Bộ Giáo dục giải trình quy chế mới về đào tạo tiến sĩ

03/08/2021 10:41
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, đa chiều và trách nhiệm của các nhà khoa học và các nhà quản lý.

Ngày 30/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản báo cáo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành kèm Thông tư 18/20211/TT-BGDĐT ngày 28/6/2021.

Nhiều nhà khoa học đánh giá cao cách tiếp cận đổi mới và những quy định tiến bộ trong Quy chế 18

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, hầu hết lãnh đạo các cơ sở đào tạo và các nhà khoa học đều thống nhất, đánh giá cao cách tiếp cận đổi mới và những quy định tiến bộ trong Quy chế 18.

Cụ thể, Quy chế 18 thể hiện xuyên suốt tinh thần tự chủ đại học, trao quyền và trách nhiệm cho các cơ đào tạo và các nhà khoa học trong đảm bảo chất lượng đào tạo nói chung và chất lượng đào tạo tiến sĩ nói riêng, theo đúng chủ trương của Đảng quy định của Luật số 34/2018 đồng thời phù hợp với xu thế phát triển giáo dục đại học trên thế giới. Quy chế quy định những nguyên tắc chung, những tối thiểu và trách nhiệm của các bên liên quan trong tổ chức và quản lý tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ. Mỗi cơ sở giáo dục đại học sẽ phải xây dựng quy chế riêng với những quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quy trình để phù hợp với sứ mạng, mục tiêu và đặc điểm của mình.

Quy chế 18 tiếp cận chất lượng đào tạo tiến sĩ theo tư duy hệ thống, coi quá trình đào tạo là một hệ thống mà chất lượng phụ thuộc từ yêu cầu đầu vào, các điều kiện bảo đảm chất lượng, quy trình tổ chức và quản lý đào tạo cho tới đánh giá chuẩn đầu ra, đánh giá và kiểm định chất lượng, tiêu chuẩn tuyển dụng và sử dụng người tốt nghiệp. Vì vậy, trong khi Quy chế 18 tập trung vào các quy định liên quan tới tuyển sinh, tổ chức và quản lý quá trình đào tạo; Thông tư số 17/2021/ TT-BGDĐT được ban hành trước đó đã quy định về chuẩn chương trình đào tạo đối với các trình độ của giáo dục đại học. Thông tư 17/2021/ TT-BGDĐT là căn cứ để các hội đồng khối ngành xây dựng chuẩn chương trình đào tạo trong đó có chuẩn đầu ra phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của từng lĩnh vực, ngành đào tạo.

Quy chế 18 quy định quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học, thông qua các biện pháp quản lý chất lượng nội bộ và bảo đảm liêm chính học thuật; thực hiện chế độ báo cáo, cập nhật dữ liệu và công khai minh bạch trong tất cả các quy trình từ tuyển sinh tới tổ chức đào tạo và cấp bằng. Đây là những yêu cầu quan trọng để tăng cường giám sát từ người học, cộng đồng khoa học, cơ quan quản lý nhà nước và toàn xã hội.

Quy chế 18 thể hiện nhất quán quan điểm đào tạo tiến sĩ gắn chặt với nghiên cứu khoa học, yêu cầu nghiên cứu sinh phải dành thời gian học tập, nghiên cứu và tham gia sinh hoạt chuyên môn như một giảng viên trợ giảng, nghiên cứu viên cơ hữu. Đây là một trong những yêu cầu cốt lõi trong tổ chức và quản lý đào tạo nhằm thúc đẩy phát triển nghiên cứu và nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ. Bên cạnh đó, trên cơ sở đánh giá việc thực hiện Quy chế 08, một số quy định cũng được điều chỉnh cho hợp lý và phù hợp hơn với thực tiễn.

Còn có những ý kiến khác nhau về việc Quy chế 18

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thừa nhận, một số nhà khoa học, chuyên gia quản lý còn có những ý kiến khác nhau về việc Quy chế 18 không quy định công bố quốc tế là tiêu chuẩn bắt buộc đối với người hướng dẫn và đối với nghiên cứu sinh, cụ thể như sau:

Một số nhà khoa học (chủ yếu trong lĩnh vực toán và khoa học tự nhiên) phê phán việc Quy chế 18 không yêu cầu bắt buộc công bố quốc tế là hạ thấp tiêu chuẩn, không tiếp cận với các chuẩn mực thế giới, không thúc đẩy hội nhập quốc tế và dễ tạo kẽ hở cho đào tạo tiến sĩ tràn lan trên cơ sở lập luận:

Công bố quốc tế là chuẩn mực chung, nhiều trường đại học trên thế giới (có dẫn chứng 2 trường đại học Đông Nam Á) có yêu cầu bắt buộc này;

Số lượng công bố quốc tế trong các ấn phẩm thuộc danh mục Web of Science/Scopus (WoS/Scopus) của Việt Nam tăng mạnh từ khi có Quy chế 08 (từ năm 2017);

Chất lượng các tạp chí trong nước thấp, việc đánh giá, bình duyệt không nghiêm túc, dễ dãi; chỉ bài báo tạp chí nước ngoài mới đảm bảo khách quan, mới là tiêu chí chất lượng duy nhất.

Ảnh minh họa: nguồn Vietnamnet

Ảnh minh họa: nguồn Vietnamnet

Trong khi đó, cũng một số nhà khoa học (có cả trong cả lĩnh vực toán và khoa học tự nhiên) và nhà quản lý khác phản biện lại ý kiến trên và ủng hộ cách tiếp cận, quan điểm mới của Quy chế 18. Các lập luận được đưa ra là:

Mặc dù công bố quốc tế là yêu cầu thông dụng đối với người hướng dẫn và nghiên cứu sinh, nhưng gần như chưa có quốc gia nào có một văn bản quy phạm pháp luật do cấp tương đương Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định cứng về tiêu chuẩn công bố quốc tế trong đào tạo tiến sĩ; cũng như không có một hiệp hội các nhà khoa học nào trên thế giới đưa ra tiêu chuẩn này.

Hầu hết các trường đại học có uy tín trên thế giới cũng không quy định tiêu chuẩn cứng, mà để các khoa chuyên môn quyết định. Ngay trong ví dụ về Trường Đại học Malaya (được dẫn chứng trong những ý kiến phê phán) cũng đã thay đổi quy định từ năm học 2016-2017 và chấp nhận các tạp chí trong nước đối với lĩnh vực khoa học xã hội.

Yêu cầu công bố quốc tế và khả năng công bố quốc tế phụ thuộc nhiều vào các lĩnh vực, ngành đào tạo khác nhau, nếu áp dụng chung cho tất cả các ngành đào tạo sẽ rất khó khả thi ở một số lĩnh vực. Do vậy, việc quy định những tiêu chuẩn này vào chuẩn chương trình đào tạo của từng lĩnh vực và ngành đào tạo (theo quy định của Thông tư số 17/2001/TT-BGDĐT) là phù hợp hơn.

Hiện nay chưa có căn cứ khoa học lẫn thực tiễn về quan hệ trực tiếp giữa tác động của Quy chế 08 với tốc độ tăng mạnh số lượng công bố quốc tế của cả nước. Từ 2017 mới có 4 khóa tuyển sinh theo Quy chế 08, số lượng tốt nghiệp chưa được 100 tiến sĩ, đóng góp một tỉ lệ không đáng kể so với tổng số trên 20 ngàn bài báo khoa học của các tác giả Việt Nam đăng tải trong các ấn phẩm thuộc danh mục WoS/Scopus.

Thực tế, tốc độ tăng số lượng công bố quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua có được là nhờ những chính sách đầu tư, khuyến khích của nhà nước và của các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, nhưng quan trọng hơn đó là sự đóng góp của đội ngũ đông đảo các nhà khoa học, giảng viên đại học.

- Không thể phủ nhận và cho rằng tất cả tạp chí trong nước đều không có chất lượng, bởi rất nhiều tạp chí có giá trị đã đạt được nhiều thành công trong thời gian vừa qua; và cũng không thể vì những lỏng lẻo trong quá trình đánh giá, bình duyệt mà hạ thấp vai trò của các nhà khoa học trong nước. Nếu không tin tưởng vào các nhà khoa học trong nước thì ngay cả việc đặt ra tiêu chuẩn cao về công bố quốc tế cũng không đảm bảo được kỷ cương, chất lượng đào tạo khi mà hiện tượng thuê bài, mua bài báo quốc tế đã có trong thực tế.

Chất lượng đào tạo tiến sĩ phản ánh rõ nhất uy tín khoa học của cơ sở đào tạo, sẽ không có cơ sở đào tạo nào muốn đánh đổi chất lượng, thương hiệu và uy tín vì những lợi ích khác. Chất lượng luận án tiến sĩ cũng phản ánh rõ nhất uy tín khoa học của người hướng dẫn và các thành viên hội đồng đánh giá; những nhà khoa học chân chính và tự trọng không bao giờ muốn đánh đổi uy tín của mình bằng việc thỏa hiệp với sự xuề xòa, nể nang trong đào tạo tiến sĩ.

