Đào tạo kém nhưng yêu cầu thì cao?
Nhiều sinh viên đã tốt nghiệp cao đẳng sư phạm ngoại ngữ ra trường nhưng không thể thi lấy được bằng B2 ngoại ngữ (tương đương Bậc 4 theo chuẩn khung năng lực ngoại ngữ 6 Bậc).
Không ít sinh viên tỏ ra chán nản tâm sự với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam rằng, nếu thi thật thì không thể đậu vì năng lực đào tạo của trường họ học không thể đáp ứng.
Trong khi, yêu cầu theo chuẩn B2 ngoại ngữ rất cao so với kiến thức của sinh viên cao đẳng ra trường.
Chị Đỗ H. H., một cựu sinh viên Cao Đẳng Sư phạm Hà Tây buồn rầu chia sẻ:
"Em ra trường được hai năm rồi, xin việc ở đâu, nộp hồ sơ đi dạy mầm non hay tiểu học ở Hà Nội thì người ta cũng đòi chuẩn B2 ngoại ngữ.
Trong khi, khung chương trình ở các trường cao đẳng được thiết kết dựa trên chuẩn B2 rồi.
Em nói thật, nếu thi ở các trung tâm thì chỉ có trượt thôi, vì đòi hỏi rất cao.
Bạn em bảo có chạy thì mới đỗ, giá em tham khảo trên mạng lên đến hơn 10 triệu.
Em cho rằng, những sinh viên ra trường như bọn em giờ đi đâu chả ai thừa nhận cả.
Nếu đúng, bọn em không đạt chuẩn B2 thì tốt nhất không cấp bằng.
Đàng này cấp bằng rồi mà không thi nổi cái chuẩn B2 thì coi như bằng đểu rồi còn gì".
Nhiều sinh viên cao đẳng ra trường không thể thi nổi bằng chứng chỉ B2 (ảnh nguồn Giaoduc.net.vn). |
Anh Pham M.C., một cực sinh viên của trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh chia sẻ rằng:
"Nhiều nơi yêu cầu chuẩn giáo viên ngoại ngữ trình độ cao đẳng phải đạt bậc 4 tương đương chuẩn B2 (theo khung ngoại ngữ 6 bậc) mới được giảng dạy tại các trường Tiểu học, trung học Cơ sở.
Điều này khiến nhiều sinh viên như bọn em ra trường liệt vị hết.
Giả sử, như chương trình đào tạo ở các trường cao đẳng không đáp ứng được chuẩn B2 thì tốt nhất đừng cấp bằng cho bọn em còn hơn.
Giờ ra trường phải đi ôn, đi luyện tại các trung tâm, thậm chí dùng tiền mới có được tấm bằng B2.
Cuối cùng người được lợi là các đơn vị có quyền cung cấp bằng B2 và các chứng chỉ tương đương".
Nhiều phụ huynh khi bàn về chuyện này đều tỏ ra hết sức bức xúc. Ông Đỗ Danh Ngọc ở Quốc Oai, Hà Nội chia sẻ:
"Nuôi con ăn học mấy năm hi vọng ra trường có được việc làm.
Cứ nghĩ, ra trường con mình cầm cái bằng khá về thì dễ xin việc nhưng ở đâu giờ cũng đòi hỏi chuẩn B2 cả.
Tôi cho rằng, nếu sinh viên ngoại ngữ ra trường mà không thi đạt chuẩn B2 ngoại ngữ thì đừng cho tốt nghiệp còn hơn.
Chứ đằng này, cứ cấp bằng tốt nghiệp rồi mà cuối cùng chả thi đạt chuẩn B2 thì cái bằng đó vô giá trị.
Hơn nữa, trường nào sinh viên cao đẳng ngoại ngữ ra trường không đạt chuẩn B2 thì nên giải tán đi chứ đừng để tồn tại".
Nhiều phụ huynh đau lòng vì con học ra thất nghiệp (ảnh minh họa Ảnh minh họa trên tienphong.vn). |
Bàn về chất lượng đầu ra của sinh viên Cao đẳng ngoại ngữ và những khó khăn bất cập khi ra trường, ông Đặng Lộc Thọ, Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Sư Phạm Trung Ương cho rằng:
"Việc, sinh viên Cao Đẳng Ngoại Ngữ muốn xin được việc thì phải đạt chuẩn B2 Châu Âu đó là thực tế.
Hiện, chúng ta phải phân biệt khái niệm là cơ sở đào tạo và khái niệm cơ sở đánh giá.
Trường Cao đẳng Sư phạm là cơ sở đào tạo.
Trường sẽ thực hiện chương trình đào tạo theo quy định của Bộ về khung chương trình.
Nhà trường sẽ xây dựng các học phần đáp ứng theo yêu cầu về mặt chuyên môn, sau đó cấp bằng.
Khi xây dựng chương trình đã xác định trình độ Cao Đẳng thì sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn kiến thức đầu ra tương đương với khung năng lực bậc 4 (B2).
Việc sinh viên trường cao đẳng ra trường là đã đáp ứng tiêu chuẩn B2 rồi.
Tôi cho rằng, công tác đánh giá chuẩn B2 đang có bất cập, cần thiết phải rõ ràng hơn nữa.
