Những học sinh nào phải ôn tập, kiểm tra lại trong hè?

30/06/2023 06:38
NGUYÊN KHANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo hướng dẫn của Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT thì học sinh Chưa đạt (dưới 5,0 điểm) môn học nào sẽ phải kiểm tra lại trong hè môn học đó.

Hiện nay, các cấp học phổ thông chỉ có các kỳ thi như sau: thi tuyển sinh 10; thi tốt nghiệp trung học phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp...Thế nhưng, nhiều người vẫn thường gọi “thi học kỳ”; “thi lại” và ngay cả một số giáo viên đang trực tiếp giảng dạy ở các nhà trường cũng mắc phải nhầm lẫn này.

Vì thế, trong các nhà trường phổ thông- trừ các lớp cuối cấp, lớp 5, lớp 9, lớp 12 thì hàng năm vẫn có một số em phải thực hiện kiểm tra lại trong dịp hè để xét để lấy kết quả xét lên lớp hoặc phải ở lại lớp. Tuy nhiên, trong năm học 2022-2023 vừa kết thúc có nhiều điểm khác biệt so với trước đây.

Trong bài viết này, chúng tôi tập trung đề cập về những trường hợp học sinh phải kiểm tra lại trong hè ở cấp trung học phổ thông và trung học cơ sở. Trong đó, có nhiều điểm khác biệt cơ bản đối với những lớp đang thực hiện chương trình 2006 và những lớp đã thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo giaoducvathoidai.vn

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo giaoducvathoidai.vn

Học sinh cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông đang được đánh giá, xếp loại ra sao?

Trong năm học 2022-2023 vừa qua, học sinh cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông thực hiện 2 chương trình giáo dục phổ thông song song với nhau. Những lớp đang thực hiện chương trình hiện hành (chương trình 2006) là lớp 8, lớp 9, lớp 11, lớp 12. Những lớp thực hiện chương trình 2018 bao gồm các lớp 6, lớp 7 và lớp 10.

Bởi vì thực hiện 2 chương trình giáo dục khác nhau nên ở 2 cấp học này cũng có 2 văn bản hướng dẫn đánh giá, xếp loại học lực của học sinh khác nhau.

Chương trình 2006 là Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chương trình 2018 sẽ thực hiện đánh giá, xếp loại học sinh theo hướng dẫn của Thông tư số Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT.

Chính vì 2 chương trình học khác nhau, 2 hướng dẫn đánh giá, xếp loại học sinh khác nhau nên dù học sinh học cùng một cấp học nhưng cũng có mức học lực, danh hiệu học tập khác nhau.

Nếu như những lớp đang thực hiện chương trình 2006, áp dụng đánh giá, xếp loại theo Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT thì học lực của học sinh có 5 mức: Giỏi; Khá; Trung bình; Yếu; Kém và có 2 danh hiệu học tập, đó là: Học sinh Giỏi; Học sinh Tiên tiến.

Những học sinh đang học chương trình 2018, kết quả học tập trong từng học kì và cả năm học được đánh giá theo 01 (một) trong 04 (bốn) mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt. Khen thưởng cũng có 2 danh hiệu, nhưng yêu cầu và tên gọi có khác, đó là: Học sinh Xuất sắc; Học sinh Giỏi.

Những học sinh nào phải thực hiện việc ôn tập và kiểm tra lại trong dịp hè?

Chính vì cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông đang thực hiện 2 chương trình khác nhau, 2 văn bản hướng dẫn đánh giá, xếp loại khác nhau nên trong năm học vừa qua những học sinh có điểm một số môn học dưới trung bình cũng thực hiện kiểm tra lại trong hè khác nhau.

Đối với những lớp đang thực hiện chương trình 2006 là lớp 8 và lớp 11 (lớp 9 và lớp 12 đã kết thúc cấp học), thì theo quy định tại Điều 16, Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT hướng dẫn:

Học sinh xếp loại hạnh kiểm cả năm học từ trung bình trở lên nhưng học lực cả năm học xếp loại yếu, được chọn một số môn học trong các môn học có điểm trung bình cả năm học dưới 5,0 hoặc có kết quả xếp loại chưa đạt để kiểm tra lại.

Kết quả kiểm tra lại được lấy thay thế cho kết quả xếp loại cả năm học của môn học đó để tính lại điểm trung bình các môn cả năm học và xếp loại lại về học lực; nếu đạt loại trung bình thì được lên lớp”.

Vì thế, một số học sinh bị nhiều môn có điểm dưới trung bình thì nhà trường cũng chỉ lựa chọn một số môn cho học sinh kiểm tra lại trong hè là được, chứ không nhất thiết là tất cả các môn dưới trung bình đều phải kiểm tra lại.

Điều đặc biệt là đối với học sinh kiểm tra lại trong hè đối với năm học 2022-2023 là những lớp cuối cùng của chương trình 2006 nên việc phải kiểm tra lại có lẽ cũng chỉ mang tính hình thức vì cho dù không đủ điểm trung bình thì nhà trường cũng “tìm cách” để học sinh lên lớp vì không thể xếp các em này vào học với các em sẽ học chương trình 2018 trong năm học tới đây nên sẽ không có học sinh phải ở lại lớp.

Tuy nhiên, đối với những học sinh đã học chương trình 2018 (lớp 6, lớp 7 và lớp 10) và thực hiện theo đánh giá, xếp loại của Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT thì hoàn toàn khác. Những học sinh Chưa đạt ở môn nào phải kiểm tra lại môn đó và các em kiểm tra lại nếu tiếp tục không Đạt sẽ phải ở lại lớp vì các lớp sau đang thực hiện cùng 1 chương trình giáo dục phổ thông.

Bởi lẽ, tại Điều 14, Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT hướng dẫn như sau: “Đối với những học sinh chưa đủ điều kiện được lên lớp nhưng có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá từ mức Đạt trở lên, kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Chưa đạt thì được đánh giá lại kết quả học tập các môn học được đánh giá mức Chưa đạt (đối với môn học đánh giá bằng nhận xét) và các môn học có điểm trung bình môn cả năm dưới 5,0 điểm (đối với môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số).

Kết quả đánh giá lại của môn học nào được sử dụng thay thế cho kết quả học tập cả năm học của môn học đó để xét lên lớp theo quy định tại Điều 12 Thông tư này”.

Chính vì thế, khi thực hiện chương trình 2018 và Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT, học sinh Chưa đạt môn học nào sẽ phải kiểm tra lại trong hè môn học đó. Điều này không chỉ khiến cho một số học sinh bỡ ngỡ mà một số giáo viên được phân công ôn tập, kiểm tra lại trong hè năm nay cũng nếu không đọc kĩ văn bản hướng dẫn cũng sẽ lúng túng.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG