Những năm tháng dạy học ở Trường Sa là hành trình trải nghiệm quý báu với tôi

02/02/2023 06:36
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thầy Nguyễn Hữu Phú chia sẻ: “Tôi được chọn ra Trường Sa dạy học vào cuối tháng 5/2018 sau khi hai lần viết đơn tình nguyện.

Trường Sa, quần đảo thiêng liêng của Tổ Quốc, pháo đài tiền tiêu, lá chắn vững chắc từ hướng biển, là không gian chiến lược đặc biệt quan trọng với quốc phòng, an ninh đất nước, luôn nằm trong trái tim người Việt Nam.

Nơi đầu sóng, đầu gió có những "chiến sĩ" cầm phấn đang sát cánh với chiến sĩ cầm súng, đại diện cho hàng triệu nhà giáo, góp sức mình bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Góp sức mình nhỏ bé vào sự nghiệp trồng người nơi đảo xa có thầy giáo Nguyễn Hữu Phú, giáo viên Trường Tiểu học xã Song Tử Tây, Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Đã ba năm qua vì học sinh thân yêu, thầy thầm lặng gieo chữ nơi đảo xa.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Phú chia sẻ "cơ duyên" mình đến với Trường Sa.

“Khi chưa đến Trường Sa, tôi được nghe, được đọc, được xem nhiều tin tức quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; về những chiến sĩ hải quân ngày đêm căng mình với gió sương, nắng cháy, chịu nhiều gian truân vất vả, quyết một lòng canh giữ biển đảo quê hương.

Trong lòng dâng lên niềm cảm phục các anh. Những gì được biết qua tin tức, hình ảnh đã thôi thúc tôi tự nhủ: "Đến khi tốt nghiệp sư phạm, bằng bất cứ giá nào cũng phải viết đơn tình nguyện xin ra Trường Sa dạy học cho bằng được".

Tôi khao khát, mong muốn chia sẻ, góp một phần công sức nhỏ bé của mình để cùng với các chiến sĩ xây dựng bảo vệ vùng trời, vùng biển của đất nước, vậy là tôi tình nguyện ra dạy học ở Trường Sa”.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Phú, giáo viên Trường Tiểu học xã Song Tử Tây, Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa - Ảnh NVCC

Thầy giáo Nguyễn Hữu Phú, giáo viên Trường Tiểu học xã Song Tử Tây, Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa - Ảnh NVCC

Thầy Nguyễn Hữu Phú chia sẻ: “Tôi được chọn ra Trường Sa dạy học vào cuối tháng 5/2018 sau khi hai lần viết đơn tình nguyện.

Sau 2 ngày khởi hành thời tiết đẹp, biển trong xanh dịu êm, đến ngày thứ 3, áp thấp nhiệt đới xuất hiện, di chuyển theo hướng tàu đang đi.

Rồi những ngày liên tiếp sau đó, áp thấp mạnh lên thành bão, con tàu của chúng tôi chao nghiêng, chòng chành.

Những con sóng cao đổ trắng xóa phủ lên cả mạn tàu. Anh em trong đoàn ai nấy đều nằm bẹp, trong đầu quay cuồng như chong chóng, ăn uống chỉ cầm hơi.

Trước đó, tôi mới chỉ thấy sóng gió Trường Sa qua tivi, khó có thể cảm nhận hết sự vất vả, nguy hiểm khôn lường nơi đầu sóng ngọn gió.

Khi đến đảo Song Tử Tây, vì sóng to gió lớn nên xuồng không đưa chúng tôi vào đảo được. Tàu phải neo đậu nhiều ngày vòng quanh bên ngoài đảo.

Chờ khi nào gió êm, sóng hạ xuống cấp 3, cấp 4 thì lúc đó mới an toàn để đưa chúng tôi vào đảo.

Mặc dù sóng gió đã êm hơn nhiều so với lúc trước nhưng việc đưa chúng tôi vào đảo cũng gặp vô cùng khó khăn.

Các chiến sĩ phải ra sức căng kéo dây giằng, quần thảo với sóng để giữ xuồng không bị lật. Có nhiều chiến sĩ bị bong tróc da tay đến chảy máu vì giữ dây cho chúng tôi được lên và xuống xuồng cho an toàn.

Thấy anh em bị thương, tôi hỏi, một chiến sĩ trả lời: "Anh em đã quá quen như vậy rồi. Vào những mùa biển động, việc đưa ngư dân lên bờ còn vất vả hơn nhiều". Nghe chiến sĩ nói, tôi lặng nhìn, thầm cảm phục, biết ơn các anh”.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Phú, đang dạy học tại Trường Tiểu học xã Song Tử Tây, Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa - Ảnh NVCCThầy giáo Nguyễn Hữu Phú, đang dạy học tại Trường Tiểu học xã Song Tử Tây, Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa - Ảnh NVCC

Nói về cái nắng, cái gió nơi đảo xa, thầy Nguyễn Hữu Phú chia sẻ: “Đến hôm nay, tôi giảng dạy tại Trường Tiểu học xã đảo Song Tử Tây được 3 năm.

Khi ra đến nơi đây mới biết, mới thấu hiểu tường tận hết được cụm từ "thời tiết khắc nghiệt" là như thế nào, nắng, gió, bão ở Trường Sa khác hẳn ở đất liền.

Cái nắng ở đây là cái nắng cháy khét nồng, gió táp sém da, bão cuộn sóng cao quăng quật điên cuồng, trắng xóa bốn bề, nhưng các anh chiến sĩ vẫn ngày đêm súng chắc trong tay, hiên ngang canh giữ biển trời tổ quốc.

Khi đến mùa biển động, có bão, tôi nhìn thấy những con sóng cao hàng chục mét như muốn nuốt chửng những chiếc tàu đang chao đảo giữa mênh mông biển cả bất cứ lúc nào”.

Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ đi dân nhớ, ở dân thương, vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh, được thầy Nguyễn Hữu Phú kể lại: “Mặc dù lúc trời đang giông gió, các anh ở đội âu tàu vẫn ra đứng bờ kè trước cửa âu, cầm cờ báo hiệu, hướng dẫn tàu thuyền đi vào trong âu để tránh trú.

Còn các anh trong ban chỉ huy đảo đội mưa gió đi khắp nẻo, gõ từng nhà, thăm hỏi, động viên, dặn dò từng li từng tí một.

Các anh huy động chiến sĩ phụ giúp dân chằng chống nhà cửa, giúp ngư dân neo, cột dây tàu thuyền, luôn theo dõi sát sao tình hình mưa bão để ứng phó bảo vệ đồng bào kịp thời. Khi mưa bão qua đi, các anh trong ban chỉ huy đảo gọi các chiến sĩ đến phụ thu dọn những cây gãy đổ và tặng những vật phẩm như mì gói, đồ hộp...

Còn các anh quân y thì thăm khám, cấp thuốc men cho các ngư dân để tiếp tục vươn khơi bám biển”.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Phú, cùng học sinh Trường Tiểu học xã Song Tử Tây, Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa - Ảnh NVCC

Thầy giáo Nguyễn Hữu Phú, cùng học sinh Trường Tiểu học xã Song Tử Tây, Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa - Ảnh NVCC

Nói về kỷ niệm sâu sắc nơi đảo xa, thầy Nguyễn Hữu Phú cho biết: “Một trong những hình ảnh gây cho tôi xúc động, đầy niềm tự hào, thiêng liêng đó là buổi lễ chào cờ trước cột mốc chủ quyền.

Tôi đã từng dự lễ chào cờ trong suốt bao nhiêu năm học trong trường phổ thông, nhưng lần chào cờ nơi cột mốc chủ quyền tôi không kìm nén nỗi xúc động, đã rơi nước mắt.

Tất cả mọi người xếp hàng ngay ngắn, thẳng tắp trước cột mốc, trước lá cờ Tổ quốc, người quân nhân bước lên dõng dạc, đanh thép đọc mười lời thề, ai nấy đều tập trung hát Quốc ca trên nền nhạc với khí thế hào hùng. Trong tôi, lòng tự hào, tự tôn dân tộc trỗi dậy mãnh liệt.

Tất cả những hình ảnh đó đã giúp tôi mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn, càng yêu biển đảo quê hương mình hơn.

Những năm tháng dạy học ở Trường Sa là hành trình trải nghiệm quý báu để mai này trở về đất liền, tôi lại tiếp tục đưa vào bài giảng, kể cho các em, thế hệ mai sau về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Xa đất liền, nhưng thầy giáo Nguyễn Hữu Phú vẫn luôn tự học, tự nghiên cứu để cập nhật chương trình mới, không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá

Thầy Nguyễn Hữu Phú làm đồ dùng dạy học. Ảnh NVCC

Thầy Nguyễn Hữu Phú làm đồ dùng dạy học. Ảnh NVCC

Từ những chai nhựa, thầy Nguyễn Hữu Phú đã "thổi hồn", biến thành đồ dùng dạy học, thành tiết học áp dụng STEM, được học sinh đón nhận hào hứng.

Học sinh Trường Tiểu học xã Song Tử Tây hào hứng lắp đặt tên lửa nước. Ảnh NVCC

Học sinh Trường Tiểu học xã Song Tử Tây hào hứng lắp đặt tên lửa nước. Ảnh NVCC

Trường Sa anh hùng, luôn là niềm kiêu hãnh của mỗi người dân Việt Nam, đã và đang được những "người lính" cầm phấn góp sức trẻ bảo vệ và xây dựng.

Sơn Quang Huyến