Nhiều trường vùng cao mòn mỏi chờ cấp trang thiết bị dạy học CTGDPT mới

18/11/2022 06:56
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Thầy giáo Đinh Ngọc Linh: Các bộ, ban, ngành cần đầu tư đồng bộ về CSVC, cung cấp đầy đủ trang thiết bị dạy học chương trình mới cho các nhà trường.

Ngoài giáo viên thì cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự thành công của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, khi sắp hết học kỳ 1, nhiều trường học vẫn xảy ra hiện tượng thiếu trang thiết bị dạy học tối thiểu, cơ sở vật chất nhà trường xuống cấp.

Không có máy tính, thầy và trò dạy chay, học chay

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy giáo Bùi Văn Nhiệt - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Hua Bum (Lai Châu) cho biết, sau một thời gian triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1,2,3 nhà trường thấy rõ được sự thay đổi của học sinh. Cụ thể, học sinh mạnh dạn, chủ động hơn việc trao đổi với giáo viên.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Hua Bum. Ảnh: NVCC

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Hua Bum. Ảnh: NVCC

Ghi nhận thuận lợi, tuy nhiên, thầy Nhiệt cũng chia sẻ một số khó khăn trường đang gặp phải như về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

Hiện tại, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Hua Bum không có máy tính và phòng môn Tin học. Chính vì vậy, mỗi khi đến tiết dạy, trường sử dụng phòng học văn hóa để giảng dạy môn đặc thù này. Đồng thời, trường chọn giáo viên văn hóa có khả năng chuyên môn giỏi nhất về công nghệ thông tin để tiến hành giảng dạy cho học sinh.

“Vì không đúng chuyên ngành và không được đào tạo sâu về chuyên môn nên các giáo viên kiêm nhiệm dạy thêm môn Tin học cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Chưa kể, không có máy tính nên thầy và trò phải dạy chay, học chay, không được thực hành gây ảnh hưởng tới quá trình tiếp thu kiến thức và vận dụng của học sinh”, thầy Nhiệt cho hay.

Còn riêng đối với môn tiếng Anh, vì không có giáo viên tiếng Anh, nhà trường phải liên kết với Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Trung học cơ sở Nậm Ban. Sau khi có sự thống nhất, cô giáo dạy tiếng Anh của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Trung học cơ sở Nậm Ban sẽ dạy tăng cường cho Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Hua Bum và Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Trung học cơ sở Hua Bum.

Vì phải dạy 3 trường nên bản thân giáo viên cũng gặp nhiều khó khăn như về sắp xếp lịch dạy, đi lại.

“Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Trung học cơ sở Nậm Ban và Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Hua Bum cách nhau 35km. Khoảng cách xa nên trước đó ban giám hiệu hai trường cũng đã thống nhất với nhau, riêng với môn tiếng Anh sẽ tiến hành dạy cuốn chiếu.

Giáo viên tiếng Anh sẽ tổ chức dạy học ở các trường khác đến ngày 20 hàng tháng, còn lại 10 ngày cuối tháng sẽ dạy bên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Hua Bum.

Không chỉ khó khăn về vấn đề đi lại, giáo viên và nhà trường còn khó khăn trong việc sắp xếp lịch dạy phù hợp. Trong quá trình tổ chức xếp thời khóa biểu cũng có sự chồng chéo”, thầy Nhiệt trăn trở.

Hiện nay, phòng học của nhà trường đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư tu sửa và xây mới. Vì vậy, trường phải sử dụng nhà hiệu bộ cho các lớp ít học sinh học. Diện tích phòng bé, Không gian không đảm bảo dẫn tới việc hoạt động chia nhóm học tập cũng khó khăn, giáo viên sẽ phải bỏ ra nhiều công sức để sắp xếp, tổ chức dạy học hơn.

Một số phòng học của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Hua Bum đã xuống cấp. Ảnh: NVCC

Một số phòng học của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Hua Bum đã xuống cấp. Ảnh: NVCC

“Một trong những cái khó của giáo viên vùng cao là việc bất đồng ngôn ngữ. Học sinh ở trường hầu hết là dân tộc Mảng, các em học sinh lớp 1, lớp 2 còn nhỏ nên chưa được tiếp xúc nhiều với tiếng phổ thông. Chính vì vậy, nhiệm vụ của giáo viên nhiều hơn, vừa dạy kiến thức vừa phổ biến tiếng phổ thông cho các em làm quen dần”, thầy Nhiệt chia sẻ.

