Nhiều trường đại học tại TP.HCM khuyết vị trí hiệu trưởng thời gian dài

13/12/2023 09:06
Nguyên Phương (tổng hợp)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nhiều trường đại học hiện đang bỏ trống vị trí hiệu trưởng. Trong đó, có những trường từng gặp phải "lùm xùm" trong công tác bổ nhiệm cán bộ.

Hiệu trưởng là vị trí lãnh đạo chủ chốt trong trường đại học, là người có vai trò quản lý, điều hành hoạt động của nhà trường theo quy định, đồng thời cũng là người nắm giữ vai trò đại diện pháp luật và chủ tài khoản của cơ sở giáo dục đại học.

Thế nhưng, hiện nay, nhiều trường đại học không có hiệu trưởng chính thức trong suốt một thời gian dài. Theo đó, một số trường chỉ có Quyền hiệu trưởng cũng có trường chỉ có phó hiệu trưởng phụ trách trường. Đây là một thực tế đang xảy ra ở không ít cơ sở giáo dục đại học.

Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh khuyết Hiệu trưởng nhiều năm. Ảnh minh họa: Website nhà trường

Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh khuyết Hiệu trưởng nhiều năm. Ảnh minh họa: Website nhà trường

Hiện tại, Ban Giám hiệu của Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Quốc Đạt – Phó Hiệu trưởng phụ trách trường và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Bắc – Phó Hiệu trưởng nhà trường.

Trường rơi vào tình trạng khuyết Hiệu trưởng từ ngày 16/7/2020, khi Bộ Y tế tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Hội đồng Trường và Giáo sư, Tiến sĩ Trần Diệp Tuấn nhận quyết định công nhận Chủ tịch Hội đồng trường. Trước đó, Giáo sư Trần Diệp Tuấn giữ chức vụ hiệu trưởng nhà trường.

Sau khi Giáo sư Trần Diệp Tuấn giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng trường, từ tháng 11/2020, việc điều hành trường được giao cho thầy Phó Hiệu trưởng là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Bắc. Tháng 8/2022, Hội đồng Trường ĐH Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã bổ nhiệm Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Quốc Đạt làm Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Ngày 6/4/2023, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh công bố quyết định bổ nhiệm ông Ngô Quốc Đạt thay ông Nguyễn Hoàng Bắc làm Phó Hiệu trưởng phụ trách trường.

Trước đó, ngày 05/4/2021, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố bổ nhiệm Phó Giáo sư Ngô Quốc Đạt và Tiến sĩ Hà Mạnh Tuấn làm Phó Hiệu trưởng.

Tuy nhiên, sau đó, Hội đồng trường Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh phải dừng việc bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng đối với Phó Giáo sư Ngô Quốc Đạt và Tiến sĩ Hà Mạnh Tuấn. Lý do vì lãnh đạo Bộ Y tế (cơ quan chủ quản) kết luận: quy trình bổ nhiệm của trường không đúng quy chế, bởi trường chưa có Hiệu trưởng để đề xuất bổ nhiệm; thành phần tham gia các bước không đúng quy định. Đồng thời Bộ Y tế đề nghị trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh chủ động thu hồi quyết định bổ nhiệm.

Những khó khăn, vướng mắc trong bổ nhiệm cán bộ khi khuyết vị trí hiệu trưởng cũng xảy ra với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh bị khuyết hiệu trưởng từ khi Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng trường nghỉ hưu, hết tuổi quản lý từ ngày 1/5/2021.

Trước khi Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng hết tuổi quản lý, Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh có nghị quyết về việc đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh - Trưởng khoa Cơ khí chế tạo máy làm Hiệu trưởng nhiệm kì 2020-2025.

Thế nhưng, nghị quyết này không được Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp nhận.

Câu chuyện lùm xùm trong bổ nhiệm cán bộ ở Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh kéo dài trong thời gian dài, đến cuối tháng 10/2021 Phó Giáo sư Ngô Văn Thuyên, người tái đắc cử Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đã có đơn từ chức với lý do sức khoẻ không tốt để hoàn thành tốt sứ mệnh quản trị, xây dựng và thực hiện chiến lược để phát triển trường như mong đợi.

Cuối tháng 11/2021, Phó Giáo sư Ngô Văn Thuyên được 12/13 thành viên Hội đồng trường đồng ý cho thôi chức nhưng đến 4 tháng sau, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành quyết định công nhận miễn nhiệm chức vụ này với Phó Giáo sư Thuyên.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh khi đó khuyết vị trí Hiệu trưởng, đồng thời không có Chủ tịch Hội đồng trường. Hệ quả của khó khăn trong công tác bổ nhiệm cán bộ là hàng nghìn sinh viên, học viên đã tốt nghiệp các hệ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ trong một năm của trường chưa được cấp bằng vì chưa có Hiệu trưởng để ký.

Đến tháng 5/2022, Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã họp và thống nhất giao Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hiếu Giang, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường đến 31/10/2022 để giải quyết các vấn đề cấp bách, trong đó có nhiệm vụ ký bằng tốt nghiệp cho sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh đủ điều kiện tốt nghiệp.

Phó Giáo sư Lê Hiếu Giang tiếp tục được giao phụ trách trường lần 2 từ ngày 1/11/2022 đến 31/10/2023.

Từ 1/11/2023, Phó Giáo sư Lê Hiếu Giang – Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường giữ chức Quyền hiệu trưởng nhà trường cho tới ngày 31/10/2024.

Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh cũng để trống vị trí Hiệu trưởng từ năm 2020 đến nay, kể từ khi Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hay nghỉ hưu.

Từ đó, việc điều hành trường được giao cho Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Thanh Hùng - Phó Hiệu trưởng phụ trách trường. Đến ngày 9/1/2021, Phó Giáo sư Huỳnh Thanh Hùng được giao nhiệm vụ quyền hiệu trưởng.

Còn tại Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng khuyết vị trí hiệu trưởng từ ngày 31/8/2023, khi ông Trần Tiến Khoa hết nhiệm kỳ, thôi giữ chức vụ Hiệu trưởng.

Hiện nay, ông Đinh Đức Anh Vũ - Phó Hiệu trưởng đang được giao phụ trách trường từ ngày 1/9/2023.

Tại Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, cuối tháng 11 vừa qua, Hội đồng trường nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã trao nghị quyết giao nhiệm vụ phụ trách trường cho Tiến sĩ Trịnh Đăng Khoa (48 tuổi, quê An Giang, Phó hiệu trưởng).

Quyết định này được đưa ra sau khi ông Nguyễn Thế Dũng, Hiệu trưởng nghỉ hưu từ ngày 1/10 do hết tuổi quản lý.

Ông Trịnh Đăng Khoa, Phó hiệu trưởng phụ trách là người đứng tên chủ tài khoản của đơn vị, thực hiện việc ký văn bằng và chứng chỉ cho người học cũng như thực hiện các hoạt động của trường, chi trả lương và thu nhập cho viên chức, người lao động...

Hiện nay, Ban giám hiệu nhà trường gồm có 2 người, gồm Tiến sĩ Trịnh Đăng Khoa, Phó hiệu trưởng phụ trách và Tiến sĩ Lê Thị Thanh Thủy, Phó hiệu trưởng.

Trước đó, nhiều trường đại học cũng rơi vào tình trạng khuyết hiệu trưởng. Điển hình như Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 9/2023 mới có Hiệu trưởng sau 5 năm khuyết vị trí này, kể từ khi Giáo sư Mai Hồng Quỳ kết thúc hai nhiệm kì, thôi làm Hiệu trưởng vào năm 2018.

Điều 20, Luật 34/2018/QH14 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, quy định:

“Hiệu trưởng trường đại học, giám đốc đại học (gọi chung là hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học) là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.

Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận; hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định bổ nhiệm.

Nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm của hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định trong phạm vi nhiệm kỳ của hội đồng trường, hội đồng đại học".

Nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học được quy định như sau:

- Là người đại diện theo pháp luật và là chủ tài khoản của cơ sở giáo dục đại học, trừ trường hợp quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận có quy định khác;

- Tổ chức thực hiện hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, hợp tác trong nước, quốc tế, hoạt động khác theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học và quyết định của hội đồng trường, hội đồng đại học;

- Trình văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của hội đồng trường, hội đồng đại học sau khi tổ chức lấy ý kiến của tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong cơ sở giáo dục đại học; ban hành quy định khác của cơ sở giáo dục đại học theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học;

- Đề xuất hội đồng trường, hội đồng đại học xem xét bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm chức danh quản lý thuộc thẩm quyền của hội đồng trường, hội đồng đại học; thực hiện bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm chức danh quản lý khác của cơ sở giáo dục đại học, quyết định dự án đầu tư theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học;

- Hằng năm, báo cáo trước hội đồng trường, hội đồng đại học về kết quả thực hiện nhiệm vụ của hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học và ban giám hiệu, tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học; thực hiện công khai, minh bạch thông tin; thực hiện chế độ báo cáo và chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền; thực hiện trách nhiệm giải trình trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn được giao;

- Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước hội đồng trường, hội đồng đại học và các bên liên quan; chịu sự giám sát của cá nhân, tổ chức có liên quan về việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn được giao”.

Điểm đ, khoản 2, điều 16 Luật 34 quy định: Hội đồng trường có quyền “Quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học”

Khoản 1 Điều 20, Luật 34 quy định: “Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận”.

Tuy nhiên, Nghị định 115/2020/NĐ-CP Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (áp dụng với các đơn vị sự nghiệp công lập) có quy định thực hiện quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ theo 5 bước:

Bước 1: Trên cơ sở chủ trương bổ nhiệm, yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị và nguồn nhân sự trong quy hoạch, tập thể lãnh đạo thảo luận và đề xuất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự.

Bước 2: Tập thể lãnh đạo mở rộng thảo luận và thống nhất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự và tiến hành giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín.

Bước 3: Tập thể lãnh đạo, căn cứ vào cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ và khả năng đáp ứng của viên chức; trên cơ sở kết quả giới thiệu nhân sự ở bước 2, tiến hành thảo luận và giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín.

Bước 4: Tổ chức lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt về nhân sự được tập thể lãnh đạo giới thiệu ở bước 3 bằng phiếu kín.

Bước 5: Tập thể lãnh đạo thảo luận và biểu quyết nhân sự.

Ngoài ra, Nghị định 115 cũng có quy định chung về quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự từ nơi khác (Trường hợp nhân sự do đơn vị sự nghiệp công lập đề xuất và Trường hợp nhân sự do cơ quan cấp trên có thẩm quyền dự kiến bổ nhiệm từ nguồn nhân sự ngoài đơn vị).

Nguyên Phương (tổng hợp)