Nhiều trường đang thiếu trang thiết bị khiến thầy trò phải dạy chay, học chay

17/11/2022 06:48
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ở nhiều trường, phụ trách thiết bị đều là giáo viên bộ môn kiêm nhiệm, chưa qua đào tạo chuyên môn dẫn đến khả năng quản lý còn nhiều hạn chế.

Cùng với đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học là những yếu tố mang tính quyết định để nâng cao chất lượng dạy và học. Bước vào năm học 2022-2023, ngành giáo dục các địa phương đã quan tâm, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nhất là ở các khối lớp đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên thực tế, tình trạng thiếu thiết bị giảng dạy vẫn xảy ra ở một số địa phương, trường học.

Chưa có trang thiết bị, nhà trường cho học sinh học qua video

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lê Hữu Tuấn - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bình Gia (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) cho hay, năm học này, nhà trường có 8 lớp 10 với 309 học sinh. Sau một thời gian triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường ghi nhận một số thay đổi thuận lợi. Mục đích dạy học phát triển phẩm chất năng lực được bộc lộ rõ. Kiến thức trong sách giáo khoa mới rõ ràng, cập nhật thực tiễn kết hợp với việc giáo viên thường xuyên tổ chức các hoạt động thực hành giúp cho việc học sinh vừa nắm vững kiến thức cơ bản vừa vận dụng được vào thực tế đời sống.

“Đích đến cuối cùng của chương trình giáo dục phổ thông 2018 là phát triển năng lực học sinh, vận dụng được kiến thức đã học vào trong cuộc sống và có thể tạo ra sản phẩm thực tế. Sau một thời gian triển khai, Trường Trung học phổ thông Bình Gia đang dần nhìn rõ sự thay đổi tích cực đó”, thầy Lê Hữu Tuấn nói.

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Ghi nhận những thuận lợi, thầy Tuấn cũng cho biết về một số khó khăn trường đang gặp phải. Trong đó có khó khăn khi thiếu trang thiết bị của chương trình mới. Theo như văn bản hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn, trường đã rà soát lại các trang thiết bị tối thiểu của từng bộ môn đối với lớp 10 để đăng ký trên cơ sở các trang thiết bị còn thiếu. Các nhóm bộ môn trong trường sẽ làm công tác tổng hợp để trường trình Sở, Sở sẽ làm đầu mối đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh để cung ứng kịp thời.

Trong thời gian chưa có trang thiết bị thực tế, đúng theo hướng dẫn, nhà trường khai thác trên các phần mềm mô phỏng kết hợp với các giảng dạy thay thế khác.

Cụ thể, với môn Giáo dục Quốc phòng và An ninh, có một số trang thiết bị nhà trường vẫn có thể trưng dụng được từ những năm học trước như bao đạn, túi đựng lựu đạn; mô hình lựu đạn; mô hình súng,...Tuy nhiên, với một số trang thiết bị mới, đặc thù khác như máy bắn tập, thiết bị theo dõi đường ngắm,...thì nhà trường chưa có. Để khắc phục, giáo viên đã cho học sinh xem các video, clip mô phỏng giúp các em hình dung ra được các thiết bị hoạt động như thế nào, có tác dụng ra sao.

Đối với các môn có nhiều tiết thực hành, thí nghiệm như Lý, Hóa, Sinh, Trường Trung học phổ thông Bình Gia vẫn còn một số thiết bị cũ có thể dùng như kính hiển vi, mô hình mẫu mổ, một số hóa chất, ống nghiệm,... Còn với các thiết bị yêu cầu thêm trong hướng dẫn của chương trình mới thì hiện tại trường chưa có nên sẽ dạy học sinh qua tranh, ảnh.

“Trong các cuộc họp đầu năm, Trường Trung học phổ thông Bình Gia đã tiến hành rà soát các trang thiết bị còn thiếu để phân công các giáo viên trong nhóm chuyên môn tìm giải pháp khắc phục. Giáo viên có thể sưu tầm, thiết kế bổ sung kịp thời để khắc phục trong giai đoạn trước mắt.

Riêng đối với một số môn Khoa học tự nhiên, các giáo viên đã hướng dẫn các em học sinh tạo ra được các sản phẩm, thành phẩm như máy phát điện cá nhân, gieo mầm cây,..

Tuy nhiên, có một thực tế cần nhìn nhận là việc học qua tranh, ảnh, mô hình sẽ hạn chế tính khai thác, tiếp cận thực tế của học sinh. Vì vậy, tôi mong rằng các bộ, ban, ngành liên quan sớm cung cấp đầy đủ các trang thiết bị phục vụ giảng dạy chương trình mới cho các nhà trường”, thầy Lê Hữu Tuấn nói.

Giáo viên bộ môn kiêm nhiệm quản lý thiết bị

Cùng chia sẻ về vấn đề này, cô Phạm Thị Vóc, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) cho biết, nhà trường được đầu tư xây dựng 3 phòng thực hành, thí nghiệm vào năm 2007. Các phòng được bố trí lần lượt thành các phòng thực hành Vật lý-Công nghệ, Hóa học-Sinh học và Tin học. Tuy nhiên đến nay, cơ sở vật chất bên trong đều đã xuống cấp. Bên cạnh đó, đồ dùng thực hành, thí nghiệm bên trong cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 6, lớp 7.

Tiết học thực hành tại Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (huyện Mang Yang, Gia Lai). Nguồn: Báo Gia Lai

Tiết học thực hành tại Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (huyện Mang Yang, Gia Lai). Nguồn: Báo Gia Lai

“Nguyên nhân là do quá trình đầu tư, xây dựng chưa kịp thời so với yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học; kinh phí mua sắm, bổ sung thiết bị dạy học còn hạn hẹp. Chính vì vậy, xét về mặt hình thức, bố trí các phòng chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các ngăn chứa ít nên các thiết bị để chung, chỗ ngồi cho học sinh thực hành chưa đảm bảo.

Bên cạnh đó, vì còn chậm trễ trong việc bổ sung các thiết bị của chương trình mới nên hiện nay nhà trường vẫn đang dùng thiết bị của chương trình năm 2006. Ngoài ra, giáo viên cũng phải tự làm thêm một số dụng cụ, thiết bị phục vụ việc giảng dạy, đồng thời huy động học sinh mang đến lớp các mẫu vật của môn Sinh học hay các hóa chất môn Hóa học mà gia đình các em sẵn có,...”, cô Vóc nói.

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chu Văn An cũng thông tin thêm, hiện nay, phụ trách thiết bị và các phòng bộ môn đều là giáo viên bộ môn kiêm nhiệm, chưa qua đào tạo chuyên môn dẫn đến khả năng quản lý còn nhiều hạn chế.

Vì vậy, cô Phạm Thị Vóc hy vọng rằng, các thầy cô được tập huấn, bồi dưỡng về quản lý trang thiết bị để việc bảo quản, lưu giữ được tốt hơn; nhà trường cũng sớm được trang bị đầy đủ các thiết bị dạy học của chương trình mới để chất lượng giảng dạy và tiếp thu kiến thức của học sinh được phát huy tối đa.

Anh Trang