Nhờ nghiên cứu sinh thầy mới có lương, cần xây dựng văn hóa đào tạo tiến sĩ mới

01/10/2021 06:46
Phó giáo sư - Tiến sĩ Ngô Tứ Thành
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thông thường để thực hiện một dự án lớn về cơ sở vật chất phải đầu tư rất nhiều tiền, nhưng để xây dựng môi trường văn hóa học đường lại cần rất nhiều tư duy.

Các trường đại học danh tiếng Việt Nam đang đua nhau cạnh tranh, tìm mọi giải pháp tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phòng học và các cơ sở thí nghiệm, nâng cao trình độ giảng viên… để tạo sức thu hút người học.

Tuy nhiên một yếu tố quan trọng để thu hút người học, đó là môi trường văn hóa lại ít được đề cập và có phần coi thường. Điều này giải thích vì sao nhiều đào tạo tiến sĩ đẳng cấp quốc tế, nhưng người Việt vẫn tìm cách du học bên trời tây.

Trong bài viết này, tác giả đề xuất xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh để giữ chân tinh hoa người Việt ở lại làm Tiến sĩ ngay trên đất nước mình.

I. Vai trò yếu tố văn hóa trong đào tạo tiến sĩ hiện nay

1.1. Nhìn người mà ngẫm đến ta

Cháu tôi làm Tiến sĩ ở nước ngoài, mỗi lần về nước biếu tôi rất nhiều quà và nói: đây là quà của Thầy cháu cho đấy, không phải cháu mua. Tôi ngạc nhiên thì cháu giải thích. Quen văn hóa “đi thầy” ở Việt Nam, lúc mới sang, cháu đến nhà thầy hướng dẫn biếu quà. Nhưng cháu mang quà 1 thì thầy giả lại quà giá trị gấp 10 lần.

Cháu băn khoăn không nhận thì thầy giải thích: bây giờ nhiều nước, nhiều nơi đào tạo tiến sĩ, nhờ các nghiên cứu sinh như em tôi mới có lương. Vì vậy tôi phải cảm ơn các em đã đến với chúng tôi!

Thời bao cấp, cửa hàng mậu dịch quốc doanh là độc quyền phân phối, nên có nét văn hóa xô bồ. Thậm chí có trường hợp người bán đáng tuổi con vẫn chửi người mua như hát hay, người mua vẫn phải im lặng, vì không còn cửa hàng nào khác để lựa chọn. “Bún mắng, cháo chửi” ở Hà Nội là tàn dư thời bao cấp để lại.

Thời kỳ đổi mới, hàng hóa phong phú bày bán khắp nơi, ai bước vào cửa hàng lớn luôn được các nhân viên cúi gập mình xuống chào. Khách hàng trở thành thượng đế, nhân viên bán là người phục vụ theo cả hai nghĩa đen và nghĩa bóng. Nếu nhân viên bán hàng có thái độ thiếu tôn trọng, người mua sẽ đến cửa hàng khác.

1.2. Thủ tục hành chính rườm rà ở cơ sở đào tạo là yếu tố giết chết động cơ làm việc của nghiên cứu sinh

Cũng như các cửa hàng mậu dịch thời bao cấp, số đại học Việt Nam của thế kỷ 20 được phép đào tạo tiến sĩ chỉ đếm trên đầu ngón tay, nên các nghiên cứu sinh ít có nơi lựa chọn.

Do đó các nghiên cứu sinh thường “ngậm bồ hòn làm ngọt” khi gặp phải thầy hướng dẫn khó tính thiếu tôn trọng người học.

Còn thầy hướng dẫn vì quá được người học ưu ái “chăm sóc” nên có phần ngộ nhận về chỗ đứng của mình, lâu dần trở thành bản tính, thành lối văn hóa ứng xử thiếu thiện cảm giữa người với người.