Riêng về đơn vị đánh giá chuẩn B2 cho sinh viên cao đẳng sư phạm ra trường vẫn chưa có quy định rõ ràng.
Trước đây, Bộ có quy định về 10 đơn vị đánh giá chuẩn năng lực ngoại ngữ cho giáo viên nhưng tôi cho rằng đó là đánh giá năng lực của giáo viên tiếng Anh theo đề án ngoại ngữ 2020.
Tôi cũng không biết sắp tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có chỉ đạo như thế nào? có yêu cầu cụ thể nào rõ ràng hơn? Các văn bản tôi có trong tay hiện chưa thể hiện rõ nội dung trên".
Đối thoại với tác giả bài: Đại học, lễ tốt nghiệp hay "lễ thất nghiệp" |
Phải siết chặt chuẩn đầu ra
Ông Nguyễn Thanh Chuẩn, Phó Hiệu Trưởng Trường Cao Đẳng Sư Phạm Bắc Ninh cho rằng:
"Hiện Trường Cao Đẳng Sư phạm Bắc Ninh chỉ cấp bằng cao đẳng.
Còn các em sinh viên muốn có bằng B2 thì phải đến các đơn vị được phép cấp bằng B2 để thi.
Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh không đủ điều kiện cấp bằng B2.
Tại Bắc Ninh, khi tuyển công chức vẫn chưa có yêu cầu sinh viên ra trường phải có bằng ngoại ngữ B2.
Tới đây, tôi mong muốn Bộ nhanh chóng làm sao ra quy định trong tuyển dụng công chức phải có quy chuẩn trong cả nước.
Không nên để tình trạng, mỗi địa phương thực hiện một kiểu không thống nhất, ảnh hưởng đến quyền lợi của sinh viên".
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Hồng Cường, Hiệu phó Trường Đại học Thủ đô cho rằng:
"Việc yêu cầu sinh viên tốt nghiệp trường đại học, cao đẳng phải có các năng lực về tin học và ngoại ngữ, trước hết đây là đòi hỏi rất đúng của xã hội.
Tuy nhiên, có một bất cập là việc dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường phổ thông cũng như ở các trường đại học còn rất nhiều tồn tại cần phải khắc phục.
Đề án ngoại ngữ 2020 đã bắt “mạch” đúng hạn chế của việc dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường nhưng quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn.
Chính vì lẽ đó, từ một đòi hỏi đúng về chủ trương nhưng quá trình thực hiện đã biến việc yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ trở thành một rào cản lớn đối với cá nhân người học.
Trung tâm Dạy nghề Cầu Giấy có chức năng "rà soát" tiếng Anh bậc A2? |
Chất lượng sinh viên về yêu cầu ngoại ngữ (nói chung với đa số các sinh viên và nói riêng với sinh viên ngoại ngữ) ra trường thực sự còn nhiều hạn chế.
Nguyên nhân chúng ta đã để cả một quá trình dạy và học ngoại ngữ ở phổ thông không theo xu thế chung của thế giới.
Mọi yếu kém được bộc lộ ở quá trình tốt nghiệp của sinh viên và xã hội cho rằng các trường đại học đã không thực hiện tốt công tác đào tạo.
Các trường đại học, cao đẳng có một phần trách nhiệm nhưng thực tế là bắt nguồn sâu xa từ cách dạy và học trong nhà trường.
Chính vì lẽ đó, chúng ta phải thay đổi cách dạy và học, nhưng việc này bắt đầu từ đâu là câu hỏi vô cùng khó khăn mà các nhà hoạch định chính sách phải tính toán.
Cá nhân tôi cho rằng việc yêu cầu có thêm chứng chỉ ngoại ngữ là đòi hỏi của xã hội văn minh nhưng những yếu tố tiêu cực đã làm méo mó bản chất của yêu cầu này.
Học ngoại ngữ là một quá trình, nó là một môn học đòi hỏi quá trình tích lũy và thường xuyên sử dụng.
Đây là một rào cản vô cùng lớn để triển khai công tác này nhằm đáp ứng chuẩn thế giới.
Tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, đã công bố chuẩn đầu ra đối với sinh viên nhà trường, theo đó: sinh viên không chuyên ngoại ngữ phải đạt trình độ bậc 3.
Không được bắt buộc tất cả giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học |
Sinh viên ngoại ngữ tiếng Anh hệ cao đẳng phải đạt chuẩn bậc 4 và hệ đại học là bậc 5 theo khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhà trường cho các sinh viên có thể chọn thêm các ngoại ngữ Trung Quốc hoặc Hàn Quốc.
Nhà trường công bố một số chứng chỉ như TOIEC, TOEFT, IELT có giá trị tương đương để sinh viên chủ động trong quá trình học tập".
Qua tìm hiểu có thể thấy, chất lượng đào tạo, công tác đánh giá đối với sinh viên cao đẳng ngoại ngữ ra trường đang tồn tại nhiều bất cập cần thiết phải chỉnh sửa.
Tuy nhiên, cho đến khi có những điều chỉnh phù hợp, sinh viên cao đẳng ngoại ngữ vẫn cứ xác định là "tự bơi" trong xã hội đầy tiêu cực.