Theo quy định của Luật Giáo dục 2019(có hiệu lực từ 01/7/2020), giáo viên mầm non phải có bằng cao đẳng sư phạm, giáo viên tiểu học và giáo viên trung học cơ sở đều phải có bằng cử nhân sư phạm.
Tập huấn nâng cao trình độ giáo viên là việc cần làm thường xuyên (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại). |
Trong thực tế hiện nay, vẫn còn khá nhiều thầy cô giáo chưa đáp ứng được yêu cầu về chuẩn trình độ đào tạo.
Bởi thế, để đáp ứng tiêu chuẩn trình độ được quy định tại Luật Giáo dục 2019 nêu trên, tại Điều 2 của dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất các đối tượng giáo viên chưa đạt chuẩn theo yêu cầu phải thực hiện nâng chuẩn trình độ.
Tuy nhiên, Luật cũng quy định rõ về độ tuổi của giáo viên tính từ ngày 01/7/2020, giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trừ thời gian đào tạo theo quy định, còn đủ 05 năm công tác tính đến tuổi nghỉ hưu sẽ không phải đi học để nâng chuẩn trình độ.
Điều này, vừa là niềm vui, vừa là nỗi băn khoăn, thắc mắc của một số thầy cô giáo thuộc diện được miễn nâng chuẩn.
Liệu không nâng chuẩn theo quy định, giáo viên có bị giảm biên chế hay không?
Điều 6 Nghị định 108 được sửa đổi, bổ sung năm 2018 quy định 2 trường hợp sẽ bị tinh giản biên chế:
- Không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí; Không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ;
- Được cơ quan bố trí việc làm khác, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
Vì thế, dù Luật Giáo dục năm 2019 quy định, giáo viên còn thời hạn 5 năm công tác sẽ không phải đi học để nâng chuẩn trình độ sẽ có nhiều khả năng rơi vào diện tinh giản biên chế hơn những giáo viên đạt chuẩn bởi những lý do mà trong thực tế chúng ta vẫn thường gặp.
Thứ nhất: Khi phân công chuyên môn ở trường, không ít hiệu trưởng cũng sẽ lấy cớ giáo viên chưa đạt chuẩn để không bố trí đứng lớp chính mà phân dạy dự khuyết hoặc làm giáo viên dự bị (thế chỗ khi giáo viên chính vắng mặt do bệnh tật, hội họp)…
Thứ hai: Cuối năm học, những giáo viên thiếu một số văn bằng gì đó vẫn thường bị hiệu trưởng xét đánh giá viên chức thấp hơn những đồng nghiệp có đầy đủ các văn bằng dù công việc dạy dỗ của những thầy cô giáo này có nổi trội hơn.
Thứ ba: Khi trường học dôi dư giáo viên cần bố trí một công việc khác thì những giáo viên chưa đạt chuẩn sẽ bị “chiếu tướng” đầu tiên.
Nếu không nhận nhiệm vụ (vì thường trái với ngành đào tạo) lập tức sẽ nằm trong danh sách tinh giản biên chế ngay lập tức.
Cần có chính sách phù hợp với giáo viên sắp về hưu
Việc nâng chuẩn trình độ giáo viên các cấp cũng không ngoài mục đích nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Từ đó, sẽ nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Một bộ phận giáo viên còn khoảng 5 năm công tác phần lớn là những thầy cô giáo có tay nghề chuyên môn vững vàng, có kinh nghiệm giảng dạy, có tư cách và phẩm chất đạo đức tốt.
Bởi thế, ngành giáo dục cũng cần có những quy định phù hợp với những giáo viên sắp về hưu khi họ không thuộc đối tượng nâng chuẩn nhưng vẫn không bị hiệu trưởng nhà trường làm khó.