Thông tư 08/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: “…nghiên cứu sinh phải dành ít nhất 12 tháng theo học tập trung liên tục tại cơ sở đào tạo trong 2 năm đầu tiên …."

Đây là một thủ tục hành là chính. Vì có đề tài thực nghiệm mang tính ứng dụng, muốn triển khai không thể thực hiện ở cơ sở đào tạo mà phải đến những phòng thí nghiệm trọng điểm hay đến thực địa khảo sát ở địa phương khác.

Lợi dụng quy chế này, có giảng viên hướng dẫn yêu cầu: mỗi tuần phải đến báo cáo một buổi. Các nghiên cứu sinh ở phía Nam cách Hà Nội hàng nghìn km, buổi sáng bay ra Hà Nội đến gặp thầy, chiều tối bay vào, mỗi tháng 4 lần bay, lương chỉ đủ tiền mua vé máy bay, vợ con ở nhà phải tự rau cháo qua ngày.

Thủ tục hành chính này đã giết chết động cơ nghiên cứu của nghiên cứu sinh, nghiên cứu sinh cố công làm xong để vĩnh biệt mà không còn ấn tượng tốt đẹp gì.

"Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa", những năm sau, không còn ai dám bén mảng đến cơ sở đào tạo đó làm nghiên cứu sinh nữa.”

Thế kỷ 21, đại học Việt Nam mọc lên như nấm sau cơn mưa, nhiều đại học được phép đào tạo tiến sĩ, lúc này nghiên cứu sinh không chỉ chọn học ở đại học danh tiếng mà còn chọn học ở những nơi họ được tôn trọng nhất.

Các đại học danh tiếng một thời nếu vẫn giữ thói quen “bún mắng, cháo chửi”, vẫn tìm cách bày vẽ các thủ tục hành chính rườm rà sẽ không còn thu hút nghiên cứu sinh như trước đây.

(Ảnh minh họa: UEH)

(Ảnh minh họa: UEH)

II. Xây dựng môi trường văn hóa học đường đón tinh hoa đến làm Tiến sĩ

2.1 Học tập Tư tưởng của Hồ Chí Minh về văn hóa “phục vụ”

Năm 1961, Bác Hồ căn dặn: “Cán bộ là người đầy tớ …phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân”.

Trước khi mất, trong di chúc, Bác Hồ cũng dùng nhiều đến từ khóa “phục vụ”, như: “chỉ tiếc không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Một lãnh tụ thiên tài nhưng luôn xem mình là người “phục vụ” nhân dân đáng để chúng ta suy nghĩ.

Năm 2012, Giáo sư Nguyễn Văn Minh ngày đầu nhận chức Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, đã có một tuyên bố để đời:

“Tôi quán triệt từ Hiệu trưởng trở xuống các phòng ban đều phải là những người phục vụ cho các nghiên cứu sinh và sinh viên” [1]

Nội hàm của tuyên bố trên thể hiện phần nào nét văn hóa ứng xử của một trí thức lớn. Chính văn hóa “phục vụ” đã giúp Giáo sư Minh 10 năm đứng vững vị trí Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm lớn nhất Việt Nam.

2.2 Thay đổi tư duy từ thầy hướng dẫn sang người phục vụ nghiên cứu sinh

Sinh viên đến trường là để học những kiến thức trong chương trình đào tạo. Còn nghiên cứu sinh là những thạc sĩ, đến trường chủ yếu là nâng cao trình độ chuyên ngành hẹp thông qua hoàn thành luận án.

Nghiên cứu sinh đi sâu nghiên cứu đề xuất tri thức mới, kiến thức mới mà cả thầy và trò cũng chưa biết, nên về tri thức trong chuyên ngành hẹp, thầy và trò ở một số ngành là tương đồng nhau.

Vì thế quan hệ giữa thầy và trò trong đào tạo tiến sĩ sẽ khác với quan hệ thầy trò trong đào tạo Đại học.

