Nhiều trường học ở Tuyên Quang không có nhân viên thiết bị, thí nghiệm

21/03/2023 06:50
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Tuyên Quang kiến nghị không thực hiện tinh giản biên chế, đồng thời bổ sung đủ số người làm việc còn thiếu; cấp kinh phí hỗ trợ, hoặc chi tiền dạy thêm giờ cho GV.

Nguồn lực đầu tư cho giáo dục còn hạn chế, giá sách cao so với thu nhập

Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã có báo cáo gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn.

Trong báo cáo này, Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14, ngành giáo dục tỉnh tiếp tục phát triển ổn định.

Một trong những kết quả tích cực được ghi nhận trong báo cáo là Ủy ban nhân dân tỉnh thường xuyên chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, các sở, ngành liên quan, các tổ chức chính trị xã hội căn cứ chức năng nhiệm vụ để phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, luôn quan tâm tới sự nghiệp phát triển giáo dục trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách đặc thù cho người dạy và người học, nhằm góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục học sinh.

Việc bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng, được quan tâm thực hiện theo đúng chủ trương, nhiệm vụ, đặc biệt từ năm 2020 khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu được triển khai thực hiện, ngân sách địa phương đã ưu tiên bố trí để thực hiện các nhiệm vụ, đảm bảo triển khai hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang nhiệm kỳ 2020-2025.

Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng tồn tại một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc: số lượng người làm việc được giao ở các cấp học trên địa bàn tỉnh đều thấp hơn so với nhu cầu và định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (tỉ lệ giáo viên/lớp ở cấp tiểu học là 1,31; trung học cơ sở là 1,6; trung học phổ thông là 2,04. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉ lệ này phải lần lượt là: 1,5; 1,9 và 2,25). Mặc dù đã có các giải pháp để bổ sung, điều chỉnh biên chế, tình trạng thiếu giáo viên vẫn đang là khó khăn lớn đối với địa phương.

Tỉ lệ giáo viên/lớp cấp tiểu học thấp (năm học 2022-2023 là 1,31 giáo viên/lớp) nên việc thực hiện học 2 buổi/ngày rất khó khăn. Ảnh minh họa: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang.
Tỉ lệ giáo viên/lớp cấp tiểu học thấp (năm học 2022-2023 là 1,31 giáo viên/lớp) nên việc thực hiện học 2 buổi/ngày rất khó khăn. Ảnh minh họa: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang.

Ngoài ra, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh hiện nay không có nhân viên thiết bị, thí nghiệm (cấp tiểu học, trung học cơ sở mới có 53 nhân viên/276 trường), ảnh hưởng đến chất lượng dạy thực hành và sử dụng thiết bị dạy học được trang cấp cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Năm học 2022-2023, sau khi đã được Bộ Chính trị bổ sung 1.246 vị trí biên chế người làm việc cho tỉnh, số lượng giáo viên tối thiểu còn thiếu 1.986; trong đó, đối với mầm non là 1.297 người; tiểu học 295 người; trung học cơ sở 267 người; trung học phổ thông 127 người.

Thiếu giáo viên Tiếng Anh và Tin học để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 do hết chỉ tiêu biên chế và thiếu nguồn tuyển. Tuyên Quang là tỉnh miền núi điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nên việc thu hút đội ngũ giáo viên, sinh viên có trình độ cao còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực của tỉnh...

Tỉ lệ giáo viên/lớp cấp tiểu học thấp (năm học 2022-2023 là 1,31 giáo viên/lớp) nên việc thực hiện học 2 buổi/ngày rất khó khăn (tỉ lệ học sinh toàn cấp được học 2 buổi/ngày là 51,1%, trong đó các lớp 1,2,3 là 61,54%).

Bên cạnh đó, còn một số giáo viên chậm đổi mới phương pháp dạy học, lúng túng trong xác định và lựa chọn, tổ chức các hoạt động học phù hợp để phát triển được năng lực và phẩm chất học sinh, chưa khuyến khích, tạo động lực cho học sinh chủ động trong việc tìm hiểu và làm chủ kiến thức.

Năng lực của một số cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục; trình độ của giáo viên dạy môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chưa đáp ứng được yêu cầu.

Cơ sở vật chất ở một số đơn vị còn thiếu, số phòng học tạm, mượn còn tương đối nhiều, ảnh hưởng đến việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Cụ thể: Phòng học tạm còn 76, mượn 148; phòng hỗ trợ học tập tạm còn 107, mượn 27; phòng hành chính quản trị tạm còn 215, mượn 16; phòng phụ trợ tạm còn 408, mượn: 23; khối phục vụ sinh hoạt, phòng tạm còn 44.

Nguồn lực đầu tư cho giáo dục còn hạn chế nên tỉ lệ phòng học kiên cố ở các cấp học còn thấp (hiện chỉ đạt 60%); tỉ lệ thiết bị dạy học đáp ứng nhu cầu dạy học còn thấp (cấp mầm non đáp ứng được 60%, tiểu học 46%, trung học cơ sở 39%, trung học phổ thông 40%).

Trong báo cáo này cũng đề cập đến đánh giá về sách giáo khoa giáo dục phổ thông và việc xây dựng tài liệu giáo dục địa phương.

