Bắt đầu từ năm học 2020-2021, ngành giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 1 và năm học 2023-2024 tới đây sẽ đến lớp 4, lớp 8, lớp 11. Lần thay đổi chương trình 2018 so với trước đây có rất nhiều thay đổi khi Bộ chủ trương “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa” và thay đổi từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực cho người học.
Tuy nhiên, kể từ khi triển khai chương trình mới cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến bất cập và những ý kiến trái chiều từ cơ sở, từ chính những người đang trực tiếp giảng dạy, quản lý dưới cơ sở. Bên cạnh đó là những chỉ đạo về chuyên môn của ngành nhiều khi chưa sâu sát, phù hợp với thực tế nên đã dẫn đến sự hoài nghi của nhiều người.
Thế nhưng, dù muốn, dù không thì chương trình 2018 đã ban hành và đang thực hiện cuốn chiếu được hơn một nửa chặng đường. Vì thế, điều mà ngành cần hướng tới trong lúc này là tập trung toàn bộ trí tuệ, sự đoàn kết để vận hành chương trình phát huy được hiệu quả. Sự thay đổi trong ngành giáo dục không đơn thuần chỉ là thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy mà phải thay đổi từ các cấp quản lý giáo dục.
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh minh họa: Lã Tiến |
Một số tồn tại, bất cập cần được khắc phục
Bỏ qua về chế độ tiền lương, phụ cấp nhà giáo, bỏ qua về chuyện thăng hạng, xuống hạng của giáo viên, chúng tôi muốn đề cập, mong muốn đến những điều cốt lõi nhất là chuyện dạy và học ở các nhà trường phổ thông.
Bởi vì, nếu vẫn vận hành, thực hiện như hiện nay, rất khó để nhìn thấy những khác biệt của chương trình 2018 so với các chương trình trước đây vì còn tồn tại những bất cập và cần được thay đổi.
Thứ nhất: bộ phận chuyên môn của Bộ cần sát sao với chương trình 2018 một cách tường tận hơn để có những chỉ đạo phù hợp, cụ thể. Đầu các năm học, những chỉ đạo về chuyên môn cũng cần cụ thể, rõ ràng, nhất là đối với các môn học mới ở các cấp học.
Giáo viên dạy các môn học mới, trong đó có các môn học tích hợp vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện vì cách bố trí các chủ đề trong sách giáo khoa chưa thực sự khoa học, hướng dẫn của bộ phận chuyên môn chưa hợp lý.
Từ đó, dẫn đến tình trạng có lúc giáo viên thiếu tiết dạy nhưng cũng có lúc lại phải dạy dồn dập vượt qua định mức rất nhiều tiết. Việc vượt qua định mức giảng dạy quá nhiều trong một số thời điểm của năm học khiến cho giáo viên áp lực nên khó có sự đầu tư chu đáo cho các tiết dạy trên lớp.
Thời khóa biểu thay đổi xoành xoạch theo tuần khiến cho giáo viên và ngay cả học sinh cũng gặp những xáo trộn nhất định. Các môn học tích hợp chưa có hướng dẫn khoa học nên mỗi nơi thực hiện mỗi kiểu và dẫn đến tính liền mạch của kiến thức môn học rời rạc, manh mún.
Thứ hai: bộ phận chuyên môn của Sở, Phòng giáo dục mỗi lần đi kiểm tra, thanh tra chuyên môn ở các nhà trường vẫn nặng tính hành chính, áp đặt.
Thời đại 4.0 nhưng khi về các trường kiểm tra thì cái gì cũng phải in ra để minh chứng. Dò tìm những sai sót nhỏ nhất trong giáo án để bắt bẻ, dự giờ giáo viên xong thì góp ý bằng những lời lẽ trịnh thượng. Thế nhưng, mỗi năm làm 2 đề kiểm tra học kỳ cho môn học thì vẫn có khi sai sót, phải điều chỉnh.
Thứ ba: công tác quản lý nhà trường của một số hiệu trưởng, phó hiệu trưởng còn nhiều bất cập, thiếu thực tế nhưng thừa tính mệnh lệnh. Chính vì thế, khi chia sẻ tại buổi gặp gỡ các giáo viên toàn ngành hôm 15/8 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng nhấn mạnh đến vai trò của hiệu trưởng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: “Hiệu trưởng là người chỉ huy, chủ đạo trong việc đổi mới ở cơ sở mình. Nếu hiệu trưởng không đổi mới khó hy vọng ngôi trường đó đổi mới. Nhiều người hăng hái, nhiệt huyết nhưng cũng có một phần không nhỏ không tham gia tập huấn, đọc chương trình... ảnh hưởng không nhỏ tới việc đổi mới.
Hiệu trưởng không phải ông quan trong cơ sở giáo dục mà là người dẫn dắt, tập hợp, hỗ trợ nên cần phải bắt nhịp các mục tiêu đổi mới. Hiệu trưởng là người dẫn dắt đổi mới. Nếu những yếu tố này không được nhân lên và phát huy, đổi mới chỉ dừng ở cổng trường mà thôi”. [1]
Thực tế, một số hiệu trưởng, phó hiệu trưởng vẫn máy móc áp đặt những loại hồ sơ sổ sách vô bổ. Thà chuẩn bị đủ, chuẩn bị thừa để khi thanh, kiểm tra không bị thiếu, bị nhắc nhở. Có những hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không sâu sát với chuyên môn nên chỉ đạo chuyên môn thường chỉ đạo miệng chung chung và đẩy về các tổ chuyên môn.
Nhiều kế hoạch về chuyên môn của nhà trường thì “nhờ” tổ trưởng chuyên môn thực hiện rồi ký, đóng dấu và ban hành. Nhiều mẫu kế hoạch cũng thay đổi tùy hứng theo từng năm khiến cho giáo viên quay cuồng trong mớ hồ sơ, sổ sách.