Thế kỷ 20, ông Thầy Đại học là Vua về kiến thức, vì chỉ ở môi trường đại học mới có điều kiện và nhiều thời gian nghiên cứu thu nạp kiến thức, nên sinh viên đến trường để nghe thầy dạy.

Thế kỷ 21 khi mọi thông tin kiến thức mới nhất đều có sẵn trên mạng, cả thầy và nghiên cứu sinh đều bình đẳng tiếp thu kiến thức. Lúc này nghiên cứu sinh gặp thầy không phải nghe thầy dạy mà chủ yếu là trao đổi học thuật với thầy. Thầy trở thành người phục vụ nghiên cứu sinh.

2.3. Chấm dứt văn hóa “hủy diệt”, tạo nguồn tuyển từ các cựu nghiên cứu sinh

Từ khóa “hủy diệt” được dùng cho cách khai thác hải sản bằng mìn của một số cư dân kém hiểu biết. Mặc dù năng suất khai thác cao nhưng sử dụng phương tiện thô bạo này cũng đồng thời hủy diệt luôn môi trường, không còn hải sản sinh sống để tiếp tục khai thác đợt sau.

Thực tế khảo sát từ năm 2015 đến nay cho thấy, cơ sở đào tạo tiến sĩ dù có danh tiếng nhưng bày vẽ nhiều thủ tục hành chính rườm rà hành hạ người học, trước sau gì cơ sở đào tạo đó cũng cạn nguồn tuyển nghiên cứu sinh.

Một hiệu trưởng trường cao đẳng lớn quản lý hàng trăm giảng viên, đến làm nghiên cứu sinh ở cơ sở đào tạo trung tâm Hà Nội. Lúc đầu có ý định sẽ tiếp tục giới thiệu cấp dưới của mình đến làm nghiên cứu sinh.

Nhưng sau 3 năm nếm trải văn hóa xô bồ của tập thể hướng dẫn và các thủ tục hành chính của cán bộ phòng ban, sau khi nhận bằng Tiến sĩ đã “xách dép chạy”, “một hai không trở lại” nơi đã đào tạo mình nhận bằng Tiến sĩ danh giá. Đây được xem là lối văn hóa “hủy diệt” nguồn tuyển nghiên cứu sinh.

Chỉ cần biết, tân Tiến sĩ sau khi nhận bằng có tiếp tục giới thiệu người khác đến làm nghiên cứu sinh không sẽ đánh giá phần nào văn hóa ứng xử, cũng như đẳng cấp của tập thể hướng dẫn.

Giáo sư nổi tiếng sở hữu hàng chục bài báo ISI/Scopus nhưng không một ai đến xin làm nghiên cứu sinh, vị giáo sư đó cũng cần xem lại văn hóa ứng xử của mình.

Trường Đại học được gọi là có văn hóa ứng xử tốt nếu biết truyền cảm hứng để động viên nghiên cứu sinh và thông qua nghiên cứu sinh lan tỏa vị thế của trường đi các nơi.

Phải xác định rằng, đại học có thêm một nghiên cứu sinh, có thêm một người nhận bằng Tiến sĩ là bổ sung uy tín của trường mình.

Các nghiên cứu sinh không phải giảng viên cơ hữu nhưng phải luôn xem họ là một bộ phận của cơ sở đào tạo trong nghiên cứu khoa học và chính họ là điểm sáng để thu hút nguồn tuyển nghiên cứu sinh hữu hiệu nhất.

2.4. Tận dụng công nghệ số trong hoạt động giao tiếp

Mục tiêu chuyển đổi số trong giáo dục là nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời giảm tải cho giảng viên, sinh viên và nghiên cứu sinh.

Nếu như trước đây muốn được làm thầy dạy Đại học, phải học các nghiệp vụ sư phạm truyền thống, thì khi chuyển đổi số, nghiệp vụ sư phạm là hướng dẫn giảng viên công cụ giảng dạy số.

Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, hầu hết giảng viên đều chuyển sang dạy online, nhưng sẽ thất bại nếu bê nguyên si nghiệp vụ sư phạm truyền thống “phần trắng bảng đen” lên dạy trên môi trường Microsoft Team.

Thầy hướng dẫn nghiên cứu sinh cũng phải am hiểu công nghệ số để tương tác và giao tiếp với nghiên cứu sinh và cũng phải thay đổi văn hóa giao tiếp.

Có công nghệ số, máy tính, điện thoại thông minh, đủ khả năng giao tiếp, nhưng nhiều thầy hướng dẫn vẫn yêu cầu nghiên cứu sinh ra gặp mặt đối mặt, không những ít hiệu quả mà còn gây ức chế cho nghiên cứu sinh, nhiều nghiên cứu sinh đã bỏ cuộc giữa chừng vì không chấp nhận văn hóa giao tiếp truyền thống đó.

Thực tế năm 2020, 2021, cơ sở đào tạo nào nhanh chóng áp dụng công nghệ số vào đào tạo tiến sĩ như: triển khai bảo vệ đề cương, Xemina học thuật, dạy và học online… cơ sở đó sẽ thu hút đông các ứng viên đến làm nghiên cứu sinh.

2.5 Nâng cao chất lượng để giữ thương hiệu

Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, số các Đại học đủ điều kiện đào tạo tiến sĩ ngày một gia tăng làm cho nguồn tuyển nghiên cứu sinh ở Đại học danh tiếng một thời ngày một giảm. Trước thực trạng như vậy có ý kiến cho rằng để thu hút nguồn tuyển, cần hạ chuẩn đầu vào và đầu ra luận án Tiến sĩ.

Đây là tư duy văn hóa của người tiểu nông, “ăn xổi”, chỉ nghĩ trước mắt. Nếu các trường top trên chấp nhận hạ chuẩn Tiến sĩ, lâu dài sẽ làm mất thương hiệu của trường, “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”.

Đại học top chấp nhận nguồn tuyển ít, nhưng sẽ thu nhận ứng viên ở phân khúc cao, đó là những ứng viên có đam mê khoa học, có năng lực nghiên cứu. Và chính những ứng viên này sau khi nhận bằng Tiến sĩ sẽ tiếp tục nâng thương hiệu của trường đào tạo.

III. Kết luận

Thông thường để thực hiện một dự án lớn về cơ sở vật chất phải đầu tư rất nhiều tiền, nhưng để xây dựng môi trường văn hóa học đường lại không cần đến nhiều tiền mà cần đến tư duy.

Năm 1999, Đại học Quốc Gia Hà Nội đã mời Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu - Viện trưởng Viện Hàn Lâm Khoa học Việt Nam về xây dựng khoa Công nghệ của Trường. Ngay lập tức nhiều nhà khoa học tầm cỡ trong nước cũng đầu quân về làm việc cùng giáo sư Hiệu.

Đại học Quốc gia Hà Nội không tốn tiền “chiêu hiền đãi sĩ” nhưng vẫn thu hút được người tài về cống hiến và nhờ đó số sinh viên giỏi, số nghiên cứu sinh cũng tăng lên

Bài học của Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn còn nguyên giá trị khi được áp dụng xây dựng môi trường văn hóa để đón tinh hoa đến làm Tiến sĩ.

Nội dung bài viết trên mới chỉ là nét chấm phá ban đầu của người không chuyên tâm nghiên cứu về văn hóa.

Hy vọng qua bài này, sẽ được các thầy cô cả nước tiếp tục bổ sung hoàn thiện hơn, về văn hóa học đường trong đào tạo tiến sĩ hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://dhsphn.edu.vn/Tintuc-Sukien/Trangtintonghop/tabid/260/news/1727/PGSTSNguyenVanMinhHieutruongcunglanguoiphucvu.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện câu chuyện, góc nhìn của tác giả, tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt lại.

Phó giáo sư - Tiến sĩ Ngô Tứ Thành