Nhiều trường đại học dừng việc tổ chức kỳ thi riêng là điều dễ hiểu!

07/05/2020 06:43
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Nhằm giảm áp lực cho thí sinh trong bối cảnh dịch Covid-19, một số trường đại học đã thông báo dừng việc tổ chức kỳ thi riêng.

Sau khi tên gọi của kỳ thi được thay đổi từ “kỳ thi trung học phổ thông quốc gia” thành “kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông” năm 2020 đã có nhiều ý kiến băn khoăn rằng, kỳ thi tốt nghiệp thì kết quả không đảm bảo làm cơ sở để tuyển sinh đại học nên nhiều trường dự kiến tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển. 

Tuy nhiên đến ngày 4/5, nhằm giảm áp lực cho thí sinh trong bối cảnh dịch Covid-19, một số trường đại học đã thông báo dừng việc tổ chức kỳ thi riêng mà phương thức xét tuyển chính sẽ dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay. 

Cụ thể, Đại học Quốc gia Hà Nội quyết định không triển khai kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh riêng, để giảm áp lực cho thí sinh do phải tham dự nhiều kỳ thi trong tình hình dịch Covid-19 kéo dài.

Nhà trường sẽ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển và ổn định phương án tuyển sinh như năm 2019.

Bên cạnh đó, trường cũng mở rộng đối tượng xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, việc nhiều trường đại học dừng việc tổ chức kỳ thi riêng là điều dễ hiểu! (Ảnh: Tùng Dương/giaoduc.net.vn)
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, việc nhiều trường đại học dừng việc tổ chức kỳ thi riêng là điều dễ hiểu! (Ảnh: Tùng Dương/giaoduc.net.vn)

Và Trường Đại học Ngoại thương cũng thông báo dừng việc tổ chức kỳ thi riêng phối hợp Đại học Quốc gia Hà Nội.

Theo đó, chỉ tiêu tuyển sinh của phương thức xét tuyển này sẽ được chuyển sang chỉ tiêu của phương thức xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi trung học phổ thông; phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020.

Đối với phương thức xét điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trường Đại học Ngoại thương dựa trên các tổ hợp và cách tính điểm xét tuyển tương tự năm 2019.

Trước sự thay đổi này, chia sẻ với phóng viên Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, về cơ bản kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 chẳng có gì khác với kỳ thi trung học phổ thông quốc gia các năm 2018 và 2019 nên không gây khó khăn cho thí sinh nên việc “dừng việc tổ chức kỳ thi riêng” của nhiều trường là điều dễ hiểu.  

Giáo sư Trần Hồng Quân: Học bạ chỉ nên là cơ sở để các trường đại học tham khảo

Bởi lẽ theo thầy Khuyến, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn được triển khai thống nhất trên toàn quốc, Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị đề thi cho các địa phương, quy định quy trình tổ chức thi, barem chấm điểm và các môn thi cũng y nguyên như các năm trước. 

Chỉ khác là do tình hình dịch Covid-19 nên Bộ hướng dẫn tinh giản nội dung dạy học và đề thi sẽ giảm độ khó so với năm trước, nhưng vẫn đảm bảo độ phân hóa phù hợp. 

Chính vì vậy, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn đảm bảo kết quả thi chính xác, khách quan, tin cậy để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và kết quả của kỳ thi cũng có thể được các trường đại học, cao đẳng sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Thầy Khuyến nói thêm, một kỳ thi chỉ để đánh giá tốt nghiệp trung học phổ thông thì chỉ có 2 mức: Đạt và Không đạt chứ đã có thang điểm là đề thi có sự phân hóa. Do đó các trường đại học hoàn toàn có thể dựa vào mức độ phân hóa đó để xét tuyển. 

Ví dụ mức điểm tối đa của một bài thi là 10 điểm (tính theo thang điểm 10) thì yêu cầu đặt ra là thí sinh chỉ cần 5 điểm/ bài thi là đủ điểm tối thiểu đỗ, như vậy điểm từ 5-10 chính là sự phân hóa, đánh giá được thí sinh nào đạt yêu cầu, thí sinh nào đạt xuất sắc. 

Hơn nữa, theo thầy Khuyến, để chuẩn bị một kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ công tác tuyển sinh không hề dễ dàng bởi đòi hỏi sự chuyên nghiệp và nguồn tài chính lớn. 

Cụ thể, thầy Khuyến nói, khác với trường sư phạm thì đội ngũ giảng viên của cơ sở giáo dục đại học có kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành mà mình giảng dạy, quản lý trong khi học sinh thi các môn văn hóa do đó nếu muốn tổ chức kỳ thi riêng thì trường đại học phải thuê đội ngũ làm đề thi, chấm thi…rất tốn kém. 

Hơn nữa, nếu trong quá trình tổ chức thi mà xảy ra rủi ro, tiêu cực về đề thi, khâu tổ chức thi thì người đứng đầu cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm nên họ phải tính toán lại. 

“Nếu đã tổ chức kỳ thi riêng thì phải đảm bảo công bằng, chuyên nghiệp từ khâu xây dựng đề thi đến chấm thi chứ không phải làm lấy được thì giá trị của kỳ thi mới hiệu quả”, thầy Khuyến nhấn mạnh. 

Được biết, về vấn đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh cao đẳng, đại học năm 2020, tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 5/5, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Hữu Độ cho biết, thi tốt nghiệp trung học phổ thông là kỳ thi hoàn toàn có thể đánh giá kết quả 12 năm học phổ thông củahọc sinh.

Đề thi năm nay được thiết kế theo tinh thần chương trình được tinh giản, sẽ giảm độ khó nhưng vẫn có độ phân loại để đánh giá chuẩn xác học sinh khá, giỏi, trung bình đảm bảo cho các trường sử dụng làm căn cứ tuyển sinh.


Thùy Linh