Những văn bản của ngành cập nhật chậm, thậm chí có những văn bản đã hết hiệu lực vẫn triển khai khiến cho những kế hoạch, những biên bản, những cuộc họp của các tổ chuyên môn phải thực hiện nhiều lần.
Thứ tư: việc giao chỉ tiêu cho từng bộ môn cũng cần cân nhắc với đặc điểm tình hình của đơn vị, địa bàn. Mục tiêu của chương trình 2018 là phát triển phẩm chất, năng lực của học trò chứ không đơn thuần là tỉ lệ xuất sắc, giỏi, đạt bao nhiêu phần trăm qua mỗi năm học. Nếu không thực hiện được, bệnh thành tích ở các nhà trường vẫn tồn tại từ năm này sang năm khác.
Thứ năm: việc đổi mới chương trình, thực hiện triển khai giảng dạy trên lớp của một bộ phận giáo viên ở nhiều trường học thực tế vẫn còn chậm, thụ động và lệ thuộc vào đồng nghiệp quá nhiều. Có những giáo viên cái gì cũng phải xin, nhờ cậy đồng nghiệp từ chuyện làm kế hoạch, giáo án, in ấn, nhập điểm.
Quá trình giảng dạy trên lớp cứ phải cầm cuốn sách giáo khoa trên tay và dạy học theo phương pháp đọc- chép, hoặc nhìn- chép như mấy chục năm về trước. Thỉnh thoảng, tổ chuyên môn dự giờ 1 tiết, dù được báo trước nhưng vẫn có những giáo viên không dám đứng khỏi bàn, cứ chăm chăm vào màn hình, nhìn vào giáo án để vừa đọc, vừa giảng.
Vì thế, không chỉ thiệt thòi cho học sinh mà ngay cả đồng nghiệp trong trường cũng khổ theo. Làm cho mãi thì vất vả nhưng không làm cho thì giận hờn này nọ. Tuy nhiên, khi xếp loại viên chức, đánh giá chuẩn, xét thi đua cuối năm học thì lại muốn mình bằng hoặc hơn đồng nghiệp.
Những điều cần thay đổi trong lúc này
Tại buổi gặp gỡ các giáo viên toàn ngành hôm 15/8 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã mong muốn đội ngũ nhà giáo: “Đầu tiên, để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà giáo cần tự đổi mới bản thân, không sợ hãi, e ngại, né tránh đổi mới bản thân.
Sau 3-4 năm đổi mới, nếu từng giáo viên nhìn lại mà chưa thấy mình khác so với 3 – 4 năm về trước, chưa phải đổi mới. Nếu nhìn lại mà thấy mình vẫn như xưa, làm sao giáo dục đổi mới?”. [1]
Những chia sẻ mong muốn của Bộ trưởng cũng là mong muốn chung của toàn xã hội. Việc triển khai chương trình 2018 tất nhiên còn nhiều bất cập nhưng đội ngũ nhà giáo cần tiên phong tự thay đổi mình trước.
Mỗi ngày lên lớp, phần lớn chỉ có giáo viên và học sinh với nhau. Mỗi năm, nhà trường chỉ dự giờ một vài tiết nên cơ bản thầy cô là người độc lập trong công việc của mình. Nếu không đổi mới, ít đầu tư cho chuyên môn và vẫn luôn lệ thuộc quá nhiều vào đồng nghiệp sẽ khó có hiệu quả tốt trong công việc.
Học trò bây giờ không thụ động nghe thầy cô giảng bài như nhiều năm về trước. Các em học ở nhiều kênh khác nhau, học thêm với nhiều thầy cô khác nhau. Vì thế, giáo viên không thay đổi, không làm mới mình sẽ tự làm mất hình ảnh của mình trước học trò, nhất là các lớp ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Bên cạnh sự thay đổi của giáo viên thì lãnh đạo Bộ, Sở, Phòng cũng cần thay đổi. Sự thay đổi không đơn thuần là các kế hoạch chuyên môn được chỉnh sửa ngày tháng qua từng năm rồi ban hành. Những khó khăn khi thực hiện chương trình mới đã, đang và sẽ có rất nhiều nên lãnh đạo ngành cùng chung tay tháo gỡ.
Khi về cơ sở cần có những động viên, sẻ chia và đồng cảm với nỗi vất vả của giáo viên. Đừng buông ra những lời chỉ đạo trịnh thượng bằng những từ ngữ sáo rỗng, chung chung, như: “Các thầy cô phải thay đổi…; các thầy cô phải làm như thế nào…nhưng thay đổi như thế nào, làm như thế nào thì lãnh đạo cấp trên cũng…không biết, không nói.
Bên cạnh đó, Ban giám hiệu nhà trường cũng cần thay đổi để giảm áp lực cho giáo viên trong đơn vị. Những loại kế hoạch, hồ sơ, sổ sách, họp hành không cần thiết thì bỏ cho giáo viên. Ban giám hiệu dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm và tranh thủ ý kiến tham mưu, lắng nghe từ đội ngũ nhà giáo thì sẽ hạn chế những điều bất cập.
Một khi lãnh đạo, quản lý ngành, nhà trường thay đổi, giáo viên thay đổi thì chất lượng, hiệu quả giáo dục sẽ thay đổi, mọi thứ sẽ cộng hưởng và làm nên sự thành công. Nếu không, mọi thứ sẽ còn khó khăn ở phía trước.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vietnamnet.vn/bo-truong-giao-duc-hieu-truong-khong-phai-la-nhung-ong-quan-trong-truong-hoc-2177706.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.