Sau loạt bài phản ánh của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về việc ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) nợ tiền nâng lương năm 2018 của hơn 1.000 nhà giáo và viên chức giáo dục, ngày 23/7/2019, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận, đã có chỉ đạo cho 33 đơn vị trường học giải quyết trả nợ lương cho nhà giáo và viên chức giáo dục của ngành.
Đồng loạt, ngày 25/7/2019 những nhà giáo và viên chức bị nợ lương đã được nhận tiền nâng lương năm 2018 sau hơn 1 năm chờ đợi.
Sáng ngày 01/08/2019, trao đổi với phóng viên về việc giải quyết tình hình nợ lương nhà giáo của huyện, ông Huỳnh Thanh Bình, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận xác nhận:
“Tôi đã chỉ đạo cho tài chính cân đối nguồn của ngành giáo dục, không lấy từ nguồn nào khác để trả nợ lương cho giáo viên của huyện.
Sau khi công việc trả nợ lương hoàn tất, Ủy ban nhân dân huyện sẽ có báo cáo trực tiếp cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang đồng thời gửi báo cáo cho Sở Thông tin truyền thông của tỉnh”.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận tỉnh Kiên Giang (Ảnh CTV) |
Như tin đã đưa, năm 2018, toàn huyện Vĩnh Thuận có 1.120 lượt nhà giáo và viên chức giáo dục được nâng lương thường xuyên.
Nhu cầu kinh phí chi trả nâng lương cho viên chức giáo dục năm 2018 của huyện Vĩnh Thuận là 4 tỷ 037 triệu đồng.
Mặc dù đã nhận quyết định nâng lương nhưng những nhà giáo và viên chức giáo dục huyện này vẫn hưởng lương theo hệ số cũ và chính quyền huyện Vĩnh Thuận đã hoàn toàn không hay biết về số tiền nợ lên tới 4 tỷ 037 triệu đồng nói trên, vì lý do: ngành giáo dục không báo cáo.
Năm 2018, tổng dự toán giao nguồn lương chi cho sự nghiệp giáo dục: 119 tỷ 993 triệu đồng.
Quyết toán nguồn lương tính đến ngày 31/01/2019: 114 tỷ 116 triệu đồng. Tồn: 5 tỷ 533 triệu đồng.
Như vậy, tính theo số liệu trên, số tiền tồn 5 tỷ 533 triệu đồng, sau quyết toán nguồn lương năm 2018 hoàn toàn đảm bảo để chi trả nâng lương cho nhà giáo và viên chức giáo dục năm 2018 của huyện này.
Nhận định nguyên nhân dẫn đến nợ lương nhà giáo
Trường chuẩn quốc gia của huyện Vĩnh Thuận có phải là là dạng ốc mượn hồn |
Sau khi thông tin nợ lương nhà giáo và viên chức giáo dục của huyện Vĩnh Thuận được đăng tải, ngày 22 tháng 5 năm 2019, Thường trực huyện ủy huyện Vĩnh Thuận có Thông báo số 884/TB-HU kết luận về xử lý sai phạm trong quản lý sử dụng tiền lương của các trường học trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Ngày 18 tháng 7 năm 2019, ông Huỳnh Thanh Bình, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận đã ký Kết luận số 02/KL-UBND kết luận kết quả kiểm tra, rà soát về việc quản lý, sử dụng nguồn lương tại các đơn vị trường học thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo năm 2018.
