Được vào dân công tải hàng vì biết đi xe đạp
60 năm trước trong chiến thắng chiến dịch Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2014) ngoài những người lính Điện Biên Phủ tham gia trực tiếp đánh giặc tại các cứ điểm quan trọng thì còn một lực lượng thầm lặng tham gia phục vụ và có công rất lớn góp phần cho chiến dịch giành chiến thắng. Đó chính là những người dân công xe thồ chở hàng phục vụ chiến dịch. Họ đã đi bộ hàng nghìn cây số để thồ hàng, đến chảy cả máu chân, chai sần lòng bàn chân để kịp chi viện cho bộ đội đánh thực dân Pháp nơi lòng chảo Điện Biên.
Trong bài thơ “Hoan hô chiến sỹ Điện Biên” nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu cũng đã nhắc đến những người lính thầm lặng này: "Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ - Đèo Lũng Lô anh hò chị hát".
Người dân công xe thồ Điện Biên Phủ, Trần Nhật Hợi vẫn nhớ mãi những ngày tháng gian khổ và hào hùng 60 năm trước. |
Chúng tôi đã tìm và gặp được một người lính xe thồ tham gia chiến dịch năm xưa đó là ông Trần Nhật Hợi (SN 1932, xóm 2, Diễn Hạnh, Diễn Châu, Nghệ An). Ngay ở đầu cuộc trò chuyện ông Hợi đã tâm sự: “Mang tiếng tham gia chiến dịch nhưng có được đúng một lần vào lòng chảo Điện Biên Phủ. Bởi đoàn xe thồ chỉ tập kết lương thực cách trận địa mấy chục km. Hàng vận chuyển đến nơi là chúng tôi lại phải quay ngay xe để về xuôi tiếp tục vận chuyển hàng lên kịp tiếp tế cho các anh bộ đội đánh giặc Pháp ở trong trận địa".
Những vất vả của chúng tôi thấm vào đâu so với sự mất mát hy sinh của những chiến sỹ đánh địch trong lòng chảo Điện Biên Phủ. Ngày chiến dịch thắng lợi may mắn được các anh bộ đội cho nhìn vào trận địa bằng ống nhòm ở đài quan sát. Cái cảm giác vui mừng, hạnh phúc và không khí hào hùng lúc đó tôi không bao giờ quên”.
Những cựu chiến binh Điện Biên Phủ bên cạnh chiếc xe thồ phục vụ 60 năm trước được trưng bày tại Bảo tàng QK4 |
Rồi ông nhớ lại cái ngày mình được vinh dự đứng trong hàng ngũ những người dân công xe thồ hàng phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi đó ông chỉ mới 17 tuồi và học xong lớp 7 nhưng may mắn ông lại biết đi xe đạp. Thời đó xe đạp đang là một phương tiện xa xỉ với người dân Việt Nam nên số người đi được xe đạp không nhiều. Khi tuyển người vào đội quân xe thồ phục vụ chiến dịch ông Hợi đã được nhận.
Thời gian gấp rút nên hàng hóa, vũ khí cần gấp rút chuyển lên Điện Biên Phủ để đủ phục vụ bộ đội ta đánh giặc Pháp. Ông Hợi cùng với 20 người khác được phân mỗi người một chiếc xe đạp để đi vận tải. Ngay lần đầu “hành quân” đang tuổi trẻ nhưng khi đạp xe đến dốc Hoàng Mai (Nghệ An) ra Thanh Hóa nhận hàng ông đã bị ngã đến ngất lịm. Mãi đến khi người chỉ huy quay lại tìm kiếm ông Hợi mới tỉnh lại và tiếp tục lên đường.
Những đoàn quân xe thồ hàng phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ 60 năm trước đã góp công lớn cho chiến thằng của chiến dịch (ảnh tư liệu) |
Vất vả, khổ sở là thế nhưng không nề hà gian khó chàng thanh niên gầy gò này đã tiếp nhận 1 tạ hàng để chuyển lên Điện Biên Phủ. Nhưng chưa quen với khối lượng hàng gấp 3 trọng lượng cơ thể nên ông Hợi đã không thể đẩy đi được. Thương anh và để khích lệ tinh thần anh em, người tiểu đội phó của ông Hợi đã chia bớt 20kg hàng sang xe mình. Rồi dần dà và cùng với một lòng quyết tâm ông Hợi đã quen được với việc thồ hàng từ Thanh Hóa đến Điện Biên Phủ. Đến chuyến hàng thứ 3 thì ông Hợi đã vận chuyển được khối lượng hàng 1 tạ như những người khác. Ông Hợi cùng những người thợ xe thồ khác cứ đi bộ tải đẩy khối lượng hàng lớn gấp 3, 4 trọng lượng cơ thể vượt hàng nghìn km lên tiếp tế cho chiến trường Điện Biên.
