Tuổi thơ tôi may mắn vì từng được có phút giây đắm mình tận hưởng những chiều đầy gió trên cánh đồng ở quê nội.
Mỗi lần nhớ lại, tôi đều bồi hồi lưu luyến hương cỏ lúa thơm nồng đặc trưng được gửi theo từng làn gió hôn lên làn da mình, và cả cánh diều có con sáo kêu vi vu trên cánh đồng xanh mướt bố tôi thả.
Khung cảnh bình lặng ấy làm dịu hồn tôi, cũng làm cho tuổi thơ tôi trở nên quý giá, vì nó luôn trở thành viên kẹo ngọt ngào cho tôi thèm muốn nhớ về.
Tôi vốn quen thuộc và yêu thích việc rong ruổi trên bức tranh sáng màu ấy, nhưng tôi chỉ thật sự hiểu ra cách trân trọng nó khi tôi được bố mẹ đón lên thành phố.
Ngày bé, tôi từng không hiểu vì sao người ta cứ thích nơi phố thị hoa lệ. Ở đây chẳng có cánh đồng nào rộng thênh thang để tôi chạy nhảy, cũng không có mùi cỏ thanh mát thoảng đưa trong gió chiều, đôi mắt ngây ngô của đứa trẻ ngày ấy chỉ thấy thành thị nhiều nhà, nhiều xe, nhiều… bụi và nhiều… rác.

Thành phố, người ta không đi xe đạp như quê tôi, mà là xe máy, xe hơi "thở ra" mùi xăng và khói bụi. Con đường tôi đi qua thường hay có công trình đang xây dựng, nhiều lúc bụi bay vào, mắt tôi lại rớm nước.
Có nhiều khi, đường bố mẹ chở tôi đi qua bị bao phủ bởi hai bên lề ngập rác, mùi rác thải càng làm tôi muốn quay về quê hương thân thương hơn, nơi tôi đã quen thân, nơi hoàn toàn đối lập với vùng đất này.
Lớn dần, tôi tự hỏi: "Nếu cứ sống trong màu của bụi và rác, vậy bao giờ ta mới có thể xanh như những mầm lá?"
Tôi để ý thấy rằng các phóng sự về vấn đề liên quan đến chất lượng không khí nói riêng và môi trường nói chung đang nhận được nhiều sự quan tâm. Đã không ít lần báo chí đưa tin, hình ảnh, số liệu, video,… về tình trạng ô nhiễm thực tế, tái diễn liên tục, kéo dài tại nhiều con kênh, các khu dân cư, tuyến đường và thành phố lớn,…
Cũng nhiều lần tôi thấy các chiến dịch xanh được triển khai, hàng ngàn tình nguyện viên cũng như các tấm gương vẫn luôn lặng lẽ dọn dẹp rác thải, ươm mầm cây xanh.
Mỗi lần nghe đến các từ khóa “bụi mịn”, “rác thải”, “ô nhiễm”,… được biên tập viên nhắc đến trên truyền hình, tôi lại nghĩ: “Vấn đề này không còn mới, chúng ta cũng đã có nhiều nỗ lực như vậy, nhưng tại sao mãi vẫn chưa giải quyết được triệt để?”.
Rồi tôi tự trả lời mình bằng cách lí giải thế này: Việc mỗi người tiếp nhận được thông điệp bảo vệ môi trường theo cách và mức độ khác nhau, đã dẫn đến nhận thức của từng người trong công cuộc khôi phục môi trường xanh không đồng đều.
Đồng thời, yếu tố tâm lí cũng quyết định rất nhiều. Với những người có điều kiện kinh tế hạn chế, họ buộc phải thắt chặt chi tiêu, từ đó, họ ưu tiên các sản phẩm nhựa, giá thành ưu đãi, thay vì hướng đến vật liệu thân thiện với môi trường - thứ thường có giá cao gấp 3, thậm chí gấp 5 lần sản phẩm nhựa.
Mục đích sản xuất của những hàng hoá như vậy thường để phục vụ tiêu chí dùng một lần tiện lợi.
