Những chuyển biến của giáo dục Kiên Giang sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29

15/11/2023 06:28
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Đô thị hóa ở một số địa phương kéo theo dân số tăng nhanh nhưng đầu tư cơ sở vật chất chưa theo kịp, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục tại Kiên Giang.

10 năm thực hiện Nghị quyết 29, Kiên Giang có nhiều mô hình trường học tiêu biểu

Ngày 04/11/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo và triển khai thực hiện.

Mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo được kiện toàn sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Hệ thống trường, lớp tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, các thiết bị giáo dục được tăng cường, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu dạy và học.

Đội ngũ nhà giáo ngày càng được chuẩn hóa, chất lượng dạy và học từng bước được nâng lên, đạt mức khá trong vùng và trên mức bình quân chung của cả nước. Tỉ lệ học sinh trong độ tuổi vào các cấp học, ngành học tăng dần hằng năm. Kết quả phổ cập giáo dục được củng cố, duy trì (100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập trung học cơ sở và xóa mù chữ; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi).

Tỉ lệ học sinh trong độ tuổi vào các cấp học, ngành học tăng dần hằng năm. Ảnh: Sở GDĐT Kiên Giang cung cấp.

Tỉ lệ học sinh trong độ tuổi vào các cấp học, ngành học tăng dần hằng năm. Ảnh: Sở GDĐT Kiên Giang cung cấp.

Quy mô và chất lượng giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp ngày một tăng lên, tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Hoạt động nghiên cứu khoa học trong các cơ sở đào tạo được quan tâm, nhiều đề tài, mô hình, sáng kiến được triển khai, phục vụ tốt cho công tác quản lý, giảng dạy và học tập.

Hợp tác quốc tế trong các trường đại học và cao đẳng được đẩy mạnh, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn trong việc cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Kiên Giang.

Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, ngành chuyên môn đã tích cực tham mưu cho tỉnh nhiều giải pháp, đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghiên cứu, đề xuất các mô hình hay, cách làm hiệu quả nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Năm 2014, tỉnh phê duyệt và ban hành Đề án “Phát triển mở rộng mô hình trường học mới ở cấp giáo dục tiểu học trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2020”, qua đó đã phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học, nhận được sự đồng thuận từ phía giáo viên, học sinh và phụ huynh, đến nay 100% giáo dục tiểu học thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo mô hình trường học mới.

Nhiều mô hình được các cơ sở giáo dục trên địa bàn chủ động đề xuất và mang lại hiệu quả thiết thực, nổi bật như: Mô hình “Cuộc thi Hùng biện dưới cờ”, mô hình “Ngôi nhà vì bạn”, mô hình “Khu vườn trải nghiệm ”.

Việc triển khai mô hình trường học mới được nghiên cứu đề xuất triển khai tại các cơ sở giáo dục; việc áp dụng có hiệu quả các phương pháp Bàn tay nặn bột, Dạy học theo dự án; tổ chức dạy học theo chủ đề tích hợp...; hằng năm, tổ chức các hội thi giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi,... tạo điều kiện thuận lợi cho việc đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; từ đó mang lại hiệu quả thiết thực, giúp học sinh khắc phục tính nhút nhát, ngày càng mạnh dạn, tự tin hơn, từng bước hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực của người học, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Hoạt động sinh hoạt chuyên đề tại trường học. Ảnh: Sở GDĐT Kiên Giang cung cấp.

Hoạt động sinh hoạt chuyên đề tại trường học. Ảnh: Sở GDĐT Kiên Giang cung cấp.

Quá tải học sinh, thiếu biên chế kéo dài liên tục nhiều năm, chưa có giải pháp

Bên cạnh những kết quả nổi bật ấy, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Kiên Giang cũng đối mặt với một số khó khăn, vướng mắc như, công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở một số địa phương chưa phù hợp, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp; thiếu đất cho xây dựng trường học, nhất là ở các thị trấn, thành phố.

Tình trạng quá tải học sinh ở các trường mẫu giáo, mầm non; việc thiếu biên chế kéo dài liên tục trong nhiều năm chưa có giải pháp khắc phục; nhiều cơ sở giáo dục mầm non phải hợp đồng giáo viên nhưng cũng chỉ đảm bảo tỉ lệ 01 giáo viên cho một lớp dạy 02 buổi/ngày. Các điểm trường sau khi xóa điểm lẻ chưa có hướng xử lý dẫn đến xuống cấp, lãng phí; nhiều trường, điểm trường chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhiều cơ sở thiếu diện tích theo quy định chuẩn làm ảnh hưởng đến công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW từng lúc, từng nơi chưa kịp thời, chưa đáp ứng nhu cầu cho việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Công tác quản lý nhà nước, quản trị nhà trường một số nơi còn hạn chế; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ chưa được giải quyết; chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, còn một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, cá biệt có những giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, gây bức xúc xã hội.

