Tôi vẫn thường nghe nhiều phụ huynh có cả lớp mình và lớp đồng nghiệp than phiền về việc bội thực tin nhắn trong Zalo mùa dịch. Có người nói mình đã không thể tập trung làm việc khi suốt ngày các tin nhắn cứ nhảy vào tin tin đến váng tai, nhức óc nên tự rời khỏi nhóm.
Tương tác trên Zalo cũng góp phần cho việc dạy học online mùa dịch hiệu quả (Ảnh minh họa: Nhà báo và Công luận). |
Giải pháp này đã dẫn đến nhiều thông báo quan trọng của giáo viên phụ huynh không biết được nên các con không thể tham gia kịp thời, cùng với đó lại làm tội thầy cô phải liên lạc riêng mất khá nhiều thời gian công sức.
Phụ huynh than bội thực với tin nhắn
Một phụ huynh tâm sự: "Tôi là phụ huynh của 3 con đang đi học, một ngày nhận quá nhiều tin nhắn Zalo của cả ba đứa con, với đủ kiểu tin tức. Nào tin nhắn giao bài của cô chủ nhiệm, của từng giáo viên bộ môn.
Tin yêu cầu phụ huynh báo cáo thống kê về một số vấn đề gì đó, tin nhắn nộp bài của học sinh, chưa kể sau mỗi tin của thầy cô nhiều phụ huynh còn nhắn lại, hỏi lại…"
Một phụ huynh khác chia sẻ: "Tôi có tới 3 đứa con, tin nhắn tới muốn loạn luôn, nhất là đứa học lớp 6, mỗi một môn là 1 tin nhắn riêng, chưa kể nhóm với giáo viên chủ nhiệm… đã thế, có những hôm 12 giờ đêm còn thấy báo tin tin, không mở điện thoại thì sợ có tin nhắn nào quan trọng, mở ra thấy có phụ huynh gửi bài cho con."
Một phụ huynh có con học lớp 3, nói rằng: Zalo thông báo liên tục tin nhắn làm tôi không thể tập trung làm việc. Mệt nhất là nhiều phụ huynh cứ thích hỏi những câu không liên quan. Có người còn chúc mừng sinh nhật, hỏi thăm nhau, thay đổi hình nền…
Giáo viên còn bội thực tin nhắn gấp bội phần
Phụ huynh chỉ có 1 đến 2 con mà đã than bội thực với tin nhắn, than inh tai nhức óc, ong ong đầu cả ngày, vậy còn giáo viên thì sao?
Nếu phụ huynh áp lực một thì thầy cô giáo áp lực gấp nhiều lần như thế nhưng vì công việc, vì học sinh các thầy cô giáo cũng gắng gồng mình lên để chịu đựng và làm việc.
Giáo viên có rất nhiều nhóm Zalo cần cập nhật hằng ngày. Nào là nhóm Zalo chung ở trường để xem thông báo về các kế hoạch nhà trường đưa ra, nhóm của tổ chuyên môn, nhóm của chi bộ, nhóm công đoàn, nhóm của lớp, nhóm của đại diện hội phụ hunh, rồi tin nhắn riêng của mấy chục phụ huynh của lớp.
Thường xuyên có những tin nhắn thế này (Ảnh tác giả) |
Vất vả nhất là những giáo viên bộ môn. Dạy bao nhiêu lớp phải lập bấy nhiêu nhóm để gửi bài, nhận bài từ học sinh. Mỗi thày cô giáo dạy gần 20 lớp với nhiều khối lớp, nào là tin nhắn, clip mẫu, clip bài làm của học sinh. Hàng trăm em gửi bài một ngày quả thật là hoa mắt chóng mặt.
Mặc dù giáo viên có lưu ý nhiều lần về cách tương tác trong nhóm Zalo của lớp như không nhắn tin chúc mừng sinh nhật, không hỏi những vấn đề riêng (nếu cầu phụ huynh nhắn tin riêng), gửi bài đúng thời gian quy định (tránh gửi khuya), mỗi tin thông báo của cô gửi đến phụ huynh chỉ cần bấm like để biết là đã xem.
Tuy thế, mỗi người nhắn lại một dòng “dạ cô” thì tin nhắn vừa gửi cũng trôi đi. Người sau vào lại hỏi rồi lại trả lời… và cứ thế khá mất thời gian.
Tuy thế, giáo viên cứ nhắc trước nhiều người lại quên sau. Có phụ huynh còn vào nhóm nhắn qua nhắn lại và cà khịa, cãi nhau um xùm. Một số phụ huynh giao trọn điện thoại cho các bé nên cầm vào là nhắn tin, gửi hình tự chụp, đổi hình nền liên tục…điện thoại thì cứ báo "tinh tinh" mà mở ra chỉ ba tin nhắn với hình ảnh vớ vẩn.
Thấu hiểu để thích nghi
Những quy ước của giáo viên đưa ra rất cần sự đồng tình của phụ huynh. Ví như nhóm Zalo của lớp chỉ để giáo viên thông báo những công việc chung. Những thắc mắc phụ huynh cần vào tin nhắn gửi riêng cho cô để được giải đáp.
Phụ huynh thường xuyên nhắc nhở học sinh tuyệt đối không tự ý nhắn tin, gửi hình lên nhóm. Gửi bài tập cũng nên quy định giờ nộp bài cụ thể.
Tránh bị làm phiền mọi lúc thì nên để âm tin nhắn, thi thoảng phụ huynh có thể vào nhóm xem có tin tức thông báo gì mới, hoặc để tin báo với âm lượng nhỏ vừa đủ nghe.
Bội thực tin nhắn trong mùa dịch là điều không ai mong muốn. Để giúp học sinh học tốt và giáo viên cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy không còn cách nào khác ngoài việc phụ huynh và cả giáo viên cần có sự thấu hiểu, lắng nghe để tìm ra những giải pháp tích cực nhất, hạn chế đến mức tối đa sự quấy nhiễu, làm phiền không đáng có.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện câu chuyện, góc nhìn của tác giả.