LTS: Không chỉ hết lòng trong công tác giảng dạy học sinh, nhiều giáo viên tại Bình Thuận còn nỗ lực tìm cách để các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đón một cái Tết đủ đầy.
Cô giáo Phan Tuyết chia sẻ những tấm lòng đáng trân trọng của những giáo viên tận tâm vì học sinh.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Bình Thuận hiện vẫn là một trong những tỉnh nghèo của cả nước. Thế nên khá nhiều học sinh đến trường trong điều kiện gia đình thiếu thốn, khó khăn.
Để tiếp bước cho các em, để động viên, an ủi cho những mảnh đời không may mắn, thầy cô giáo nơi đây luôn sẵn lòng san sẻ cho các em từ tinh thần đến vật chất dù cuộc sống của thầy cô vẫn còn nhiều khó khăn chật vật.
Tấm lòng của các nhà hảo tâm mang đến cho các em một cái Tết đầy đủ hơn, ảnh do tác giả cung cấp. |
Nhiều hình thức vận động, tương trợ
Bao giờ cũng thế, gần đến Tết Nguyên đán các trường học nơi đây đã lên kế hoạch chăm lo Tết cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Do nguồn kinh phí của trường không có, thế nên từng giáo viên phải nỗ lực rất nhiều để tìm nguồn tài trợ.
Có nhiều cách để có tiền hỗ trợ các em. Đầu tiên là từng giáo viên vận dụng các mối quan hệ cá nhân để xin người hảo tâm, các Mạnh Thường Quân giúp đỡ.
Nguồn này lớn và khá ổn định vì năm này đã ủng hộ, năm khác vẫn thế đôi khi mức ủng hộ sẽ tăng lên.
Có thầy cô lập riêng trang Facebook chỉ để kêu gọi từ thiện. Vốn có uy tín nên tạo được sự tin tưởng của nhiều người. Vì thế, thầy cô luôn nhận được sự ủng hộ cao của cộng đồng.
Những hoạt động thiện nguyện làm ấm lòng trẻ em nghèo dịp Xuân về, ảnh do tác giả cung cấp. |
Khá nhiều thầy cô lại làm từ thiện một cách âm thầm, lặng lẽ. Có người nói vui “làm từ thiện mà lén lút như kẻ trộm”.
Đơn giản chỉ vì những giáo viên này không muốn nhiều người biết, càng không muốn được ca ngợi hay tung hô.
Điển hình là cô H.H, cô H giáo viên Trường Trung học cơ sở T.A năm học nào cũng dành hàng chục triệu đồng để tặng học bổng, tặng xe đạp cho học sinh nghèo và ủng hộ cho gia đình học sinh gặp tai ương bất ngờ.
Có dịp tiếp xúc với hai cô giáo trẻ, được nghe các cô chia sẻ “so với nhiều người ngoài xã hội sự giúp đỡ của mình chẳng đáng gì. Hơn nữa đã làm từ thiện là từ tâm thì cần gì phải ai biết tới”.
Có trường, giáo viên cũng tình nguyện trích trong số tiền thưởng ít ỏi của mình để cùng nhau góp vào số tiền phụ huynh ủng hộ với hy vọng những phần quà cho học sinh được đủ đầy hơn.
Ngoài sự huy động các nguồn tài trợ như trên, cách mà nhiều trường học nơi đây áp dụng nhiều nhất là diễn văn nghệ.
Thế là, trong đêm văn nghệ của các trường, hàng ngàn phụ huynh đi xem con cái mình diễn nhưng vẫn không quên ủng hộ tiền.
Người nhiều hàng triệu đồng, người ít nhất cũng có 50 ngàn đồng. Sau một đêm công diễn trường nhiều có được dăm chục triệu đồng, trường ít cũng được vài ba chục triệu (đồng).
Thế là, hàng trăm xuất quà, hàng trăm suất học bổng được trao tận tay những học sinh khó khăn.
Khỏi phải nói các em học trò nghèo khổ đã vui đến mức nào.
Có những học sinh hồ hởi reo lên “Tết này con đã có quần áo mới rồi”. “Con đã có xe đạp không phải đi bộ đến trường”.
Có những phụ huynh xúc động bày tỏ “ Nhờ những món quà thế này, tết này gia đình tôi được đầy đủ hơn”…
Thế mới biết, làm từ thiện đâu phải đợi đến lúc mình có của ăn của để? Đâu phải cứ đợi đến lúc gia đình mình giàu có? Từ thiện xuất phát từ tâm.
Vì thế người có tâm, có lòng vì cộng đồng ắt sẽ biết cách mang niềm vui đến cho người khác như cách nhiều thầy cô giáo tỉnh Bình Thuận của chúng tôi đang thực hiện bấy nay.