Những “cú đánh” vào tinh giản biên chế

22/07/2016 07:54
Ths. Trương Khắc Trà
(GDVN) - Công tác cán bộ là nhiệm vụ cốt cán, quyết định sự thành bại của cả công cuộc đổi mới nên không thể có chuyện “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

LTS: Trong mười nhiệm vụ được đề ra về công tác xây dựng Đảng tại Văn Kiện Đại hội XII của Đảng có nêu rõ phải:

“Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. 

Tuy nhiên, trong công tác bổ nhiệm cán bộ và cắt giảm biên chế bộ máy Nhà nước hiện nay hình như vẫn chưa được thực hiện nghiêm, Ths. Trương Khắc Trà đã có bài viết chứng minh cho quan điểm của mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Trong lúc các cơ quan hữu quan ở Trung ương đang đau đầu với con số 11 triệu người hưởng lương và những khoản mang tính chất lương đang ăn “thủng” ngân sách thì ở nhiều địa phương liên tiếp giáng những “cú đánh” chí mạng vào chính sách tinh giản biên chế, đó là hiện tượng mà báo chí gọi là “lạm phát cấp phó”, “khủng hoảng thừa lãnh đạo”…

Thuật ngữ “khủng hoảng thừa” thường dùng trong lĩnh vực kinh tế thị trường, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 -1933 thuật ngữ này đã trở nên thông dụng. Các nước tư bản lúc bấy giờ giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế do “khủng hoảng thừa” gây ra bằng cách đổ bỏ tất cả hàng hóa ra biển hoặc tiêu hủy chúng.

Những “cú đánh” vào tinh giản biên chế ảnh 1

Thanh Hóa nói việc bổ nhiệm 8 Phó Giám đốc Sở là... "đúng quy trình”

(GDVN) - Lãnh đạo Sở Nội vụ Thanh Hóa cho biết, việc bổ nhiệm thêm 2 Phó Giám đốc Sở NN&PTNT là căn cứ vào nhu cầu công việc và được thực hiện đúng quy trình.

Những người làm công tác tinh giản biên chế hiện nay cũng không khác mấy với việc tham gia giải quyết một cuộc “khủng hoảng thừa” nhưng đây là thừa con người, thừa chức danh.

Tuyệt nhiên việc giải quyết “thừa con người” khó khăn phức tạp gấp bội lần việc giải quyết những kiện hàng thừa, nhưng mọi thứ đều chung một nguyên tắc: thừa là bỏ chứ không tiếc rẻ, việc du di tiếc rẻ chỉ làm tình hình tồi tệ thêm mà thôi!

Cuộc “khủng hoảng thừa” nhân sự đã đạt đến đỉnh điểm khi báo chí phanh phui vụ việc tại Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai: Sở này có 45 cán bộ thì có đến 21 vị trí lãnh đạo, hay Sở Xây dựng có 33 cán bộ nhưng 17 người làm lãnh đạo… [1]

Tranh biếm họa về tinh giản biên chế (Ảnh: Vietnamnet.vn).
Tranh biếm họa về tinh giản biên chế (Ảnh: Vietnamnet.vn).

Bình quân một sếp lãnh đạo một nhân viên!

Mật độ “sếp” ở hai Sở này có lẽ… chẳng nơi nào có được! Bởi không nơi đâu người ta lại “bố trí” những chức vụ lãnh đạo nhiều đến như vậy, đặc biệt là ở địa phương nghèo như Gia Lai

Nhiều lãnh đạo là thế nhưng người ta cũng chẳng thấy tỉnh này có gì nổi bật về du lịch hay thể thao ngoài Học viện Bóng đá HAGL-JMG và câu lạc bộ HAGL thuộc sở hữu của ông bầu Đoàn Nguyên Đức!

Theo Thông tư liên tịch của Bộ VH-TT&DL - Bộ Nội vụ số 43/2008/TTLT-BVHTTDL-BNV và Thông tư liên tịch Bộ VH-TT&DL-Bộ NV số 07/2015 đều có quy định về tổ chức lãnh đạo của Sở VH-TT&DL là chỉ có một Giám đốc và không quá ba Phó Giám đốc.

Nhưng lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh này giải thích rằng: “Sở Văn hóa có năm Phó giám đốc là do nhập từ hai Sở cũ (Sở Văn hóa thông tin và Sở Thể dục thể thao) theo nghị định trước đây, những cấp phó là những cán bộ chưa hết tuổi, người ta còn đang giữ chức vụ thì bây giờ chả nhẽ cắt chức người ta”?. [2]

Những “cú đánh” vào tinh giản biên chế ảnh 3

“Nhóm lợi ích” đang chuẩn bị để đối phó với quyết tâm của Tổng Bí thư?

(GDVN) - Tạo ra một tiền lệ phải chăng là cách mà các “nhóm lợi ích” đang chuẩn bị để đối phó với quyết tâm chống tham nhũng của Tổng Bí thư?

Vậy là đã rõ, việc bố trí cấp phó đã phớt lờ chỉ đạo của Trung ương để đến khi báo chí phanh phui dư luận bàng hoàng thì không “nỡ” cắt chức vì… đã có tuổi! 

Nếu địa phương nào cũng ào ạt bổ nhiệm rồi vin vào cái cớ “tuổi tác”, “tình nghĩa” để rồi nhắm mắt làm ngơ thì đến bao giờ mới hoàn thành nhiệm vụ “tinh” và “giảm” biên chế?.

Nên nhớ rằng Phó Sở là chức danh không hề nhỏ “râu ria” của nó là xe công, là phụ cấp chức vụ, là chế độ ưu tiên, là phòng riêng, là cả họ được nhờ… đủ các thứ có thể tiêu vào ngân sách quốc gia.

Mấy hôm nay Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa đang “trơ gan cùng tuế nguyệt” bởi số lượng 8 Phó giám đốc của Sở này khiến dư luận không khỏi đặt những câu hỏi liên quan đến việc thực thi chỉ đạo của Trung ương và những cú “phê bút” bổ nhiệm liệu có hơi thở của “nén bạc đâm toạc tờ giấy”?

Ông Lê Như Tuấn, Giám đốc Sở này phân bua việc bổ nhiệm thêm cấp phó xuất phát từ nhu cầu thực tế công việc: “Quy định là vậy, nhưng cũng phải phụ thuộc vào hoàn cảnh thực tế. Thật ra trong 8 Phó giám đốc đã được bổ nhiệm, có người sắp về hưu, có người kiêm nhiệm, có người công tác theo hình thức “phái cử”, hưởng chế độ ngoài Trung ương”. [3]

Nói như ông Tuấn thì phải chăng quy định số lượng Phó giám đốc Sở tại Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV, ngày 25/3/2015  giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với Bộ Nội vụ là xa rời tình hình thực tế?.

Trong khi đó Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Nguyễn Tiến Dĩnh khẳng định, việc bổ nhiệm cán bộ phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Cán bộ thuộc diện Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa quản lý, nhưng việc bổ nhiệm phải theo quy định, nghị định của Chính phủ về công tác cán bộ, chứ làm sao mà ông có thể tự ý, thích thì bổ nhiệm (?).

Ở một diễn biến khác công tác tinh giản biên chế 6 tháng đầu năm 2016 mới “giải quyết” được 10.000 trường hợp, chỉ bằng ¼ chỉ tiêu đề ra! [4] 

Chẳng biết trong đó có bao nhiêu “cấp phó” bị lạm phát được tinh giản, không khéo công tác tinh giản biên chế rơi vào nghịch cảnh bóp đầu này lòi đầu kia, tinh giản nhân viên nhưng lại “phình” lãnh đạo!

Cố nhiên, tinh giản lãnh đạo khó hơn trăm ngàn lần so với tinh giản nhân viên và những người sắp về hưu, bởi lãnh đạo nào mà chẳng thành tích đầy mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì cớ sao lại “quy chụp” yếu kém, không đủ năng lực?

Công tác cán bộ là nhiệm vụ cốt cán, quyết định sự thành bại của cả công cuộc đổi mới nên không thể có chuyện “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, “trên bảo dưới không nghe” bổ nhiệm theo kiểu “cát cứ”, cục bộ địa phương.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://dantri.com.vn/xa-hoi/so-33-nguoi-thi-17-nguoi-la-lanh-dao-20160506065502514.htm
[2]http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/lam-phat-lanh-dao-o-gia-lai-tinh-yeu-cau-bao-cao-3308965/
[3] http://giaoduc.net.vn/Ban-doc/Bo-nhiem-8-Pho--Giam-doc-So-de-nghi-tach-Thanh-Hoa-thanh-3-tinh-post169490.gd
[4] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/313281/6-thang-tinh-gian-10-000-nguoi.html

Ths. Trương Khắc Trà