hèn" của nhạc sĩ Thế Song, "Bông hoa Hồng Chiêm" của nhạc sĩ Dân Huyền và "Người con gái trên đỉnh Pò Hèn" của nhạc sĩ Trần Minh đã đi vào lòng biết bao thế hệ thanh niên yêu nước.
Liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm không chỉ được vinh danh trong những ca khúc bất hủ, thậm chí, có một ngôi trường đã mang tên Hoàng Thị Hồng Chiêm, ngôi trường đó ngày nay là trường trung học cơ sở Bình Ngọc.
Theo thông tin từ trường Trung học cơ sở Bình Ngọc, trước kia, trường Bình Ngọc nằm tại vùng nông thôn, hẻo lánh nằm trên đất phường Bình Ngọc, Móng Cái (Quảng Ninh) ngày nay.
Trường được thành lập từ năm 1959 và được phát triển nối tiếp của trường cấp 1 – 2 Bình Ngọc. Từ năm 1970,qua một quá trình tách - sát nhập, đến năm 1988 Trường liên cấp 1 - 2 Bình Ngọc được mang tên nữ liệt sĩ anh hùng Hoàng Thị Hồng Chiêm.
Năm học 1990 – 1991 cấp 2 Bình Ngọc lại sát nhập với cấp 2 Trà Cổ nên trường Bình Ngọc không có lớp học cho học sinh cấp 2 mà chỉ có tiểu học và mầm non.
Đến năm 1991 – 1992 xét thấy không hợp lí nên ngành Giáo dục tỉnh Quảng Ninh lại quyết định cấp 2 Bình Ngọc được mở lại ở địa phương.
Năm học 1998 trường cấp 2 được tách riêng theo công văn số 112, ngày 18/6/1998, và đổi tên trường Hoàng Thị Hồng Chiêm thành trường Trung học cơ sở Bình Ngọc.
Từ đó đên nay, trường Hoàng Thị Hồng Chiêm trở lại với tên địa phương là trường Trung học cơ sở Bình Ngọc.
Việc đổi tên trường đã khiến nhiều thế hệ học sinh, người dân tiếc nuối về một ngôi trường mang tên người con gái sinh ra tại quê hương Bình Ngọc đã sống và chiến đấu hi sinh vì Tổ quốc.
Tượng liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm đang đặt tại trường Trung học cơ sở Bình Ngọc (Ảnh Lại Cường) |
Hiện tại, tại trường Trung học cơ sở Bình Ngọc vẫn còn bức tượng người con gái đất Bình Ngọc, Hoàng Thị Hồng Chiêm trong tư thế chiến đấu hiên ngang với con mắt sáng quắc như biểu trưng cho ý trí và sức mạnh con người Việt Nam nói chung và người đất Mỏ nói riêng.
Ngay sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết Chiến tranh biên giới 1979: “Đóa Hồng Chiêm bất tử”, nhiều độc giả đã thông tin đến tòa soạn bày tỏ sự tiếc nuối và mong muốn ngành Giáo dục Quảng Ninh trả lại tên Hoàng Thị Hồng Chiêm cho trường Trung học cơ sở Bình Ngọc.
Việc làm này không chỉ là sự tôn vinh về tấm gương hi sinh của người con gái anh hùng đất Bình Ngọc mà còn mang tính giáo dục thế hệ tương lai đất nước.
Sẽ trả lại tên Hoàng Thị Hồng Chiêm?
Nói về việc trả lại tên trường Hoàng Thị Hồng Chiêm, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi và ghi nhận một số ý kiến của ban ngành cơ quan chức năng, đồng đội của liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm.
Theo ông Nguyễn Văn Tuế, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, ông có biết việc đổi tên trường Trung học cơ sở Bình Ngọc trước kia.
Hiện nay, do phân cấp quản lý nên trường Trung học cơ sở Bình Ngọc thuộc cấp quản lý của Phòng giáo dục thành phố Móng Cái.
Nhiều thế hệ học trò trường Trung học cơ sở Bình Ngọc vẫn biết đến tên liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm đặt tại trường (Ảnh: Lại Cường) |
Trong khi đó, ông Nguyễn Đông Phong, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Móng Cái cho biết, phòng Giáo dục và Đào tạo Móng Cái cũng đã tính đến việc này (Đổi tên trường Trung học cơ sở Bình Ngọc thành trường Trung học cơ sở Hoàng Thị Hồng Chiêm– PV). Tuy nhiên, việc này cũng cần phải có thời gian và phương án tính toán và chọn thời điểm thích hợp.
“Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ việc đổi lại tên trường, việc này không chỉ là sự ghi nhận với những người đã hi sinh vì Tổ quốc mà còn có tính giáo dục cao.”. Ông Phong chia sẻ.
Cũng theo ông Phong, nhiều năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo cũng đã tổ chức nhiều đợt học tập, thăm quan, giáo dục lịch sử địa phương cho các em học sinh trên đài tưởng niệm đồn Pò Hèn.
Các hoạt động này được tổ chức bài bản, mang tính giáo dục cao được các cấp các ngành ghi nhận.
Thầy giáo Hoàng Đức Việt, nguyên hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Bình Ngọc cho biết, lúc ông làm quản lý tại trường, bức tượng Hoàng Thị Hồng Chiêm vẫn được gìn giữ và bảo quản cẩn thận.
Ý kiến về việc đổi lại tên trường hay không ông Việt xin phép không bình luận và cho đó là việc của các cấp các ngành của địa phương.
Còn thầy giáo Trần Tiến Hùng, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Bình Ngọc cho biết việc đổi tên trường thế nào phụ thuộc vào lãnh đạo các cấp.
Việc đánh giá công lao của liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm đối với địa phương như thế nào cũng cần đánh giá đúng sự thật. Ông Hùng không bày tỏ đồng ý hay phản đối việc đổi tên trường.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho biết, ông sẽ tham vấn ý kiến của các cụ cao niên những người có uy tín tại địa phương về việc đổi tên trường. Sau đó ông sẽ có thông báo với phóng viên sau.
Trao đổi với phóng viên, cựu chiến binh Hoàng Như Lý, người bạn, đồng thời cũng là đồng đội chiến đấu đến giờ phút cuối cùng của liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm cho rằng việc đổi tên trường Trung học cơ sở Bình Ngọc thành trường Hoàng Thị Hồng Chiêm là việc lên làm.
Bày tỏ suy nghĩ cá nhân, ông Lý tin tưởng việc này sẽ được thực hiện bởi nhiều người dân ở xã Bình Ngọc vẫn gọi trường Bình Ngọc bằng tên trường Hồng Chiêm.
Các em học sinh trong buổi học thực tế tại đài tưởng niệm đồn Pò Hèn (Ảnh tư liệu) |
Chúng tôi tới thăm căn nhà tình nghĩa của ngành thương mại xây tặng ông Hoàng Văn Lợi, em trai của chị Chiêm. Trong gia đình, chị Chiêm là con thứ ba, cũng thật bất ngờ khi được biết người chị ruột của Hồng Chiêm, chị Hoàng Thị Liễm, là vợ của trung tướng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Sinh Hưởng, tướng Hưởng cũng là người quê ở Bình Ngọc (Móng Cái)
Nói về việc đổi tên trường, gia đình ông Lợi hi vọng các cấp các ngành ghi nhận sự hi sinh của liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm bằng việc đổi lại tên ngôi trường mang tên Chị.