Những bất ngờ dành cho Pháp trên chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954

06/05/2018 07:42
THẠC SĨ LƯƠNG ĐỨC HIỂN
(GDVN) - Cùng với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, ta đã gây cho thực dân Pháp những sự bất ngờ lớn.

Cùng với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, chúng ta huy động cho chiến dịch 4.200 tấn gạo, 100 tấn rau, 100 tấn thịt, 80 tấn muối, 12 tấn đường.

Tất cả đều phải vận chuyển qua chặng đường dài 500km phần lớn là đèo dốc hiểm trở. Điều đó đã làm cho thực dân Pháp bất ngờ.

Hẹn nhau tại Điện Biên Phủ

Giữa năm 1953, tình hình trên chiến trường có nhiều chuyển biến mau lẹ, cuộc kháng chiến của quân và dân ta từ thế phòng ngự chuyển sang thế giằng co và phát triển sang thế tiến công, phản công; với thực dân Pháp ngày càng bị lún sâu vào thế phòng ngự, bị động đối phó với các cuộc tiến công của ta.

Trên cơ sở những diễn biến mới trên chiến trường có sự thay đổi, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng dưới sự chủ trì của Bác Hồ, bàn kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1953-1954.

Theo trình bày của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân Pháp muốn tập trung lực lượng cơ động thành “quả đấm thép”, nhanh chóng giành thắng lợi quyết định trong vòng 18 tháng.

Sau khi nghe Đại tướng trình bày, Bác nói: “Địch tập trung quân cơ động để tạo sức mạnh… Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn” .

Tìm hiểu đôi nét về các đơn vị quân đội Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam

Bàn tay Bác mở ra, mỗi ngón trỏ về một hướng. Theo tư tưởng chỉ đạo ấy, ta đã cho những bộ phận chủ lực tiến về 5 hướng chiến lược nhằm những nơi hiểm yếu và tương đối yếu của địch mà đánh.

Thực hiện kế hoạch, ta hành quân phân tán trên nhiều mặt trận; từ vị trí quân đội tập trung lớn nhất tại Đồng bằng Bắc bộ, Pháp buộc phải điều quân lên Tây Bắc, biến Điện Biên Phủ trở thành nơi tập trung quân lớn thứ 2 - Xê nô (Trung Lào) là nơi tập trung quân lớn thứ 3 - An Khê và Plây - cu là nơi tập trung quân lớn thứ 4, và cuối cùng là Luông pha băng và Mường Sài đã trở thành nơi tập trung quân lớn thứ 5 của địch.

Như vậy kế hoạch “quả đấm thép” tập trung của Pháp bị phá vỡ.

Theo kế hoạch tác chiến, giữa tháng 11 năm 1953 Đại đoàn 316 hành quân lên Tây Bắc để giải phóng thị xã Lai Châu; thì đến giữa tháng 11/1953, Na - va, Tổng chỉ huy Pháp đã vội tung 6 tiểu đoàn dù xuống Điện Biên Phủ nhằm ngăn chặn quân ta tiến lên Lai Châu và đặc biệt tiến quân sang Lào.

Từ đây, Điện Biên Phủ từ chỗ không được nhắc đến trong kế hoạch của Na - va cũng như kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954 của ta, lại nhanh chóng trở thành tâm điểm trong kế hoạch điều hành của cả hai bên. [1]

Những bất ngờ dành cho Pháp trên chiến trường Điện Biên Phủ

Ngay sau khi biến Điện Biên Phủ trở thành pháo đài “bất khả xâm phạm”, Na – va tin rằng có thể “nghiền nát” quân Việt Minh. Sự tự tin đó của Na – va và các tướng lĩnh quân đội Pháp đều dựa trên cơ sở phân tích.

Điện Biên Phủ sẽ trở thành một căn cứ không quân lợi hại, nơi nhận hàng tiếp tế bằng đường hàng không. Thực tế, Pháp đã cho thiết lập tuyến đường hàng không nối sân bay Mường Thanh – Hà Nội – Hải Phòng để tiếp nhận từ 200 – 300 tấn hàng phục vụ cho chiến đấu.

