Tại Diễn đàn Davos, Thụy Sĩ vào tháng 1 năm 2016, chủ đề được các nhà kinh tế thế giới quan tâm là Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0.
Theo đó, nhiều quốc gia đã bắt đầu hướng đến việc áp dụng và triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này vào các chương trình phát triển kinh tế của mình.
Vậy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là như thế nào? Nó sẽ có tác động đến ngành giáo dục và đào tạo của Việt Nam ra sao?
Những câu hỏi ấy được các chuyên gia trong và ngoài nước giải đáp trong buổi hội thảo quốc tế “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giáo dục” do Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam tổ chức ngày 21/10 vừa qua tại Hà Nội.
Nhiều loại robot có thể chiếm mất nhiều việc làm của con người
Tại hội thảo, TSKH.Phan Quang Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể đưa đến tình trạng bất bình đẳng lớn hơn, đặc biệt là nguy cơ phá vỡ thị trường lao động.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với sự phát triển của hệ thống thực ảo (Cyber Physical System - CPS) đã và đang tạo ra nhiều loại robot có thể chiếm mất nhiều việc làm vốn chỉ dành cho con người.
Các chuyên gia dự Hội thảo quốc tế “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giáo dục” do Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam tổ chức ngày 21/10 (Ảnh: Thùy Linh) |
“Năm ngoái, McDonald's công bố sẽ xây mới thêm 25.000 nhà hàng hoạt động hầu như bằng robot. Thay vì quy mô 10-20 nhân viên một nhà hàng truyền thống như trước kia, nhà hàng theo khái niệm mới này sẽ chỉ cần 2-3 người để quản lý.
Tháng 5/2016, Foxconn cũng tuyên bố sẽ cắt giảm 60.000 nhân công và thay thế bằng robot.
Tháng 11/2015, Ngân hàng Anh Quốc đưa ra một dự báo còn đáng lo ngại hơn: sẽ có khoảng 95 triệu lao động truyền thống bị mất việc trong vòng 10-20 năm tới tại riêng Mỹ và Anh - tương đương 50% lực lượng lao động tại hai nước này”, TSKH.Phan Quang Trung cung cấp thông tin.
Giới nghiên cứu cũng chỉ ra CPS sẽ không chỉ đe dọa việc làm của công nhân trình độ thấp mà ngay cả những người có bằng cấp (cao đẳng, đại học trở lên) cũng có thể bị ảnh hưởng.
Dần dần lao động giản đơn không còn cần thiết nữa
Là người đang trực tiếp tham gia vào quá trình đào tạo, tại hội thảo, TS.Phạm Thị Ly (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) nêu: Theo số liệu của Ngân hàng thế giới năm 2013, nếu tính tỉ lệ trên dân số, Mỹ có 4762 trường Đại học, cao đẳng với dân số 319 triệu tương đương tỉ lệ 1 trường/67 nghìn dân, thì con số tương ứng của Việt Nam là 425 trường với dân số 90 triệu dân, tỉ lệ 1 trường/212 nghìn dân.
So với một nước trong khu vực ASEAN như Malaysia, tỉ lệ này là 1 trường/55 nghìn dân.
Như vậy, tỉ lệ người vào Đại học, Cao đẳng trên tổng số dân ở độ tuổi 18-22 của ta mới là 25%, còn rất thấp so với các nước (Hàn Quốc 97%, Úc 86%, Trung Quốc 30%, Malaysia 37%).
Lãnh đạo cấp cao và Chính phủ Việt Nam đang rất quan tâm tới công nghiệp 4.0(GDVN) - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: "Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra một cơ hội rất lớn đồng thời cũng là thách thức lớn cho Việt Nam” |
"Đáng lẽ, những người có bằng Đại học phải rất quý giá nhưng hiện tại chúng ta lại đang chứng kiến hàng ngàn cử nhân thất nghiệp.
Trong khi đó, các doanh nghiệp lại phàn nàn rằng họ không có đủ người làm việc cho học.
Điều đó nói lên rằng, có khoảng cách giữa việc đào tạo của các trường Đại học và những gì xã hội thực sự cần”, TS.Phạm Ly nhấn mạnh.
Theo TS.Phạm Ly, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra có thể làm giãn rộng khoảng cách này bởi chất xám sẽ ngày càng quan trọng hơn, lao động giản đơn không còn cần thiết nữa.
