Tham dự hội thảo có TSKH. Phan Quang Trung – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam; ông Klaus Hengbach- Phụ trách giáo dục của tập đoàn Phoenix Contact GmbH&Co.KG, Đức;
Và GS.TS.Peter Eckardt- Đại biểu Quốc hội Đức và giáo sư thuộc lĩnh vực dạy nghề; ông Frank Knafla – Thạc sĩ chuyên gia công nghiệp 4.0, tập đoàn Phoenix Contact cùng lãnh đạo các Hiệp hội, Bộ, ban ngành, đại diện các trường Đại học, cao đẳng trên toàn quốc.
Đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4
Phát biểu khai mạc hội thảo, TSKH. Phan Quang Trung – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng:
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được xây dựng dựa trên cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 là cuộc cách mạng kỹ thuật số và điện tử (máy tính, công nghệ viễn thông và Internet ra đời và phổ cập) đã xuất hiện từ giữa thế kỷ trước.
Đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là sự hợp nhất của các loại công nghệ và làm xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học mà với trung tâm là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, rô bốt, Internet vạn vật (IOT) khoa học vật liệu, sinh học, công nghệ di động không dây mang tính liên ngành sâu rộng…
Nếu so với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây thì cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này đang phát triển với tốc độ cấp số mũ.
Các công nghệ mới từ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được phát triển với tốc độ vượt bậc, với những đột phá để phục vụ con người được hiện thực hóa như xe tự lái, các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo ... tất cả đang và sẽ mang lại nhiều thay đổi cơ bản và sâu rộng trong cách con người sống, đi lại, vận chuyển hàng hóa, kinh doanh, chẩn đoán và điều trị bệnh tật…
TSKH. Phan Quang Trung – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo (Ảnh: Thùy Linh) |
Tuy nhiên cũng như mọi cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này có thể đưa đến tình trạng bất bình đẳng lớn hơn, đặc biệt là nguy cơ phá vỡ thị trường lao động.
Năm 2015, Mc Donald công bố sẽ xây dựng thêm 25.000 nhà hàng hoạt động hầu như bằng Robot. Thay vì từ 10 đến 20 nhân viên cho một nhà hàng thì nay chỉ còn 2-3 người để quản lý.
Tháng 5 năm 2016, Foxconn cũng tuyên bố sẽ cắt giảm 60.000 nhân công và thay bằng Robot.
Tháng 11/2015, Ngân hàng Anh Quốc đưa ra một dự báo còn đáng lo ngại hơn: sẽ có khoảng 95 triệu lao động phổ thông bị mất việc trong vòng 10 – 20 năm tới tại riêng Mỹ và Anh, tương đương 50% lực lượng lao động tại hai nước này.
Giới nghiên cứu cũng chỉ ra CPS (Cyber Physical System) sẽ không chỉ đe dọa việc làm của công nhân trình độ thấp mà ngay cả những người có bằng cấp (cao đẳng, đại học trở lên) cũng có thể bị ảnh hưởng. Trong tương lai tài năng tri thức sẽ đại diện cho yếu tố quan trọng của sản xuất hơn là yếu tố vốn. Điều này sẽ luôn phát sinh ra một thị trường việc làm ngày càng tách biệt…
Các trường đại học đối mặt với nhiều cạnh tranh mới
TSKH.Phan Quang Trung nhận định: Cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 khu vực giáo dục đại học bị đặt trước nhiều thách thức rất lớn.
Các trường Đại học không thể dự đoán được các kỹ năng mà thị trường lao động sẽ cần trong tương lai gần do tốc độ thay đổi công nghệ từ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra quá nhanh.
Các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học từ các trường đại học đối mặt với các yêu cầu cải cách và cạnh tranh mới. Nhiều tập đoàn công nghệ ngày nay có tiềm lực công nghệ, con người và tài chính rất lớn, họ lại ở tuyến đầu trong cuộc chạy đua biến tri thức thành sản phẩm phục vụ cuộc sống vì thế họ có nhiều trải nghiệm quý giá mà giới hàn lâm đại học không có.
Chính điều đó đã làm giảm đáng kể ranh giới và khoảng cách về tri thức và khả năng sáng tạo giữa khu vực Đại học & công nghiệp.
Cùng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi giáo dục phải đem lại cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản lẫn tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với các thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục để tránh nguy cơ bị đào thải.
Tất cả tạo ra một bức tranh giáo dục đào tạo sinh động mà các phương thức giáo dục truyền thống chắc chắn sẽ không thể đáp ứng.
Các đại biểu tham dự hội thảo "Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giáo dục" (Ảnh: Thùy Linh) |
Các hình thức đào tạo trực tuyến như MOOC (Massive Open Online Course) có thể sẽ ngày càng trở nên thịnh hành hơn.
Các cơ sở đào tạo với những chương trình học cập nhật tiến bộ công nghệ hay hợp tác sâu rộng với giới công nghệ trong đào tạo và nghiên cứu sẽ có ưu thế trong việc thu hút người học.
Đối với các doanh nghiệp, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng đang có những tác động lớn đến họ, về phía cung nhiều ngành công nghiệp tận dụng công nghệ mới tạo ra những phương thức hoàn toàn mới để giúp phục vụ nhu cầu hiện tại của con người và phá vỡ phần lớn các chuỗi giá trị ngành công nghiệp hiện có.
Hôm nay diễn ra hội thảo quốc tế “Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 và Giáo dục”(GDVN) - Hôm nay (21/10), Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam tổ chức cuộc Hội thảo “Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 và Giáo dục”. |
Nhà sản xuất sẽ tạo ra những thay đổi cơ bản trong cách thức sản xuất và bán hàng.
Về phía người tiêu dùng cũng có những đòi hỏi thay đổi lớn trong việc tham gia vào quá trình sản xuất, cung cấp sản phẩm một cách tích cực và chủ động.
Đối với nhà nước, công nghệ mới ngày càng tạo điều kiện cho người dân tham gia với chính phủ nói lên ý kiến của mình.
Ngược lại, chính phủ thông qua công nghệ mới để tăng cường tiếp cận với công chúng, cải tiến hệ thống quản lý xã hội.
Điều này khiến các Chính phủ ngày càng phải đối mặt với áp lực phải thay đổi cách làm hiện tại của mình. Trong đó quan trọng nhất là phải nâng cao vai trò của người dân trong quá trình này.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng ảnh hưởng sâu sắc đến bản chất của an ninh quốc gia và quốc tế, ảnh hưởng đến cả bản chất của các cuộc xung đột.
Tuy nhiên, khi quá trình này xảy ra các công nghệ mới (như vũ khí điều khiển từ xa, tội phạm mạng sẽ dễ dàng được sử dụng, cá nhân và nhóm nhỏ có khả năng gây ra những tổn thất hàng loạt. Vấn đề này sẽ là những lo ngại mới, thực sự là nguy cơ đối với nhân loại.
Để tạo điều kiện cho các nhà hoạch định chính sách, các trường đại học, các nhà nghiên cứu và giới truyền thông hiểu biết sâu sắc hơn về vấn đề này, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã phối hợp với Tập đoàn Phoenix Contact, CHLB Đức tổ chức cuộc hội thảo “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giáo dục” để các đại biểu cùng tham gia thảo luận về cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng này.