Theo đó, Kết luận số 02/KL-UBND của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận đưa ra nhận định nguyên nhân dẫn đến việc nợ lương là:
“Một số đơn vị trường trực thuộc quản lý và sử dụng kinh phí trong năm sai dự toán được giao đầu năm, chưa tuân thủ đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước; sử dụng nguồn chi lương và các khoản có tính chất lương chưa đúng với dự toán được giao đầu năm để chi cho các nhiệm vụ khác từ đó dẫn đến việc nợ tiền nâng lương thường xuyên năm 2018 tại đơn vị mình quản lý”…
Tuy nhiên, khi hỏi về việc chính quyền huyện Vĩnh Thuận có biện pháp xử lý đối với sai phạm trong việc phân bổ ngân sách, dẫn đến ngành giáo dục huyện mặc dù tồn nguồn lương năm 2018 lên đến 5 tỷ 533 triệu đồng nhưng vẫn để nợ lương thì vị Chủ tịch cho biết:
“Vấn đề này để huyện xem lại, trước mắt chỉ đạo xử lý kiểm điểm rút kinh nghiệm với các cá nhân để xảy ra sai phạm, cứ làm từ từ thôi…” (?)
Nhiều giáo viên Vĩnh Thuận không được hưởng phụ cấp thâm niên nghề |
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận đã có kết luận nguyên nhân dẫn đến nợ lương là do một số đơn vị trường trực thuộc chưa tuân thủ đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Nhưng để ban hành kết luận số 02 nói trên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận chỉ dựa vào 01 báo cáo do Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Vĩnh Thuận thực hiện (Báo cáo số 07/BC-TCKH ngày 20/05/2019) (?)
Theo đó, để có tiền trả nợ lương năm 2018 cho nhà giáo, Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận đã đưa ra chủ trương và biện pháp để giúp Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận có được nguồn tiền trả nợ cho viên chức ngành giáo dục bằng cách:
(1)“Đối với các trường có liên quan, điều chỉnh giảm 20% trên số tiền chi sai nguồn năm 2018 trong dự toán chi thường xuyên năm 2019, để chi trả tiền nâng lương thường xuyên năm 2018 cho công chức, viên chức tại đơn vị”.
Theo nội dung kết luận trên, các đơn vị “chi sai nguồn lương năm 2018” sẽ bị cắt giảm 20% trong dự toán chi thường xuyên năm 2019 trên tổng số kinh phí chi sai.
(2) “Đối với Phòng Giáo dục và Đào tạo, sau khi xác định số tiền giảm 20% ở các trường, phần còn lại cân đối sử dụng nguồn chi tập trung và nguồn chi khác kịp thời phân bổ cho các trường đảm bảo nhu cầu chi trả tiền nâng lương thường xuyên năm 2018.
Thời gian chậm nhất đến ngày 25/07/2019 hoàn thành việc chi trả tiền nâng lương thường xuyên năm 2018”.
Như vậy, nội dung mà Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện đã xác nhận với phóng viên ở trên hoàn toàn đúng như chủ trương đã được đưa ra trong Kết luận số 02/KL-UBND ngày 18/7/2019 về việc xử lý để có được nguồn tiền trả nợ lương cho nhà giáo của huyện Vĩnh Thuận.
Theo Khoản 1, Điều 50, Luật Ngân sách 2015, việc phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách phải bảo đảm các điều kiện:
Đúng với dự toán ngân sách được giao cả về tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực, nhiệm vụ thu, chi được giao; Đúng chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi;
Và, đơn vị dự toán cấp 1 chỉ được phép điều chỉnh dự toán đã giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách khi bảo đảm được các yêu cầu về phân bổ và giao dự toán quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Ngân sách 2015.
Hiện tại, nguồn kinh phí mà Phòng Giáo dục huyện Vĩnh Thuận đang “giữ lại” để chi tập trung và nguồn kinh chi thường xuyên năm 2019 đã phân bổ về 33 đơn vị trường học trong địa bàn huyện chính là ngân sách nhà nước cấp dựa trên chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi của toàn ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận.
Nguồn kinh phí được ngân sách phân bổ năm 2019 hoàn toàn không có nguồn kinh phí dự chi cho việc trả nợ lương của năm 2018.
Vì vậy, việc Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận chỉ đạo lấy nguồn chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi được phân bổ năm 2019 để trả nợ lương năm 2018 là một vấn đề cần phải được làm rõ có đúng hay không?.