Học thêm, câu chuyện không mới nhưng luôn là đề tài bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn, các trang báo mỗi ngày. Bộ Giáo dục và Đào tạo, các tỉnh thành đều có những chỉ đạo sát sao việc dạy học thêm trong nhà trường.
Tuy nhiên, tình trạng dạy thêm học thêm vẫn không có dấu hiệu chấm dứt. Nguyên nhân chính là, nhiều phụ huynh có nhu cầu cho con đi học thêm. Nhiều giáo viên cũng có mong muốn được dạy thêm để có thêm thu nhập, thêm điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn |
Học thêm để thi vào trường chất lượng cao, trường tốp đầu
Trong thực tế, có rất nhiều nguyên nhân để phụ huynh gửi con đi học thêm. Có em buộc phải đi học thêm mới đủ sức thi vào trường đại học tốp đầu, rồi trường chuyên, lớp chọn, trường chất lượng cao.
Đây chính là một thực tế. Em Hoàng Tuấn, học sinh lớp 12 một trường trung học ở Đồng Nai chia sẻ: “Ngoài giờ học ở trường, em đăng ký học thêm 3 môn Toán, Hóa, Sinh để có kiến thức chuyên sâu thi vào Trường đại học Y-Dược Thành phố Hồ Chí Minh”.
Hoàng Tuấn nói thêm, ở trên trường một lớp học tới gần 50 học sinh với đủ các trình độ. Nếu giáo viên dạy mức trung bình thì học sinh khá, giỏi sẽ không muốn nghe. Giáo viên dạy nâng cao thì học sinh trung bình và yếu cũng không thể theo kịp.
Vì thế, thầy cô chỉ đảm bảo truyền thụ đúng, đủ kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa.
Muốn học kiến thức khó hơn cũng như luyện giải đề thêm thì phải học thêm theo nhóm cùng trình độ. Hoàng Tuấn cũng khẳng định, không học thêm kiến thức chuyên sâu như thế, em sẽ không đủ lực thi vào trường tốp đầu.
Con trai một người đồng nghiệp của tôi mới học lớp 1 nhưng cũng được ba mẹ gửi học thêm để chuẩn bị kiến thức cho 5 năm sau thi vào Trường chuyên Trần Đại Nghĩa. Phụ huynh cho rằng, kiến thức con học ở lớp học thêm gần như không có trong chương trình chính khóa và nó khó hơn rất nhiều.
Học thêm để cải thiện điểm số vì lực học quá yếu
Có những học sinh đi học để được cải thiện điểm số, với mong muốn lực học lên được mức trung bình vì học lực quá yếu kém.
Mới vào lớp 1 nhưng cậu bé An đã được bố mẹ đôn đáo, tất tả tìm kiếm người dạy kèm. Mẹ bé An cho biết: “Bé có trí nhớ khá kém. Chỉ học một âm vần nhưng học cả ngày ở trường, tối về ba mẹ lại kèm đọc, viết tới tận 10 giờ đêm nhưng ngày mai đến lớp gần như khi nhớ, khi quên.
Mỗi lần chỉ cho con học, cả gia đình tôi lại ồn ào như cái chợ vì tiếng la hét của mẹ cùng tiếng khóc tức tưởi của con. Học một thời gian, âm vần nhiều hơn nên con khó có thể nhớ hết những nội dung đã học. Nếu không đi học thêm, bé sẽ đuối hơn rất nhiều”.
Trong thực tế, mỗi lớp học cũng có trên dưới cả chục học sinh tiếp thu bài khá chậm. Mỗi tiết học 35 phút (tiểu học) và 45 phút (trung học) không thể đủ thời gian để những học sinh này hiểu bài và vận dụng thực hành. Bên cạnh đó, giáo viên có nỗ lực đến đâu cũng không thể bỏ vài chục học sinh chỉ để kèm cặp một vài em với thời gian lâu được.
Nếu không được đi học thêm, mỗi ngày học sinh sẽ yếu dần cho đến lúc không thể theo kịp chương trình. Trong khi đó, theo yêu cầu của việc phổ cập và chỉ tiêu về trường chuẩn, học sinh hiện nay rất khó bị ở lại lớp. Vì thế, đã học yếu lại bị đẩy lên lớp trên khiến một số em phải nghỉ học giữa chừng vì áp lực.
Ba mẹ bận rộn, học thêm để nhờ thầy cô đưa đón và chuẩn bị bài luôn
Hiện nay ở nhiều trường tiểu học, không ít gia đình ba mẹ đi làm ăn xa hoặc cha mẹ chia tay con cái phải ở lại với ông bà. Nhiều gia đình muốn gửi con đi học thêm do không có điều kiện chuẩn bị bài cho các em trước khi đến lớp.
“Vợ chồng tôi buôn bán suốt ngày đêm, thả con ở nhà với bà. Do mắt mũi bà cũng kém nên không thể hướng dẫn cho con ôn bài mỗi ngày. Gia đình buộc phải chọn giải pháp gửi con cho giáo viên kèm học, chuẩn bị bài cho buổi học hôm sau”, chị Lan có con học lớp 2 chia sẻ.
