LTS: Chia sẻ về ý nghĩa và lòng biết ơn của mình đối với nghề dạy học – nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, Thạc sĩ Lê Đức Đồng đã gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Khi chọn vào học ngành Văn, Đại học Cần Thơ năm 1977, bản thân tôi đã trải qua gần bốn năm chiến đấu và công tác ở chiến trường miền Tây Nam bộ.
Xác định việc học hôm nay là để cho tương lai nên tôi đã hết sức cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn của thời bao cấp để học tập tốt.
Trải qua hơn 35 năm trong nghề dạy học, tôi về hưu khi đến tuổi và có dịp ngồi suy nghĩ lại, tôi tự hỏi: nghề dạy học đã cho tôi những gì?
Người thầy với tấm lòng yêu thương học sinh (Ảnh minh họa: vtv.vn). |
Trước hết, dạy học là một công việc mang tính khoa học cao và người dạy học phải có năng khiếu, có tố chất của một nghệ sĩ, một nhà tâm lý; một nhà sư phạm, một nhà xã hội học, hiểu biết nhiều và có chiều sâu về mọi vấn đề…
Thời nào, giai đoạn nào cũng vậy, có rất nhiều áp lực đè nặng lên đôi vai của người dạy học. Đó là điều tất nhiên vì con người chỉ trưởng thành, cứng cáp hơn khi va đập với mọi thử thách…
Một là: Nghề dạy học cho tôi được vốn kiến thức về chuyên môn, về cuộc sống. Do được trải nghiệm trong đời người chiến sĩ, tôi càng thấm thía hơn những tình cảm của người dân Nam Bộ đối với cách mạng trong những năm kháng chiến. Tôi cảm thấy mắc nợ rất nhiều và chọn nghề dạy học để trả món nợ này!
Hai là: Nghề dạy học đã làm cho tôi luôn siêng năng, cần cù, chịu khó; nhất là tạo thành thói quen, niềm yêu thích đọc sách để không ngừng tự học, tự nâng cao trình độ, hiểu biết của bản thân. Vì vậy, tôi luôn được đồng nghiệp và học trò tin yêu, thương mến.
Bên cạnh đó, nghề dạy học còn cho tôi tấm lòng thương yêu học sinh, thương yêu con người, luôn bao dung, độ lượng…
Ba là: Nghề dạy học cho tôi phương pháp dạy con khoa học, không gò ép con theo ý thích của mình mà luôn mở khoảng trời cho con tự phát triển. Nhiều gia đình nhà giáo đều có con thành đạt đều nhờ cách dạy con của mình.
Có một người thầy như thế |
Bốn là: Nói thiệt tình, những ngày đầu đi dạy học (từ 1981 ra trường), bản thân nhiều khi còn nóng nảy, thiếu kiềm chế trong khi xử lý các tình huống sư phạm.
Nhưng đúng là “nghề dạy nghề”, được đồng nghiệp, phụ huynh tâm tình, góp ý; bản thân trở nên chững chạc, mực thước trong lời ăn tiếng nói, biết kiềm chế cảm xúc, làm chủ cảm xúc và có hiệu quả hơn trong xử lý tình huống…
Năm là: Nghề dạy học đã “dạy” tôi biết giữ cuộc sống gia đình hòa thuận; biết chia sẻ công việc gia đình, biết nhường nhịn, thương yêu.
Người thầy là “thần tượng” trong mắt học trò; được xã hội, các tầng lớp nhân dân tôn trọng nên tôi rất ít khi ngồi nhậu vỉa hè; ăn nói ba hoa, “nổ” tơi bời giữa đám đông vì tư cách nhà giáo không cho phép làm điều đó!
Sáu là: Nghề dạy học đã mang lại cho tôi nhiều hạnh phúc, nhiều niềm vui khi nhiều thế hệ học sinh trưởng thành, thành đạt trong mọi lĩnh vực xã hội, đời sống.
Hạnh phúc nào hơn khi gặp học trò, cả thầy và trò tóc bạc như nhau mà các em vẫn một “Thưa Thầy”, hai “Thưa Thầy” thật cảm động!
Nghề dạy học quả là một nghề cao quý, thiêng liêng. Dù xã hội thay đổi, dù thời gian cứ trôi nhưng tôi luôn biết ơn vì nghề dạy học đã “dạy” tôi nên người.
Đời sống vật chất của nhà giáo có thể không bằng những người làm kinh tế, làm các ngành nghề khác nhưng chắc chắn một điều là đời sống tinh thần của nhà giáo luôn cao hơn, sâu sắc hơn vì nhà giáo suốt đời làm công việc thầm lặng: công việc “trồng người” cho tương lai, cho đất nước!