Một bộ phận giáo viên còn hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đồng đều giữa các địa phương, giữa các cơ sở giáo dục trên cùng địa bàn các huyện, thành phố.

Việc đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học vẫn còn những hạn chế nhất định. Việc tổ chức dạy học một số nơi vẫn còn coi trọng kiến thức, nặng lý thuyết, thiếu thực hành, chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục kỹ năng làm việc và định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Việc tổ chức dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông chưa phát huy tốt năng lực sử dụng ngoại ngữ của học sinh theo yêu cầu; chưa có cơ sở đánh giá chuẩn năng lực ngoại ngữ cho học sinh cuối mỗi cấp học. Việc học tập tiếng dân tộc của học sinh triển khai chậm, mới tổ chức dạy ở tiểu học; đối với trung học cơ sở, trung học phổ thông chỉ thực hiện dạy ở các trường phổ thông dân tộc nội trú.

Việc tổ chức dạy học một số nơi vẫn còn coi trọng kiến thức, nặng lý thuyết, thiếu thực hành. Ảnh: Sở GDĐT Kiên Giang cung cấp.

Việc tổ chức dạy học một số nơi vẫn còn coi trọng kiến thức, nặng lý thuyết, thiếu thực hành. Ảnh: Sở GDĐT Kiên Giang cung cấp.

Hệ thống quản lý, quản trị, kết nối, khai thác dữ liệu ngành phục vụ công tác quản lý, điều hành, dạy học chưa đồng bộ; một số nơi hạ tầng công nghệ thông tin, thiết bị kết nối còn thiếu, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp còn một số bất cập. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của một số trường xuống cấp và chưa được đầu tư kịp thời; số lượng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở được phân luồng vào đào tạo hệ 9+ tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày một gia tăng, hầu hết đều có nhu cầu học kiến thức văn hóa hệ giáo dục thường xuyên (học 07 môn) để đảm bảo đủ điều kiện thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuy nhiên trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố không đủ nguồn lực cần thiết để thực hiện giảng dạy cho số lượng lớn các học sinh ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp....

Kiến nghị cho phép cơ sở giáo dục nghề nghiệp dạy 07 môn văn hóa

Từ những khó khăn trong thực tiễn triển khai Nghị quyết 29, tỉnh Kiên Giang có một số kiến nghị, đề xuất. Cụ thể:

Kiến nghị Chính phủ: Chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan xem xét, bổ sung số lượng người làm việc cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo Quyết định số 71-QĐ/TW, ngày 18/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương, nhằm đảm bảo nguồn nhân lực để thực hiện tốt đề án đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 theo tinh thần Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21711/2017 của Quốc hội; Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Chính phủ; Quyết định số 2632/QĐ-BGDĐT ngày 24/7/2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-4 tuổi, nâng cao chất lượng phổ cập trẻ 5 tuổi sắp tới.

Kiên Giang kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan xem xét, bổ sung số lượng người làm việc cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Ảnh: Sở GDĐT Kiên Giang cung cấp.

Kiên Giang kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan xem xét, bổ sung số lượng người làm việc cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Ảnh: Sở GDĐT Kiên Giang cung cấp.

Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo: Một là, sớm hoàn thiện và ban hành Thông tư điều chỉnh, bổ sung Thông tư liên tịch số 06/2015/TT-BGDĐT-BNV, ngày 16/3/2015 về quy định danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập cho phù hợp với tình hình thực tế khi xây dựng các tiêu chí về trường đạt chuẩn quốc gia.

Hai là, sớm ban hành thông tư điều chỉnh Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT về hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập để phù hợp với tình hình thực tế khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ba là, Thông tư số 15/2022/TT-BGDĐT, ngày 08/11/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 04 môn (gồm: Toán, Ngữ văn, Lịch sử và 01 môn tự chọn), như vậy nếu học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở chọn học nghề tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ gặp khó khăn khi muốn thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản điều chỉnh Thông tư số 15/2022/TT-BGDĐT theo hướng cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dạy thêm 03 môn để đảm bảo các em được học 07 môn như chương trình giáo dục thường xuyên và dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo quy định.

Mộc Trà