Tệ hơn, nhiều người có xu hướng vứt rác bừa bãi, đang ở đâu, vứt ngay xuống đó, không cần biết có thùng rác, có phù hợp để vứt hay không. Dĩ nhiên họ cũng sẽ không nghĩ đến việc tái chế hàng tiêu dùng một lần.
Những đứa trẻ lớn lên với những người lớn làm gương xấu cũng sẽ dễ học theo thói quen không tốt.
Mặc dù khi đi học, chúng có thể được dạy về ý thức văn minh, nhưng vẫn không đủ thay đổi được những hành động, thói quen xấu trong thời gian ngày một ngày hai.
Tâm lí chung, họ sẽ không muốn tin "tích tiểu có thể thành đại". Họ nghĩ rằng vứt một cái chai nhựa xuống đường chẳng thể tạo nên bất kì thay đổi nào, nhưng họ sẽ không thấy được những người đến sau cũng nghĩ như họ, thế là bao nhiêu người cùng ném rác vô tội vạ, sẽ chẳng ai để ý xem từ cái chai nước ban đầu đã biến thành một đống rác từ khi nào.
Vô hình trung, những yếu tố trên đã tạo nên chuỗi hiệu ứng, tác động tiêu cực vĩ mô trong xã hội. Song song với giáo dục và tâm lí con người, các quy định pháp luật cùng với chế tài, định hướng phát triển xã hội cũng góp phần thay đổi đáng kể vấn đề này.
Theo tôi, hành lang pháp lí lĩnh vực môi trường tại nước ta chưa đủ tính răn đe khiến những cá nhân, tổ chức vi phạm không biết sợ.
Nguyên nhân cuối cùng mà theo tôi là quan trọng không kém: sự phát triển kinh tế không đồng đều với trình độ công nghệ, kĩ thuật và cơ sở hạ tầng xử lí rác thải.
Tôi cho rằng chúng ta đã có một thời gian dài dồn phần lớn sự tập trung cho tăng trưởng kinh tế, thay vì phát triển kinh tế bền vững như hiện tại, để lại tổn thất nặng nề, lâu dài cho môi trường.
Chúng ta không giới hạn lượng vật phẩm nhựa được sản xuất mỗi chu kì thời gian, nhưng cũng đồng thời không phát triển máy móc xử lí rác thải nhựa, khí thải, nước thải,… an toàn với môi trường có năng suất cao.
Như vậy, ta cần ý thức được trách nhiệm hoàn toàn thuộc về chúng ta, không phải của riêng bất kì nhóm đối tượng nào trong xã hội.
Chỉ có tự nhận thấy chính mình cần có nghĩa vụ, trách nhiệm và quyết tâm hành động, ta mới có hi vọng thay đổi.
Không thể chỉ nói: “Tôi biết mình phải làm gì để thay đổi môi trường” và hi vọng lời nói sẽ thay mình khắc phục tổn hại.
Ngay cả bản thân tôi cũng không thể ngồi yên tuyên truyền mà không làm gì. Từ việc ăn sáng trong hộp nhựa xốp, hiện giờ, tôi bắt đầu ngày mới với những bát phở trong hàng quán.
Từ việc làm ngơ trước vỏ bánh, kẹo, ly nhựa, chai nước, cục giấy,… rơi vãi trên đường đi, tôi đã biết cúi xuống nhặt bỏ vào thùng rác. Từ việc dùng một lần đồ nhựa, tôi đã biết tái chế chúng thành chậu cây, tranh vẽ, thẻ kẹp sách (bookmark), đồ thủ công như vòng tay,…
Tôi bắt tay vào thay đổi lối sống cá nhân mình và làm được tất cả những điều ấy đều nhờ mọi người xung quanh truyền cảm hứng.
Trong đó, bao gồm các cuộc thi “Sáng tạo sản phẩm thời trang tái chế vì môi trường”, phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo”, chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn”, “Tháng hành động vì môi trường”, mô hình “Làng xã Xanh - Sạch - Đẹp”, “Hãy làm sạch biển”, chương trình “Ngày Chủ nhật xanh”, trồng rừng ngập mặn và rừng hoàn nguyên; trồng cây xanh tại các địa phương trên cả nước,…, thậm chí là những cô lao công, cán bộ, công nhân viên nhà trường, những bạn học với hành động đẹp là nhặt, dọn rác mỗi ngày.
