Tôi xin phép gọi Giáo sư Trần Hồng Quân bằng "anh" để bày tỏ lòng kính yêu và quý mến của mình.
Tôi được điều về làm chuyên viên Vụ Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo từ cuối 1989. Từ đấy đến nay, công việc của tôi cứ gắn với anh Trần Hồng Quân một cách tự nhiên. Nay anh đã đi xa, biết bao kỷ niệm, ấn tượng tốt đẹp về anh trở lại trong tôi. Xin kể ra đây đôi điều.
Anh Trần Hồng Quân luôn lắng nghe đồng nghiệp
Năm 1988, trong một buổi họp Bộ môn Máy Nông nghiệp (lúc bấy giờ tôi là giảng viên). Anh Nguyễn Bảng - Trưởng bộ môn phổ biến, trường ta sẽ được tuyển sinh hệ “mở rộng”. Bấy giờ chúng tôi hiểu đại khái, hệ này có điểm đầu vào thấp hơn so với hệ chính quy, phải đóng học phí và học chung với hệ chính quy.
Mãi đến những năm gần đây, tôi và anh Quân đều đã nghỉ hưu và cùng làm việc tại Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, tôi mới hỏi anh Quân về “gốc rễ” của một số việc, tôi mới rõ sự xuất hiện của hệ “mở rộng”.
Giáo sư Trần Hồng Quân tham dự Hội nghị Ban thường vụ Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam năm 2022. |
Anh Quân kể: “Cả nước lúc đó có 95 trường đại học cao đẳng, nhưng tuyển sinh mỗi năm chỉ vào khoảng 18.000 sinh viên, đó là năm khá hơn đấy. Mấy năm khó khăn nhất thì chỉ tuyển 8.000 – 10.000 sinh viên/ năm. Có trường lớn cũng chỉ cho tuyển một vài trăm sinh viên mỗi năm”.
Rồi trong buổi họp gặp mặt đầu tiên với tư cách là Bộ trưởng với cán bộ chủ chốt cơ quan Bộ (gồm Thứ trưởng, Vụ trưởng, Vụ phó,...). Hôm đó anh Quân nói với anh em rằng: “Chắc các đồng chí đang chờ ở Bộ trưởng mới xem có một ý tưởng, một chủ trương mới gì và chắc sẽ được chuẩn bị trong bài phát biểu mang ra đọc?
Xin thưa với các đồng chí, tôi chưa có gì cả! Tôi chỉ có một yêu cầu với các đồng chí là: Đấy, thực trạng của nền giáo dục đại học của chúng ta là như thế đó. Các đồng chí có sáng kiến gì, có ý tưởng gì để đổi mới, để tháo gỡ khó khăn mà tiến lên?
Tôi muốn các đồng chí cứ trao đổi, thảo luận thật sự thoải mái, có thể có ý kiến theo hướng này, theo cách kia cũng được, cứ tự do thoải mái, nói một ý hay nhiều ý, nói một mặt hay nhiều mặt, nói một lần hay nhiều lần… đều được.
Chúng ta sẽ dành 2 tuần để thảo luận, trao đổi. Mỗi đơn vị cấp Vụ, Phòng là một đơn vị trao đổi; hàng ngày có báo cáo về Phòng Tổng hợp tất cả ý kiến, sáng kiến của các đơn vị, Bộ trưởng sẽ trực tiếp nghiên cứu...”.
Có thể nói, các ý kiến cực kỳ đa dạng, phong phú, không khí thảo luận hết sức sôi nổi, ai cũng cảm nhận không khí tự do, dân chủ. Tất nhiên cũng có ý kiến bảo thủ, có ý kiến tích cực, có ý kiến đặt lại vấn đề về quan điểm, đưa ra quan điểm hết sức mới,..., đến nỗi Phòng Tổng hợp báo cáo là không tổng kết được, rất khác nhau, gom lại cũng khó.
Dẫu vậy, anh Quân đã đưa ra một số nhận định rồi tiếp tục chỉ đạo cho thảo luận thêm một tuần nữa. Trên cơ sở đó chuẩn bị tổ chức một hội nghị vào dịp các trường nghỉ hè năm 1987 tại Nha Trang.
Sau này nhắc tới hội nghị này, mọi người thường nói Hội nghị Nha Trang năm 1987.
Hồi cứu lại, Hội nghị trên diễn ra trong 9 ngày đầu tháng 8 năm 1987. Dự Hội nghị có Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và 137 cán bộ là hiệu trưởng, Bí thư Đảng uỷ các trường đại học trong cả nước, có 41 cán bộ làm công tác đào tạo thuộc các bộ ngành và các tỉnh, thành phố. Đương nhiên có cả các lãnh đạo Bộ, các vụ, viện, phòng chức năng trực thuộc Bộ.
Những người dự hội nghị ấy đều hài lòng về không khí thảo luận tự do dân chủ. Những ý kiến trái chiều, những kiến nghị mới đều được tôn trọng.
Trong phát biểu kết thúc Hội nghị, với tư cách Bộ trưởng, anh Quân nói: “Tại Hội nghị này, đã có đề xuất của một số trường về một loại hình đào tạo mới gọi là “đại học chính quy mở rộng” nhằm thu hút học sinh thi trượt đại học cùng học với học sinh trúng tuyển, chỉ khác là loại hình này phải đóng kinh phí đào tạo, Bộ sẽ nghiên cứu và sẽ thông báo ý kiến của Bộ”.