"Điều này đặt ra đòi hỏi vô cùng to lớn với giáo dục Đại học của chúng ta. Bởi việc chính của giáo dục Đại học chính là tạo ra người tài" - TS.Phạm Ly nói.
Trao đổi bên lề cuộc hội thảo, TS.Lê Viết Khuyến - Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) khẳng định, ngành công nghiệp và kinh tế Việt Nam còn cách khá xa với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Bởi theo TS.Lê Viết Khuyến: “Gần 90% lao động Việt Nam là lao động giản đơn, Việt Nam lấy đâu tiền để mua robot?
Trong khi đó doanh nghiệp lớn của nước ngoài sang Việt Nam cũng chỉ là để lắp ráp, chế biến nên không cần nhân lực chất lượng cao, không sáng tạo. Nhân sự cao cấp họ cũng đưa từ nước họ sang”.
Giáo dục đại học đang đứng trước nhiều thách thức lớn(GDVN) - Ngày 21/10, tại Hà Nội, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam tổ chức hội thảo “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giáo dục”. |
Từ đó, TS.Lê Viết Khuyến khẳng định, nền sản xuất trình độ thấp chính là nguyên nhân khiến hàng ngàn tiến sĩ, cử nhân thất nghiệp chứ không phải do việc đào tạo của giáo dục Đại học không đáp ứng được.
Và TS.Lê Viết Khuyến không đồng ý với quan điểm cho rằng, các doanh nghiệp phải "tẩy sạch" những gì sinh viên đã học.
Bởi "doanh nghiệp có thể đào tạo liên tục, còn việc đào tạo cơ bản là của trường Đại học, chứ doanh nghiệp không có chức năng đào tạo cơ bản", ông Khuyến nhận định.
Tuy nhiên, ông Khuyến cũng thừa nhận, chất lượng giáo dục Đại học vẫn cần phải nâng cao hơn nữa bởi giáo dục đòi hỏi phải đi trước một bước để đào tạo nguồn nhân lực thúc đẩy nền kinh tế được nâng cao thì mới có thể tiến lên nền cách mạng công nghiệp 4.0.
Phương thức đào tạo trực tuyến lên ngôi
Hầu hết các ý kiến tại buổi hội thảo đều cho rằng, làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành giáo dục nhất là giáo dục đại học và đào tạo nghề.
Cách mạng công nghệ 4.0 với những thay đổi chóng mặt của các thiết bị thông minh sẽ tạo ra những hình thức đào tạo trực tuyến.
Theo TS.Phạm Ly, những hình thức đào tạo này cho tới hiện tại chưa thay thế được mô hình đào tạo truyền thống song nó đang đặt ra những thách thức với Đại học truyền thống.
"Hiện nay, trên thế giới đã xuất hiện hình thức kết hợp giữa mô hình Đại học truyền thống và phương thức đào tạo trực tuyến.
Trước đây học sinh học ở trường và về nhà để làm bài tập. Bây giờ ngược lại, kiến thức thầy giáo dạy, học trò học sẽ học ở nhà theo hình thức trực tuyến. Học sinh đến lớp chỉ để học cái mà ở nhà họ không học được", TS.Phạm Ly nhìn nhận.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh đại chúng hóa giáo dục đại học, từ chỗ coi giáo dục Đại học là hàng hóa công mà Chính phủ có bổn phận cung cấp cho người dân thì nay, người ta phải coi giáo dục Đại học là sự đầu tư của cá nhân và xã hội.
Trong khi đó, ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, nói đến cách mạng công nghiệp 4.0 thì không chỉ nói đến công nghệ thông tin hay những lớp học trực tuyến.
Bởi theo ông Sơn, bản chất của cách mạng công nghiệp 4.0 là công nghệ thông minh và trí tuệ nhân tạo. Nền tảng của cuộc cách mạng này là điện, điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ điện tử viễn thông.
Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (Ảnh: Thùy Linh) |
Do đó, để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng này thì nhu cầu nhân lực trình độ cao các ngành nghiên cứu sẽ tăng nên các trường Đại học cần phải có sự chuẩn bị để dịch chuyển trong cơ cấu đào tạo và lĩnh vực nghiên cứu.
Chính vì vậy, theo ông Sơn, các chương trình cần có tính liên ngành, hướng tới đào tạo ngành rộng để sinh viên có kiến thức nền tảng để có thể thích ứng với nhiều công việc khác nhau chứ không phải đào tạo chuyên sâu như trước đây. Và các trường Đại học phải hợp tác với doanh nghiệp để đào tạo và nghiên cứu.