Gọt vết chai sần để thồ hàng lên Điện Biên
Con đường thồ hàng lên Điện Biên Phủ dài hàng nghìn km với bao nguy hiểm, khó nhọc. Giặc Pháp thường xuyên dùng máy bay ném bom dọc tuyến đường tiếp tế hàng hóa và những cơn sốt rét rừng luôn đe dọa những dân công xe thồ.
Dân công thồ hàng phải đi hàng tháng trời ròng ra dọc theo những cánh rừng của miền tây xứ Thanh (Thanh Hóa) rồi vòng qua cả nước bạn Lào mới đến được Điện Biên.
Thời gian đi dài nên những đôi dép cao su được phát dần bị mòn, đứt phải đi bằng chân đất. Nhưng tất cả vì đất nước, vì Điện Biên nên đội dân công xe thồ của ông Hợi đi đến toét cả máu chân, gan bàn chân dần chai sần từng mảng lớn nhưng không ai kêu ca nửa lời. Những lúc gặp đèo dốc đường trơn họ còn dùng chính bàn chân mình làm phanh để hãm xe không để đổ hàng hay lao xuống vực. Chân chai sần nhiều họ dùng dao gọt mảng chai sần đó và tiếp tục hành trình.
“Không ai kêu ca cả, tất cả đều quyết tâm đưa hàng đến kịp với Điện Biên. Chân chai sần nhiều thì lấy dao gọt mảng chai sần đi tiếp. Sốt rét mệt quá thì nép xe vào bên đường nghỉ cho hết cơn sốt lại tiếp tục dậy đi”, ông Hợi nhớ lại ngày tháng gian khổ mà đầy quyết tâm đó.
Rồi thì đi bộ dài hàng tháng trời trên dọc đường tải hàng nên số gạo và thịt được phát để dùng đều được đoàn dân công xe thồ gói kỹ. Riêng thịt 1kg được phát họ lại ủ và nấu với 3kg muối trắng thật mặn để không bị hỏng.
Ngày chiến dịch vào thời kỳ quyết liệt nhất mọi thứ ở chiến trường Điện Biên Phủ thiếu thốn đủ bề. Không để người lính nơi chiến trường phải khổ, phải thiếu thốn để còn sức đánh giặc Pháp nên những dân công tải hàng quyết tâm mỗi chuyến hàng nhận thồ tăng khối lượng lên. Riêng ông Hợi mỗi lần tải hàng từ khối lượng 1 tạ như bình thường ông xung phong tải 1,5 tạ, trong khi trọng lượng người dân công Hợi lúc này chỉ nặng có 40kg.
Nhưng mong muốn lớn nhất của những người dân công xe thồ là một lần được vào lòng chảo Điện Biên. Bởi nơi tập kết hàng cách trận địa hàng chục km nên mong mỏi lúc đó của dân quân thồ là điều khó khăn. Họ hiểu “hậu phương vững chắc thì tiền tuyến mới dễ dành được chiến thắng” nên họ đành để tâm nguyện đó về sau.
Đầu tháng 5/1954 khi đoàn dân công xe thồ của ông Hợi đang trên đường tải hàng đến nơi tập kết thì gặp từng đoàn bộ đội đi xuống. Rồi trong đoàn có một chiếc xe quân sự đi chậm lại. Một người lính trong xe đứng lên vẫy tay chào và cười rất tươi chào đoàn dân công xe thồ. Ngay lập tức mọi người nhận ra người đó chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thời khắc thiêng liêng đó họ cũng mới biết chiến dịch đã hoàn toàn thắng lợi, giặc Pháp đã ra hàng quân ta. Tất cả như muốn hò reo vang cả núi rừng Tây Bắc khi nhận được tin này.
Cho đến giờ chiến thắng Điện Biên Phủ đã trải qua được 60 năm nhưng những ký ức những ngày gian khổ và hào hùng đó luôn mãi trong tâm thức ông Hợi. Những người “lính”thầm lặng xe thồ ngày nào họ không trực tiếp đánh giặc Pháp nhưng họ đã góp công rất lớn vào chiến thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ với hàng ngàn tấn hàng chuyển đến mặt trận.