Na - va cho rằng Việt Minh không thể mở đường lên Điện Biên Phủ bằng sức lao động thủ công, nên không thể đưa pháo vào trận địa và vận chuyển cơ giới qua vùng Tây Bắc hiểm trở, nếu có thì cũng là rất ít.

Lương thực là một vấn đề nan giải đối với lực lượng quân đội Việt Minh.

Vùng Đồng bằng sông Hồng vựa lúa cả miền Bắc đã bị “phong tỏa”; Tây Bắc không thể là nguồn cung cấp lương thực chính, do mới giải phóng, dân còn nghèo.Vựa lúa Thanh – Nghệ, nhưng xa xôi, nếu vận chuyển lương thực cho chiến dịch phải mất hàng tháng trời.

Pháp cho rằng đây là điều không tưởng!

Ngoài ra, quân Việt Minh không thể chịu nổi thời tiết, khí hậu khắc nghiệt ở Tây Bắc, họ sẽ đau ốm, mệt mỏi không thể duy trì được sức chiến đấu liên tục. Bộ đội chủ lực Việt Nam không thể nào đánh liên tục cả ngày lẫn đêm kéo dài hằng tháng trời.

Mùa mưa tới vận tải khó, đời sống chiến hào sẽ thiếu thốn, sẽ xảy ra nạn dịch lúc đó không đánh cũng thua.

Tuy nhiên, tất cả các phân tích, tính toán của Na – va trên thực tế những gì đã diễn ra sau đó không nằm trong bất cứ sự tính toán nào. [2]

Ngay khi biết thực dân Pháp dựng lên một cái bẫy khổng lồ ở Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng đã chấp nhận chọn Điện Biên Phủ là điểm quyết chiến chiến lược để kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp.

Một kế hoạch chuẩn bị cho cuộc chiến vĩ đại sắp tới được chuẩn bị kỹ lưỡng với sự góp sức của cả nước.

Cùng với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” ta đã gây cho thực dân Pháp những sự bất ngờ lớn.

Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã đề ra những giải pháp quyết đoán. Một mặt động viên nhân dân Tây Bắc ra sức tiết kiệm để đóng góp tại chỗ, nhưng lại có một khó khăn nảy sinh đó là đồng bào chỉ có thóc, không có gạo; Về việc này bộ đội ta tìm những anh em biết đóng cối để đóng hàng loạt cối xay thóc.

Để có một lực lượng mạnh cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta huy động tối đa về sức người và sức của.

Hàng vạn dân công và bộ đội vừa khảo sát thiết kế, vừa thi công làm đường dã chiến trong khoảng thời gian cực ngắn, chỉ với cuốc, xẻng và các dụng cụ rất thô sơ trong các điều kiện rất khó khăn trên miền núi.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, ngoài việc luôn tìm cách rút kinh nghiệm thường xuyên, các đơn vị còn phát động phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật.

Đơn vị mở đường mòn theo sơ đồ đã vạch, anh em rải quân dọc theo con đường dài cả chục cây số, bố trí ăn nghỉ trực tiếp tại chỗ đã tiết kiệm thời gian và sức lực. 

Về sửa chữa, để cải tiến dụng cụ làm đường để giảm nhẹ sức lao động của bộ đội, cấp trên yêu cầu mỗi đại đội, đều phải phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật.

Bất kỳ sáng kiến kỹ thuật nào dù lớn hay nhỏ có lợi cho công việc làm đường giảm nhẹ sức lao động đều được hoan nghênh.

Từ phong trào này, xe cút kít mặt trận, cần cẩu liên hoàn… để chuyển đất đá ra đời, đã giảm nhẹ khá nhiều công sức của anh em, bộ đội.

Thước đo độ dốc không có thì kiếm tấm bìa gấp lại hoặc một quyển sách với một sợi dây buộc cục đá cũng đo được độ dốc.