Trên cơ sở nghiên cứu những ý kiến trao đổi rộng rãi theo các cách nhìn nhận khác nhau, Bộ Giáo dục và Đào tạo thấy rằng Quy chế 18 được ban hành đã tiếp cận theo hướng đưa ra những quy định tối thiểu cho tất cả lĩnh vực và ngành đào tạo, kèm theo đó yêu cầu các cơ sở đào tạo phải tuân thủ chuẩn chương trình đào tạo của từng lĩnh vực và ngành đào tạo.

Trên quan điểm nhìn nhận chương trình đào tạo như một hệ thống, chuẩn chương trình đào tạo sẽ quy định các tiêu chuẩn chất lượng dựa trên mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra, cấu trúc và nội dung chương trình, các điều kiện bảo đảm chất lượng (đội ngũ giảng viên/người hướng dẫn, cơ sở vật chất, công nghệ và học liệu...) cho từng lĩnh vực và ngành đào tạo. Công bố khoa học sẽ là một trong những yêu cầu đối với giảng viên giảng dạy, hướng dẫn và đối với nghiên cứu sinh, các hội đồng khối ngành sẽ phải thảo luận, thống nhất về số lượng, chất lượng và hình thức để phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thống nhất quan điểm việc đào tạo tiến sĩ không chỉ phục vụ mục tiêu phát triển đội ngũ giảng viên, các nhà nghiên cứu trong tương lai, mà còn gắn với mục tiêu quan trọng khác là thúc đẩy phát triển nghiên cứu trong các trường đại học và viện nghiên cứu.

Trong khi quy mô đào tạo tiến sĩ của chúng ta hiện nay rất thấp so với khu vực và thế giới, cần tiếp tục có những chính sách khuyến khích mạnh hơn, đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu, trong đó có chính sách học bổng đối với đào tạo tiến sĩ ở trong nước. Khi đó, các cơ sở đào tạo sẽ có điều kiện để tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, đồng thời gia tăng thành tích nghiên cứu khoa học bao gồm cả những công bố khoa học có giá trị cả ở trong và ngoài nước.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, để kiểm soát chất lượng đào tạo nói chung và chất lượng đào tạo tiến sĩ nói riêng cần có những giải pháp tổng thể, mang tính hệ thống, trong đó việc ban hành và triển khai quy chế tuyển sinh, đào tạo và chuẩn chương trình đào tạo là một giải pháp. Trong phạm vi của Quy chế 18, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra những quy định về trách nhiệm của cơ sở đào tạo, đơn vị chuyên môn và người hướng dẫn trong việc quản lý quá trình học tập, nghiên cứu của nghiên cứu sinh; về công khai minh bạch các thông tin trong toàn bộ quá trình tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đánh giá luận án và cấp bằng.

Nếu cơ sở đào tạo, các tổ chức và cá nhân liên quan thực thi nghiêm túc những quy định này sẽ không có việc buông lỏng chất lượng, không có cơ hội cho những người theo học chỉ vì bằng cấp. Bộ Giáo dục và Đào tạo tạo sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế 18 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác, thông qua ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin và huy động sự tham gia giám sát, phản biện từ cộng đồng xã hội, nhất là cộng đồng các nhà khoa học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, đa chiều và trách nhiệm của các nhà khoa học và các nhà quản lý. Sự trao đổi, tranh biện trên một số diễn đàn vừa qua chắc chắn sẽ tác động tới nhận thức và hành động của cả giới khoa học và quản lý giáo dục đại học.

Trên tinh thần nghiêm túc, khách quan và cầu thị, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổng hợp và phân tích những ý kiến đa chiều, đồng thời đã có trao đổi trực tiếp với một số nhà khoa học và nhà quản lý, trên cơ sở đó sẽ nghiên cứu tiếp thu theo một hình thức phù hợp, nhất là những giải pháp, sáng kiến hay để triển khai một cách hiệu quả Quy chế 18. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ nghiên cứu để đẩy nhanh kế hoạch tổ chức xây dựng các chuẩn chương trình đào tạo cho các lĩnh vực, trước hết ở trình độ tiến sĩ.

Thùy Linh