Không riêng chị Lan, hiện có khá nhiều phụ huynh có mong muốn gửi con về nhà thầy cô, vừa có người chăm sóc, vừa có người kèm học.
Giờ tan học của học sinh đôi khi không trùng với giờ tan ca làm của cha mẹ. Một số phụ huynh không thể đón con vào lúc 10 giờ 30 phút (buổi sáng) và 4 giờ 30 phút (buổi chiều). Bởi thế, khá nhiều gia đình chọn giải pháp gửi con cho cô thầy đưa về nhà vừa lo ăn uống, vừa lo chuẩn bị bài cho các em.
Đi học thêm chỉ đơn giản để không xem ti vi, không xài điện thoại
Cũng có những phụ huynh gửi con đi học thêm với một lý do hết sức đơn giản chỉ là con không dùng điện thoại, không xem ti vi mỗi ngày.
“Nó suốt ngày mở ti vi xem phim bạo lực và lướt điện thoại chơi game. Ba mẹ nói hoài, thậm chí la mắng cũng không ăn thua. Tôi muốn cho đi học thêm để không xem ti vi, điện thoại. Chiều đi học về, ăn cơm, tắm gội xong là đi học thêm gần 2 tiếng đồng hồ rồi về soạn sách vở và đi ngủ thôi cô ạ”, mẹ học sinh Tuấn Dũng chia sẻ.
“Cứ ở trường về là cầm điện thoại chơi tới khuya. Nói hoài cũng không nghe. Không đi học thêm ở nhà chơi điện thoại còn hại hơn nhiều”, một phụ huynh có con học lớp 3 cho biết.
Dạy thêm không xấu, chỉ xấu khi thầy cô dùng thủ thuật lùa học sinh đến lớp dạy thêm
Nhu cầu học thêm của học sinh, của phụ huynh là có thật. Khi có cầu, ắt sẽ có cung, nhiều thầy cô giáo cũng trăn trở “Mình bỏ công sức, bỏ thời gian để kiếm thêm thu nhập nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình, cũng là giúp học sinh học tốt hơn, là đáp ứng cả nhu cầu của học sinh thì tại sao lại bị lên án?, Bị cấm đoán?”.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan và công bằng, nếu giáo viên dạy thêm đúng theo quy định là bổ sung và nâng cao kiến thức, không chèn ép, gây áp lực để buộc người học phải tới lớp học thì chắc chắn sẽ không có điều gì phải nói.
Thế nhưng trong thực tế, hiện vẫn còn những thầy cô dùng “thủ thuật” để dạy thêm như nhá đề, mớm đề trước, ưu ái hơn với những học trò học thêm, khắt khe hơn với những em không đi học.
Ngoài ra việc dạy trước kiến thức, việc đối xử phân biệt giữa các học sinh trong lớp, sẽ dẫn đến mất công bằng giữa các học sinh với nhau.
Làm thế nào để giáo viên không thể mớm đề?
Thứ nhất, kỷ luật thật nặng những giáo viên dùng thủ thuật để ép buộc học sinh đến lớp dạy thêm.
Hàng năm, ở một số địa phương vẫn thường xảy ra tình trạng phụ huynh tố cáo giáo viên nào đó chèn ép học sinh để buộc đi học thêm. Tuy nhiên, những giáo viên bị xử lý (khi đã điều tra có đủ bằng chứng) vẫn ít bị xử lý mạnh tay.
Thứ hai, mỗi trường học cần có một ngân hàng đề phong phú. Thường thì, mỗi giáo viên trong tổ sẽ ra một đề kiểm tra và nộp cho tổ trưởng rồi nộp về trường. Tổ trưởng hoặc chuyên môn nhà trường có thể xáo trộn các đề với nhau hoặc để nguyên và chọn ngẫu nhiên một đề làm đề kiểm tra một tiết hoặc định kỳ.
Dù xáo đề hay chọn bất kỳ một đề nào đó thì khi giáo viên đã ôn tập đều trúng tủ. Bởi trước đó, các thầy cô giáo trong tổ chuyên môn đã đổi đề cho nhau để ôn tập.
Vậy làm thế nào để thầy cô dạy thêm không thực hiện việc nhá đề, mớm đề? Nhà trường cần có một ngân hàng đề từ nhiều năm trước. Đến gần kỳ kiểm tra, chỉ cần chọn ngẫu nhiên một đề nào đó.
Khi không có đề tương tự để thực hiện việc mớm đề, giáo viên buộc phải ôn tập lại tất cả những kiến thức trọng tâm học sinh đã học trước đó. Không được nhá đề, mớm đề, chỉ những học sinh thật sự có nhu cầu học thêm bổ sung kiến thức mới đi học. Sẽ không còn tình trạng đi học vì muốn đạt điểm số cao nhờ biết trước đề.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.