Nhiều phụ huynh mất tiền oan vì mua nhầm sách Anh văn

24/08/2018 06:56
Đỗ Quyên
(GDVN) - Chuyện mua sách không đúng chương trình học của con dẫn đến hậu quả phải bỏ đi bộ sách mua nhầm để mua thêm một bộ sách giáo khoa khác.

LTS: Việc áp dụng hai chương trình dạy Anh văn khác nhau tại một số trường tiểu học tại Bình Thuận đã gây ra khá nhiều rắc rối cho phụ huynh.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài phản ánh của cô giáo Đỗ Quyên về vấn đề này.

Cùng trên một địa bàn nhưng một số trường tiểu học tại tỉnh Bình Thuận lại cùng lúc áp dụng hai chương trình dạy Anh văn khác nhau.

Đồng nghĩa với việc, sẽ có hai bộ sách giáo khoa Anh văn cũng hoàn toàn khác nhau.

Sự vô lý này đã dẫn đến nhiều rắc rối cho phụ huynh các trường khi đi mua sách.

Chuyện mua sách không đúng chương trình học của con dẫn đến hậu quả phải bỏ đi bộ sách mua nhầm để mua thêm một bộ sách giáo khoa khác.

Nhiều phụ huynh than trời khi phải bỏ đi những bộ sách mới nguyên vì trả lại nhiều nhà sách không chịu nhận.

Ảnh do tác giả cung cấp
Ảnh do tác giả cung cấp

Nhiều phụ huynh mất tiền oan

Vài năm trở lại đây, nhiều trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Bình Thuận học sinh lớp 3 được học sách Anh văn theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sách được in gồm 3 cuốn giá 99.000 đồng.

Năm học này, một số trường tiểu học lại đổi sang học sách I-Learn Smart Star của nhà xuất bản Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Bộ sách in 2 cuốn có giá 160.000 đồng.

Việc thay đổi này, buộc phụ huynh phải bỏ bộ sách giáo khoa cũ (dù sách còn mới) để mua sách giáo khoa mới cho con học.

Thế nhưng không ít người dù đã mua sách mới vẫn phải bỏ đi để mua lại bộ sách khác vì không đúng chương trình học của trường.

Để chuẩn bị cho việc đổi sách giáo khoa Anh văn, trong buổi họp phụ huynh cuối năm, một số trường đã gửi thông báo đến cha mẹ các em:

Năm nay, chương trình Anh văn có thay đổi nên phụ huynh không nên ra ngoài mua sách tránh bị mua nhầm sách cũ. Tất cả đăng kí mua tại trường”.

Nhiều phụ huynh mất tiền oan vì mua nhầm sách Anh văn ảnh 2Bát nháo chương trình tiếng Anh tăng cường tại Thành phố Thanh Hóa

Thế nhưng có phải cha mẹ em nào cũng đi họp đầy đủ để được nghe thông báo?

Số khác có đi họp nhưng cũng không nghe giáo viên phổ biến hoặc nghe rồi lại quên.

Thế nên mới có cảnh đi mua sách mà không biết phải mua loại sách nào cho đúng.
 
Có hiệu sách cẩn thận và tận tâm nên người ta đã tìm hiểu trước trường nào học sách Anh văn nào để kịp thời tư vấn cho phụ huynh.

Khi bán sách, nhân viên nhà sách sẽ hỏi “con anh (chị) học trường tiểu học nào?" Và như thế, phụ huynh sẽ mua được đúng loại sách nhà trường sẽ dạy.

Một số nhà sách không quan tâm đến chuyện này hoặc họ tảng lờ không biết để bán hết sách tồn đọng năm ngoái.

Quy định của nhiều nhà sách “không trả lại hàng sau khi đã mua xong”. Bởi thế, phụ huynh nếu mua nhầm chỉ còn cách bỏ đi mua lại cho đúng.

Ảnh do tác giả cung cấp
Ảnh do tác giả cung cấp

Vì sao cứ thay đổi xoành xoạch?

Vài năm nay, học sinh của địa phương đang học ổn định chương trình Anh văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo được nhiều giáo viên đánh giá có tính gần gũi và thiết thực hơn.

Năm học này, một số trường vẫn tiếp tục dạy chương trình này nhưng một số trường tiểu học khác lại thay đổi chương trình dạy.

Câu hỏi nhiều người thắc mắc “vì sao phải thay đổi xoành xoạch như thế?” “vì sao trong cùng một địa bàn lại có tới 2 chương trình Anh văn khác nhau?”

Điều này có ảnh hưởng gì đến việc chỉ đạo chuyên môn và chất lượng đào tạo học sinh?

Bên cạnh đó, việc thay đổi chương trình sách giáo khoa thường xuyên như thế đã gây lãng phí khá nhiều về kinh tế của từng gia đình.

Những bộ sách giáo khoa khá mắc tiền (chỉ 2 cuốn sách Anh văn) đã chiếm gần 200 ngàn đồng.

Nếu học chương trình ổn định, những bộ sách cũ vẫn có thể cho nhiều thế hệ học sinh sử dụng được.

Ai được lợi trong chuyện này?

Nhiều phụ huynh mất tiền oan vì mua nhầm sách Anh văn ảnh 4Cơn sốt nhân tạo thiếu sách đầu năm học và kế bán lạc kèm bia

Chuyện quyết định học chương trình tiếng Anh này, bỏ chương trình tiếng Anh kia các cấp lãnh đạo có được lợi gì không chẳng ai biết được.

Chỉ biết rằng, cái lợi trước mắt là nhà xuất bản, những tác giả viết sách, lợi nhuận từ việc bán sách tại trường.

Trong khi đó, rắc rối mang đến cho việc thay đổi chương trình lại khá nhiều.

Giáo viên phải phổ biến, tuyên truyền đến phụ huynh về việc đổi sách, ghi danh sách phụ huynh đăng kí mua sách gửi về trường.

Có trường, giáo viên còn kiêm cả việc bán và thu tiền hộ. Và không tránh khỏi việc đòi nợ khi phụ huynh dây dưa chưa trả tiền đủ hoặc đã đăng kí mà không chịu mua.

Riêng phụ huynh, nhiều người phải tốn thêm khoản tiền mua sách, chưa nói đến việc nếu mua nhầm phải mất tiền gấp đôi.

Thay đổi để tốt hơn, nếu thay đổi chỉ mang đến điều lợi cho một nhóm lợi ích nào đó thì người lãnh đạo cũng cần nên xem xét lại.

Đỗ Quyên