Một trong những lực lượng quan trọng phục vụ hậu cầu cho chiến dịch là đội xe đạp thồ hơn 2 vạn người, năng suất tải mỗi xe chở được 200-300kg, kỷ lục lên đến 352kg.

Nhờ vậy, kế hoạch vận chuyển cho chiến dịch 4.200 tấn gạo, 100 tấn rau, 100 tấn thịt, 80 tấn muối, 12 tấn đường; tất cả đều phải vận chuyển qua chặng đường dài 500km phần lớn là đèo dốc hiểm trở đã thành công.

Đã có hai vạn chiếc xe đạp được dùng để thồ lương thực và trở thành một loại “vũ khí đặc biệt” của Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: VTV.
Đã có hai vạn chiếc xe đạp được dùng để thồ lương thực và trở thành một loại “vũ khí đặc biệt” của Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: VTV.

Những chiếc xe thồ đó chính là những chiếc xe đạp của Pháp được cải tiến thành xe thồ bằng cách buộc táp vào khung xe những thanh tre cứng để tăng khả năng thồ hàng.

Buộc đoạn tre vào cọc yên xe để đẩy, vào ghi đông để lái, thêm một chiếc giá ba chân để dừng xe dọc đường là chiếc xe có thể vận chuyển cao gấp hơn 10 lần dân công gánh bộ, đồng thời giảm được mức tiêu hao gạo ăn dọc đường cho người chuyên chở.

Chính phương tiện vận chuyển này đã gây nên bất ngờ lớn ngoài tầm dự tính của các chỉ huy Pháp, làm đảo lộn những tính toán khi cho rằng Việt Minh không thể bảo đảm hậu cần cho một chiến dịch lớn, dài ngày trong các điều kiện phức tạp.

Với ý chí, quyết tâm của quân và dân, chúng ta đã mở rộng con đường Tuần Giáo – Điện Biên Phủ, dài 82km để phục vụ cho việc kéo pháo vào trận địa.

Ngoài ra, đường kéo pháo rộng 3m, chạy từ cửa rừng Nà Nham, qua đỉnh Pha Sông cao 1.150m, xuống Bản Tấu, đường Điện Biên Phủ - Lai Châu, tới Bản Nghễu được mở mới hoàn toàn.

Cùng với những đòn tấn công bằng súng đạn, thì những trận địa giao thông hào vây lấn dày đặc như mạng nhện bao bọc lấy đồn bốt, cắt ngang sân bay đã làm cho “con nhím khổng lồ” không có lối thoát.

Những trận địa hầm hào như một chiếc thòng lọng ngày càng siết chặt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Để tạo ra những hầm hào vây lấn ngay sát trận địa địch, bộ đội ta đã sáng tạo ra những “con cúi” bằng những chiếc rọ tre tròn, dài, cao tùy theo nhưng thường là dài 2m đường kính 1m nhồi đặc những thân cây gỗ hoặc thân cây chuối rừng để chắn đạn thẳng.

Ban đêm, khi đội hình hàng dọc của tiểu đội tiếp cận trận địa, “con cúi” được lăn lên phía trước để chắn đạn cho anh em ta nằm trên mặt đất đào hào... 

Chính vì những sáng tạo phi thường như vậy, mà sau này các nhà nghiên cứu của nước ngoài đã cho rằng không phải những vũ khí được viện trợ, mà chính là những cuốc, xẻng và cả những chiếc xe đạp của Pháp đã quyết định chiến thắng của Việt Nam tại Điện Biên Phủ. [3]

Tài liệu tham khảo:

1. http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Nguyen-do-de-Dien-Bien-Phu-duoc-ca-ta-va-Phap-chon-lam-diem-quyet-chien-post157994.gd

2. http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/giai-mat-van-co-dien-bien-giua-tuong-giap-va-navarre-227332.html

3. http://ct.qdnd.vn/van-hoc-nghe-thuat/sang-tao-doc-dao-trong-chien-dich-dien-bien-phu-516500

THẠC SĨ LƯƠNG ĐỨC HIỂN