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Hua Bum có 1 điểm trường chính và 6 điểm trường lẻ. Có 2 điểm trường lẻ xa trung tâm đó là điểm trường Nậm Tảng cách trung tâm 75km và điểm trường Nậm Cười cách 50-60km. Hiện tại, nhà trường đã tiến hành đưa hết học sinh về điểm trường chính để các em được hưởng cơ sở vật chất đầy đủ và tốt hơn. Tuy nhiên, ngay ở điểm trường chính nhà trường cũng vô cùng thiếu thốn, vì vậy, thầy Nhiệt hi vọng các cấp chính quyền đầu tư hơn đến các trường vùng cao, bổ sung kịp thời các trang thiết bị cơ bản đặc biệt là máy tính để các em được thực hành, vận dụng.

Mòn mỏi chờ cấp trang thiết bị dạy học chương trình giáo dục phổ thông mới

Cùng những trăn trở về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học, thầy giáo Đinh Ngọc Linh - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Trung học cơ sở Thu Lũm (Lai Châu) cho biết, hiện tại, trường đang chờ Phòng Giáo dục và Đào tạo mua, cấp trang thiết bị dạy học mới đối với lớp 7.

Trong lúc chờ được cấp mới, nhà trường phải sử dụng các trang thiết bị cũ của chương trình giáo dục phổ thông 2006 và giảng dạy cho học sinh thông qua tranh, ảnh hoặc mô phỏng bằng video, clip. Ngoài ra, trường cũng khuyến khích giáo viên bộ môn tự sáng chế, làm thêm các trang thiết bị cơ bản phục vụ việc dạy của mình.

Khi triển khai chương trình mới, sẽ có những trang thiết bị cũ không dùng đến và không còn phù hợp, nhà trường sẽ làm đơn đề nghị để thanh lý tránh lãng phí.

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Trung học cơ sở Thu Lũm đang có 10 máy tính, thiếu khoảng 15 máy so với yêu cầu, vì vậy trong các tiết Tin học, giáo viên phải sắp xếp 2-3 học sinh/máy.

Theo thầy Linh, ngoài thiếu thốn về trang thiết bị dạy học, khó khăn lớn nhất hiện nay của nhà trường là cơ sở vật chất cho các em học sinh ăn, ở bán trú.

Năm nay, khu bán trú của nhà trường được tiến hành đầu tư xây mới 12 phòng ở bán trú. Trong lúc chờ đợi dự án hoàn thành, trường đã sắp xếp, bố trí một số lớp học đã xuống cấp không dùng đến làm phòng ở bán trú cho các em. Nhà trường có 218 học sinh, 166 em ở bán trú, bình quân 30 em/phòng rất chật chội, khó khăn cho việc sinh hoạt hàng ngày. Dự kiến phải đến năm học sau các em học sinh mới được ở trong khu bán trú mới.

Về giáo viên, so với số biên chế lớp học theo quy định, trường vẫn đang thiếu 3 giáo viên, trong đó thiếu 1 giáo viên Ngữ văn; 1 giáo viên Toán - Lý; 1 giáo viên tiếng Anh. Để khắc phục nhà trường sắp xếp, bố trí cho giáo viên dạy thêm giờ, thêm tiết và chi trả đầy đủ công dạy thêm giờ cho giáo viên.

“Sau thời gian triển khai giảng dạy chương trình mới đối với lớp 6 và lớp 7, tôi thấy nội dung, kiến thức của chương trình thiết thực hơn, thu gọn và giảm tải khá nhiều so với chương trình cũ.

Tuy nhiên, để chương trình phát huy được tối đa những ưu điểm, tôi mong rằng các bộ, ban, ngành sẽ đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, cung cấp đầy đủ về trang thiết bị phục vụ dạy học”, thầy Linh bày tỏ.

Anh Trang