Và không chậm trễ, năm học 1988-1989, hệ “đại học chính quy mở rộng” được Bộ cho phép tuyển sinh. Hệ “mở rộng” xuất hiện thế đấy.
Đồng nghiệp đánh giá cao về cống hiến của Giáo sư Trần Hồng Quân
Trước thông tin Giáo sư Trần Hồng Quân mất vào 13 giờ 02 phút ngày 25/8/2023 khiến tôi sững người. Sau đó, tôi thông tin đến một số bạn bè, đọc facebook của một số đồng nghiệp.
Cùng những lời chia ly tiễn biệt, có đồng nghiệp xem anh Quân là “Nhà cải cách giáo dục đại học vĩ đại thập niên 1990”; có bạn từng làm quản lý giáo dục viết: “Những ai sống ở những năm 1980 đến gần 2000 mới thấy những ý tưởng, những chỉ đạo của Giáo sư Trần Hồng Quân với đổi mới giáo dục…vẫn còn mang tính thời sự cho đến ngày nay”.
Câu này khiến tôi nhớ 4 tiền đề làm nền tảng cho công cuộc đổi mới giáo dục đại học được anh Quân (với tư cách Bộ trưởng) trình bày tại Hội nghị đại học và cao đẳng tại Vũng Tàu tháng 8 năm 1988.
“Chúng ta hãy phân tích sâu thêm những tiền đề mới và những yêu cầu mới này. Đây là cơ sở quan trọng của cách nghĩ, cách làm mới trong giáo dục đào tạo. ..
Thứ nhất, đào tạo không phải chỉ thỏa mãn nhu cầu của kinh tế quốc doanh, cho biên chế Nhà nước mà phải nhằm thỏa mãn nhu cầu của 5 thành phần kinh tế, trong đó kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo, giáo dục không chỉ nhằm nâng cao chất lượng của lực lượng lao động mà còn nhằm nâng cao trí thức và hoàn thiện nhân cách của những người chủ nhân xã hội mới.
Thứ hai, không chỉ đào tạo bằng nguồn ngân sách Nhà nước mà phải huy động tất cả các nguồn kinh phí khác. Đó là sự đóng góp của các cơ sở sản xuất, của các tổ chức xã hội, vốn tự có do nghiên cứu khoa học và lao động sản xuất của nhà trường làm ra, vốn do hợp tác quốc tế mang lại.
Thứ ba, không chỉ đào tạo theo kế hoạch tập trung như một bộ phận của kế hoạch kinh tế, xã hội của Nhà nước, mà còn làm kế hoạch theo dự báo xu thế phát triển, theo đơn đặt hàng từ nhiều phía, mềm hóa cách xây dựng kế hoạch đào tạo.
Thứ tư, những nơi sử dụng người tốt nghiệp sẽ không tiếp tục thu nhận họ theo cơ chế hành chính bao cấp mà sẽ tiến hành chọn lọc theo sự thỏa thuận giữa nơi có nhu cầu và người được đào tạo. Những người tốt nghiệp có thể được giới thiệu hoặc tự tìm việc làm trong mọi thành phần kinh tế. Người đã được đào tạo thường có nhiều khả năng tìm việc làm hoặc tự tạo ra việc làm hơn. Người đã có chỗ làm việc cũng cần học thêm những ngành nghề khác để sử dụng có hiệu quả hơn thời gian nhàn rỗi trong nền kinh tế nhiều thành phần. Đó là những nhu cầu tự nhiên của sự phát triển đào tạo đại học và công nhân.
Bốn tiền đề mới này giúp giải quyết theo hướng mới hai mâu thuẫn tưởng chừng không thể giải quyết trong các điều kiện hiện nay là:
Mâu thuẫn giữa yêu cầu phát triển quy mô, nâng cao chất lượng với khả năng đầu tư của Nhà nước rất hạn chế và ngày càng suy giảm.
Mâu thuẫn giữa đào tạo và sử dụng, hai mặt này thường không khớp nhau, làm giảm đi nhiều hiệu quả của đào tạo”.
Trên trang facebook có một giáo sư chia sẻ rằng, ông luôn dặn học trò: “Giáo sư, Bộ trưởng Trần Hồng Quân là vị Bộ trưởng xuất sắc nhất trong vài thập niên lại đây”. Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Giáo sư Trần Văn Nhung ghi: “Vĩnh biệt Giáo sư Trần Hồng Quân - người luôn đau đáu với giáo dục nước nhà”....
Với tôi, những gì mà bạn bè, đồng nghiệp nhận định ở trên có thể tìm thấy qua những cống hiến của Giáo sư Trần Hồng Quân cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Được biết, ngày 27/8/2023, họ hàng thân thích, bạn bè gần xa đang trực tiếp viếng Giáo sư Trần Hồng Quân tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng số 5, Phạm Ngũ Lão, Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi viết bài này xem như một nén nhang tiễn biệt anh Quân về an nghỉ ở cõi vĩnh hằng.