Cũng như nhiều công việc khác, dạy học cũng là một nghề kiếm sống trong xã hội! Qua bốn năm đào tạo sư phạm, các sinh viên được học, cung cấp về kiến thức chuyên môn, kiến thức sư phạm và nhiều kỹ năng liên quan khác để phục vụ cho nghề nghiệp của mình sau này.
Khi tôi thi đậu vào đại học sư phạm sau gần bốn năm công tác, chiến đấu ở chiến trường miền tây Nam bộ; bố tôi bảo: “Phải cố gắng thật nhiều trong rèn luyện nhân cách để làm thầy! Ăn được đồng lương của Nhà nước không dễ dàng đâu!”.
Thấm thía lời nhắn nhủ của bố, tôi cố gắng học tập, rèn luyện và tốt nghiệp ra trường, bước vào nghề “cao quý” với bao chập chững ban đầu…
Ảnh minh họa, nguồn: mamon.com. |
Vậy mà gần 40 năm trôi qua, trong đó có 35 năm dạy học và 4 năm tôi về hưu. Nhìn lại quãng đường đã qua, trong tôi có rất nhiều điều đọng lại với bao kỷ niệm vui buồn của nghề dạy học…
Thứ nhất: Một khi đã chấp nhận theo nghề dạy học, mình có một nghề gắn bó máu thịt, theo suốt cuộc đời bởi mình đã suy nghĩ, đã chọn ngay từ đầu.
Người thầy giáo chân chính là người luôn có lối sống chuẩn mực; từ bước đi, giọng nói, cách nói đến cách đối nhân xử thế với đời, với mọi người.
Thứ hai: Người thầy giáo luôn sống, làm việc có trách nhiệm cao. Đó là trách nhiệm với nhà trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó là trách nhiệm đối với gia đình, với vợ con… Cao hơn nữa là trách nhiệm đối với xã hội, với cộng đồng… Chẳng thế mà người xưa đã nói: “Đêm nằm nghĩ lại mà coi/ Lấy chồng hay chữ như soi gương vàng” là vậy.
Thứ ba: Nghề dạy học cũng tạo cho bản thân mình một phương pháp sư phạm khi dạy con, dạy cháu. Con cháu của thầy cô phần nhiều chăm ngoan, lễ độ, học tốt và luôn thành công trong cuộc sống.
Vì tấm gương cha mẹ là gần gũi nhất, sinh động nhất của con cháu. Có thể nói rằng đây là phần “lời” nhất của cuộc đời giáo viên!
Thứ tư: Dù trong hoàn cảnh nào, người thầy luôn được xã hội tôn trọng, tôn vinh và mọi người luôn nhìn vào người thầy để học, để làm theo, để dạy con cháu…
Thứ năm: Chính nghề dạy học đã “tự dạy” cho nhiều người thầy! Có nhiều giáo viên khi mới vào nghề hoặc do hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh sống nên thường hay cáu gắt, nóng nảy hoặc nói năng, cư xử chưa thật sự chuẩn mực….
Nhưng từng bước, với sự cố gắng của bản thân, được sự giúp đỡ chân tình của đồng nghiệp, của học trò; họ đã tu sửa bản thân ngày càng hoàn thiện để xứng đáng là người thầy đứng trên bục giảng.
Hiện nay, người thầy trong nhà trường đang gặp rất nhiều áp lực từ bên ngoài lẫn bên trong. Nhưng theo tôi, đây chính là những thời điểm thử thách bản lĩnh của người thầy…
Hãy vượt qua mọi áp lực bằng việc tu dưỡng, học tập, say mê với bộ môn, say mê với nghề…
Con đường dạy học cũng không hề bằng phẳng mà luôn có những bước ngoặt; có những đòi hỏi ngày càng cao của yêu cầu truyền thụ kiến thức. Một khi đã say mê, hết mình về nghề nghiệp thì không một khó khăn nào ngăn cản chúng ta được...