Nhiều ngày qua, trang web của Trường ĐH Phan Châu Trinh (Quảng Nam) đã không còn truy cập được, trong khi trước đó nhà trường liên tục cập nhật thông tin về tuyển sinh năm 2012. Đến chiều 6-11, chúng tôi truy cập vào website http://www.pctu.edu.vn chỉ thấy hiện lên những thông tin báo lỗi “xin vui lòng liên hệ với chủ sở hữu trang web: webmaster@pctu.edu.vn”.
Trả lại hồ sơ cho thí sinh
Ngày 5-11, nguồn tin từ lãnh đạo Trường ĐH Phan Châu Trinh cho biết “đến nay nhà trường đã trả hết toàn bộ hồ sơ cho các thí sinh nhập học vào trường năm 2012. Do có quá ít sinh viên nên trường quyết định thôi, không tuyển nữa”. Đến trước thời điểm trả hồ sơ chỉ có vài chục sinh viên đến nhập học, trong khi năm nay nhà trường tuyển sinh tám ngành bậc ĐH chính quy với 500 chỉ tiêu và bốn ngành bậc CĐ 300 chỉ tiêu. Sau đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1 (từ ngày 20-8 đến 20-9), khoảng 60 thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào trường.
Dù có nhiều biện pháp thu hút thí sinh nhưng Trường ĐH Phan Châu Trinh vẫn “ế ẩm” trong tuyển sinh 2012 |
Theo kế hoạch trước đó, nhà trường tiếp tục xét tuyển bổ sung đến ngày 30-11, và đưa ra phương án gom các ngành lại, chỉ đào tạo bốn ngành: kế toán, tài chính ngân hàng, ngôn ngữ Anh và ngôn ngữ Trung. Đồng thời công bố chương trình học bổng Phan Châu Trinh với 100 suất học bổng trị giá 80% học phí, 120 suất trị giá 50% học phí và 150 suất trị giá 30% học phí xét trao cho tân sinh viên. Bộ phận tuyển sinh của trường kỳ vọng với những chính sách học bổng của trường sẽ thu hút được sinh viên. Nhưng đến thời điểm này cho thấy ngay cả biện pháp trên cũng không hấp dẫn được thí sinh.
Chiều 6-11, ông Hoàng Trung Hưng - trưởng phòng tuyển sinh Trường ĐH Phan Châu Trinh - khẳng định không có chuyện trường ngừng tuyển sinh nhưng thừa nhận việc trả hồ sơ cho thí sinh. “Chúng tôi đang rất khó khăn và từng bước giải quyết. Nhà trường chỉ trả lại hồ sơ của thí sinh nộp vào các ngành khối A vì không đủ sĩ số sinh viên để mở lớp, nhưng vẫn giữ lại khoảng 20 sinh viên ngành ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Trung...” - ông Hưng cho biết.
Cũng theo ông Hưng, ông Nguyên Ngọc - chủ tịch hội đồng quản trị nhà trường - mới đây đã tổ chức cuộc họp tất cả cán bộ, giảng viên khẳng định nếu tuyển được 1-2 sinh viên cũng dạy.
Nguồn tin của Tuổi Trẻ từ Bộ GD-ĐT cho hay bộ chưa nhận được báo cáo cụ thể nào từ Trường ĐH Phan Châu Trinh về những định hướng thay đổi của nhà trường. Trong trường hợp trường có thay đổi về chức năng, nhiệm vụ... trường sẽ phải báo cáo cả Bộ GD-ĐT và UBND tỉnh Quảng Nam để có ý kiến chỉ đạo cụ thể.
Chưa biết xoay xở ra sao
Trước đó, Trường ĐH Tân Tạo (Long An) cũng công bố kết thúc tuyển sinh năm 2012 với 29 tân sinh viên nhập học. Trong đó ngành kinh doanh quốc tế có số sinh viên nhập học đông nhất là 16, ngành quản trị kinh doanh 6 sinh viên... trong khi năm nay trường thông báo tuyển sinh tám ngành với 500 chỉ tiêu. Trước kỳ tuyển sinh năm nay, nhà trường công bố dành 500 suất học bổng toàn phần (3.000 USD/sinh viên/năm) cho tất cả sinh viên năm 1 nhưng vẫn không hấp dẫn được thí sinh. Tuy nhiên, GS Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng nhà trường, cho biết dù ít sinh viên trường vẫn tổ chức giảng dạy bình thường.
Tại Trường ĐH Phú Xuân (Thừa Thiên - Huế) cũng buồn không kém, chỉ tiêu tuyển sinh của chín ngành ĐH và sáu ngành CĐ là 1.000 nhưng chỉ có 75 hồ sơ đăng ký dự thi nguyện vọng 1 và một thí sinh trúng tuyển. Tính đến nay trường chỉ đón nhận vài trăm sinh viên khóa mới đến nhập học. “Chưa năm nào trường chúng tôi lại gặp khó khăn trong tuyển sinh như năm nay. Thật sự nhà trường chưa biết phải xoay xở ra sao để tổ chức giảng dạy” - một cán bộ phụ trách đào tạo nhà trường lo lắng.
Bên cạnh đó, hiện còn không ít trường ĐH tư thục khác cũng đang vật vã trong khâu tuyển sinh như Trường ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam), Trường ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định), Trường ĐH Thái Bình Dương (Khánh Hòa), Trường ĐH Tây Đô (Cần Thơ)... Tất cả những trường này sau hai, ba đợt xét tuyển bổ sung cũng chỉ có vài chục đến vài trăm sinh viên nhập học.
Không thay đổi cơ cấu ngành nghề, nhiều trường sẽ gặp khó
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng một nguyên nhân quan trọng là do các trường này lâu nay quá tập trung vào ngành quản lý - kinh tế, mà nay số lượng thí sinh dự thi vào ngành này sụt giảm nên chịu ảnh hưởng nặng nề. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay không chỉ trường ngoài công lập, mà cả trường công lập có uy tín như Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng năm nay cũng gặp khó khăn, khi đây là năm đầu tiên gọi trúng tuyển NV1 với điểm chuẩn thấp hơn năm ngoái mà không đủ chỉ tiêu, chỉ đạt khoảng 75%.
“Để thỏa mãn quy luật cung cầu lao động, các trường cần có chiến lược phát triển ngành nghề phù hợp. Một ngành năm nay tuyển sinh tốt không có nghĩa những năm sau ngành ấy cũng tiếp tục tuyển sinh tốt. Nếu các trường không tạo dựng được uy tín, xây dựng được thương hiệu và không có chiến lược thay đổi về cơ cấu ngành nghề và chương trình đào tạo, thì sẽ tiếp tục gặp khó khăn vì thí sinh ngày càng ý thức về lựa chọn ngành nghề” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định.
NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT |
|
GS Nguyễn Xuân Hãn "bóc" chuyện lãng phí tiền tỷ từ sách giáo khoa |
|
Việt Nam không tự thiết kế được hệ thống giáo dục hoàn chỉnh? (kỳ 3) |
ĐIỂM NÓNG |
|