Theo đó, sách giáo khoa cơ bản được xây dựng bám sát chương trình với trọng tâm là chuyển mục tiêu giáo dục từ truyền thụ kiến thức sang giúp học sinh hình thành, phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực...

Tuy nhiên, một số nội dung, thuật ngữ được sử dụng trong các bản mẫu sách giáo khoa chưa đảm bảo tính liên thông giữa các môn học/hoạt động giáo dục. Tiến trình nội dung bài học của các bản mẫu sách giáo khoa trong một môn học còn có sự chênh lệch đáng kể giữa các bộ sách giáo khoa khác nhau. Bên cạnh đó, ngữ liệu, hình ảnh được sử dụng trong một số sách giáo khoa chưa được chọn lọc, tinh giản. Cấu trúc giữa các bài học trong một số sách giáo khoa chưa đảm bảo đủ các thành phần theo đúng quy định.

Về giá sách giáo khoa, hiện nay là cao so với mức thu nhập bình quân của người dân Tuyên Quang, nhất là đối với học sinh ở những xã vùng sâu, vùng xa.

Về tài liệu giáo dục địa phương, ngành giáo dục tỉnh đã hoàn thiện công tác tập huấn sử dụng tài liệu cho cán bộ quản lý và giáo viên trước khi thực hiện. Tuy nhiên, do vướng mắc trong khâu xác định giá và tổ chức phát hành tài liệu giáo dục địa phương, ngành giáo dục đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tạm thời sử dụng bản PDF đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để giảng dạy cho học sinh.

Học sinh Tuyên Quang tham gia cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật cấp trường năm học 2022-2023. Ảnh: Trường Trung học phổ thông Kim Xuyên.

Học sinh Tuyên Quang tham gia cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật cấp trường năm học 2022-2023. Ảnh: Trường Trung học phổ thông Kim Xuyên.

Đảm bảo đầy đủ chính sách, chế độ cho liên quan đến học sinh, giáo viên

Từ những khó khăn, hạn chế trong triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đề xuất các nhóm giải pháp khắc phục để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong những năm tới.

Thứ nhất, tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và hành động trong triển khai, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.

Thứ hai, tiếp tục tham mưu rà soát, thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; tuyển dụng bổ sung số lượng người làm việc cho các cấp học trên địa bàn tỉnh 1.246 người theo Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị.

Thứ ba, đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở vật chất trường học; đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ thuộc sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề theo quy định của pháp luật hiện hành, đặc biệt là các chính sách liên quan tới học sinh và giáo viên.

Thứ tư, tập trung đầu tư các trường học theo hệ thống giáo dục quốc dân trong toàn tỉnh từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đến giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục đại học và hệ thống trường đào tạo nghề.

Thứ năm, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của chương trình giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học; tổ chức thực hiện đổi mới căn bản hình thức và phương pháp kiểm tra, thi và đánh giá chất lượng giáo dục, bảo đảm trung thực, khách quan, chính xác, theo yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Hội thảo trao đổi công tác chuyên môn bậc tiểu học, trung học cơ sở được tổ chức tháng 2/2023 tại Tuyên Quang. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang.

Hội thảo trao đổi công tác chuyên môn bậc tiểu học, trung học cơ sở được tổ chức tháng 2/2023 tại Tuyên Quang. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang.

Thứ sáu, đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục đào tạo; tăng quyền tự chủ và chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, đào tạo, coi trọng quản lý chất lượng.

Thứ bảy, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo.

Bổ sung nhân lực, đảm bảo kinh phí, chi tiền dạy thêm giờ cho giáo viên

Không chỉ đưa ra các giải pháp để khắc phục những vướng mắc còn tồn tại, Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang cũng đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cụ thể, đối với Chính phủ: Tiếp tục bổ sung thêm biên chế sự nghiệp cho ngành giáo dục, để đảm bảo có đủ đội ngũ thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Không thực hiện tinh giản biên chế giáo viên ở những tỉnh còn thiếu giáo viên như Tuyên Quang, đồng thời bổ sung đủ số người làm việc còn thiếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục của tỉnh do tăng số lớp, số học sinh; hoặc cấp kinh phí hỗ trợ theo định mức biên chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo để các cơ sở giáo dục công lập hợp đồng thêm người làm việc hoặc chi tiền dạy thêm giờ cho giáo viên theo quy định, đặc biệt để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học và dạy Tiếng Anh, Tin học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp với các bộ liên quan sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BGDĐT-BYT-BKHCN ngày 16/6/2011 hướng dẫn tiêu chuẩn bàn ghế học sinh trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông theo hướng tăng kích cỡ bàn, ghế học sinh cho phù hợp với thể trạng của học sinh các cấp học phổ thông hiện nay.

Bên cạnh đó, tổ chức đánh giá việc triển khai Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025.

Từ đó, có những kiến nghị, đề xuất với Chính phủ nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện. Đặc biệt trong việc phân bổ vốn đầu tư triển khai thực hiện Đề án kiên cố hoá trường, lớp học giai đoạn 2021-2025.

Ngoài ra, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết về trình tự, thủ tục phát hành tài liệu giáo dục địa phương để đảm bảo thực hiện thống nhất giữa các địa phương và theo đúng quy định của pháp luật.

Mộc Trà