Việc tuyển dụng mới và giữ chân giáo viên công tác tại vùng cao đang là một bài toán khó với nhiều địa phương.
Tỉnh Yên Bái là một trong những địa phương thiếu giáo viên dạy môn tiếng Anh khiến quá trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 gặp khó khăn.
Căn cứ theo công văn số 1561/SGDĐT-GDTH của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái đề nghị hỗ trợ dạy học trực tuyến môn tiếng Anh cấp tiểu học và trung học cơ sở mà Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng nhận được ngày 04/10/2024, căn cứ kế hoạch năm học và khảo sát điều kiện đội ngũ giáo viên tiếng Anh của thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã xây dựng kế hoạch triển khai dạy học tiếng Anh trực tuyến hỗ trợ học sinh vùng khó khăn tỉnh Yên Bái.
Trong đó, ở cấp tiểu học, tỉnh Yên Bái đề nghị hỗ trợ 3.950 tiết/năm học tại 10 trường thuộc thị xã Nghĩa Lộ, huyện Trạm Tấu, huyện Mù Cang Chải. Với cấp trung học cơ sở, số lượng tiết dạy là 1.720 tiết/năm học tại 6 trường thuộc thị xã Nghĩa Lộ, huyện Trạm Tấu.

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, khi nhận được văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái, Hải Phòng đã ban hành các văn bản triển khai gửi các trường học trên địa bàn để kịp thời phối hợp.
Kết quả, nhiều trường học trên địa bàn các quận Lê Chân, Hồng Bàng, Ngô Quyền (thành phố Hải Phòng) đã tích cực tham gia hỗ trợ dạy tiếng Anh miễn phí cho 15 trường vùng cao của tỉnh Yên Bái.
Chỉ tính riêng từ đầu năm học 2024-2025 đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng đã thực hiện hỗ trợ dạy cho 63 lớp với 1.522 học sinh; dạy trực tuyến 1.867 tiết học bậc tiểu học; 720 tiết học thuộc cấp trung học cơ sở.
Bên cạnh việc hỗ trợ về chuyên môn, nhiều trường học tại Hải Phòng còn có hỗ trợ các trường vùng cao tại Yên Bái một số trang thiết bị nâng cấp cơ sở vật chất, phục vụ việc dạy trực tuyến môn Tiếng Anh. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng đã hỗ trợ các trường vùng cao Yên Bái 18 camera, 32 bộ loa mic, 11 máy tính, 16 màn hình tivi, 70 bộ bàn ghế, 267 chiếc áo ấm, 2.000 quyền vở, 200 đôi tất…
Thông qua hoạt động phối hợp giữa Sở Giáo dục và Đào tạo hai địa phương, các thầy cô giáo có thêm cơ hội trao đổi về chuyên môn, chia sẻ cách dạy học hiệu quả, phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Từ đó hỗ trợ giải quyết bài toán thiếu giáo viên tại tỉnh Yên Bái.
Ông Bùi Văn Kiệm - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng cho rằng, đây là vấn đề thực tiễn đòi hỏi, là bổn phận, trách nhiệm của giáo viên với sự nghiệp giáo dục và đào tạo nói chung. Do đó, ông Kiệm đề nghị các thầy cô Hải Phòng phải quyết tâm làm, có trách nhiệm, coi học sinh của Yên Bái như học sinh của trường mình.
Đây cũng là cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi kỹ năng giữa các giáo viên thành phố Hải Phòng và với giáo viên tỉnh Yên Bái. Hải Phòng sẵn sàng mở rộng hình thức hỗ trợ giảng dạy trực tuyến cho học sinh tỉnh Yên Bái; đồng thời tăng cường triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên tiếng Anh nói riêng và các môn học khác nói chung.

Cô giáo Mai Thị Nguyệt Anh, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố (quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng), một trong những giáo viên tình nguyện dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh vùng cao Yên Bái được 2 năm.
Sau thời gian dạy online, cô Nguyệt Anh đã cùng lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng và nhà trường tới khảo sát trực tiếp tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Bản Mù (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái). Nữ giáo viên đã có tiết dạy trực tiếp với học sinh sau thời gian dạy online.
Cô Nguyệt Anh xúc động chia sẻ: “Trò nói rằng "hôm nay cô giáo bước từ tivi ra". Không phải 1,2 lần đầu gặp nhau nhưng cảm xúc cô trò vẫn hồi hộp, háo hức vô cùng. Thêm vào đó, khi được trực tiếp đồng hành 1 tiết học, được mang thêm nhiều bất ngờ tới cho học sinh khiến tôi vô cùng hạnh phúc. Nhìn những cánh tay không ngại ngần giơ lên để được "play game", nhìn những nụ cười tươi rói khi bắt được bóng của cô, tôi biết tiết học của mình đã thành công.
Nhìn các bạn học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Bản Mù (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) tự tin với tiếng Anh không kém các bạn học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố, nghe hiểu các hoạt động của cô giáo và chủ động trong giờ học khiến tôi thấy thật ấm áp.
Mong rằng chương trình Tiếng Anh liên kết online sẽ được nhân rộng để không chỉ học sinh Bản Mù, Yên Bái mà các em học sinh nhiều vùng sâu, vùng xa khác sẽ có cơ hội tiếp cận với ngôn ngữ quốc tế và chắp cánh cho các em bay cao bay xa”.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Thắm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố (Hải Phòng), công tác dạy học kết nối cùng tỉnh bạn Yên Bái, đặc biệt tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Bản Mù (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) đã được nhà trường triển khai tích cực đến nay đã được 2 năm.
Thông qua các ứng dụng mạng thông minh, các giáo viên tiếng Anh tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố đã soạn giảng những nội dung dạy học gần gũi, dễ hiểu. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ tích cực cơ sở vật chất, đường truyền, âm thanh trợ giảng đã giúp rút ngắn khoảng cách địa lý giữa 2 trường.
Thời gian đầu từ 2 lớp 4A, 4B với hơn 70 em học sinh được hỗ trợ thì nay con số ấy đã được nhân lên thành 4 lớp 4 và 4 lớp 5, mô hình dạy học kết nối như ngọn lửa nhỏ nhen nhóm từ Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố đã được lan tỏa sâu rộng đến các trường trên địa bàn thành phố cùng tham gia hỗ trợ các trường thuộc vùng khó khăn của tỉnh bạn.
Từ những hạt mầm tâm huyết mà thầy cô Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố đang ươm dưỡng, gieo trồng nơi non cao hi vọng sẽ tiếp tục được lan tỏa và cùng vun xới để các em học sinh hiện còn đang học tập tại các điểm trường khó khăn luôn nhận được hỗ trợ tích cực.
Trước đó, ông Bùi Văn Kiệm - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cùng lãnh đạo, chuyên viên Phòng Giáo dục Tiểu học dự giờ tiết học hỗ trợ dạy tiếng Anh miễn phí của giáo viên Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận Hồng Bàng) cho học sinh Trường tiểu học Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái).
Trường tiểu học Chế Tạo (huyện Mù Cang Chải) là trường học vùng cao, vùng xa của tỉnh Yên Bái, từ tỉnh xuống huyện khoảng 200km, từ trung tâm huyện vào nhà trường khoảng 35km. Hiện tại, Trường tiểu học Chế Tạo cũng như nhiều trường học khác trên địa bàn đang thiếu giáo viên dạy học ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Linh hoạt trong việc lựa chọn và sử dụng các hình thức tổ chức dạy học và phương pháp dạy học kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ trình chiếu hình ảnh, âm thanh, video clip sống động, trò chơi vui nhộn, cô giáo Phạm Thị Xuân, giáo viên Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng khiến không khí lớp học của học sinh lớp 4A1, Trường tiểu học Chế Tạo trở nên hấp dẫn, sôi động.
Học sinh hào hứng phát biểu, trả lời câu hỏi của cô giáo, qua đó vừa vừa giúp giáo viên kiểm tra kiến thức học sinh đã được học, vừa khích lệ các em hào hứng tiếp thu kiến thức mới.