Tôi cũng được tiếp thêm niềm vui, động lực, hi vọng về ngày xanh qua việc thấy sự lột xác của những khu vực để rác thành vườn hoa, những cung đường sạch sẽ không bóng rác, những mái trường hạnh phúc, đầy sức sống nhờ cây xanh và hoa rực rỡ sắc màu,…
Tôi từng đọc bài thơ do một học sinh tiểu học Trung Quốc viết, thi phẩm mang tên “Cỏ”, dịch nghĩa tiếng Việt như sau:
“Tôi nhổ một ngọn cỏ,
Kẹp vào trong cuốn sách.
Không ngờ
Mùa xuân lại khóc,
Cô ấy nói mình mất đi một sợi tóc.
Điều khiến tôi đau lòng là
Tôi cũng không thể trả lại cho cô ấy nữa.”
Đúng vậy, hôm nay chúng ta lấy đi một chút sạch sẽ của thiên nhiên, ngày mai ta lại làm vơi thêm chút nữa, không ngừng không ngừng.
Ngày này qua tháng nọ, ta giật mình nhận ra hàng tỉ tấn rác thải đã ở đó, chúng vốn như những con sâu mọt bé tí, lọt thỏm giữa hành tinh xanh, nay lại không khác gì một gã quái vật khổng lồ hôi thối, nhơ nhớp trỗi mình dậy nhờ hàng tỉ con tưởng chừng vô hại kia hình thành.
Bao giờ tôi mới có thể thả mình trong hương cỏ tươi mát, trong lành trở lại, ngay trong chính thành phố này? Tôi băn khoăn vậy, rồi lại tự hỏi mình liệu điều đó có thể xảy ra không, vì nghe nó thật không tưởng. Thế rồi tôi nhớ lời Bác dặn:
“Không có việc gì khó,
Chỉ sợ lòng không bền,
Đào núi và lấp biển,
Quyết chí ắt làm nên.”
Vậy đấy, nghe nó xa vời, nhưng nếu ta cùng nhau nâng cao ý thức, quyết tâm bảo vệ môi trường chung, tương lai đưa thành phố xanh-sạch-đẹp sẽ không còn là suy nghĩ viển vông!
Tất cả vấn đề trên đều cho thấy tính cấp thiết, thực tiễn trong việc nhận thức đủ, đúng và hành động hiệu quả, kịp thời trong công cuộc đem lại sức sống lành mạnh cho thành phố chúng ta.
Trên cơ sở này, mỗi người chúng ta - những người mang theo sứ mệnh gìn giữ giá trị tốt đẹp và lưu truyền cho thế hệ mai sau hãy cùng nhau hành động. Từ những việc nhỏ bé nhất, ta làm nên sự khác biệt to lớn!
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phát động cuộc thi viết "Sống Đẹp - Sống Xanh" với 1 giải Nhất là 1 xe máy điện VinFast Motio (kèm pin) và suất học bổng trị giá 10 triệu đồng. 2 giải Nhì: mỗi giải 1 xe máy điện VinFast Motio (kèm pin) và suất học bổng trị giá 5 triệu đồng tiền mặt. 3 giải Ba, mỗi giải 1 xe máy điện VinFast Motio (kèm pin) và suất học bổng trị giá 2 triệu đồng tiền mặt. Giải đồng hạng: 600 Voucher Sống đẹp - Sống xanh – trị giá 1 triệu đồng/ voucher để mua bất kỳ dòng xe máy điện nào của VinFast (Thời hạn sử dụng voucher: Từ 01/02/2025 - 30/9/2025) dành cho 600 tác giả có bài viết đạt chất lượng do Ban tổ chức xét qua vòng sơ loại.
Đối tượng tham gia cuộc thi viết là công dân, ưu tiên học sinh Việt Nam có tác phẩm phù hợp với nội dung cuộc thi.
Nội dung bài viết hướng tới lan tỏa, chia sẻ những câu chuyện, góc nhìn, tích cực nhằm xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam văn minh, đủ tố chất là công dân toàn cầu, giữ gìn bản sắc Việt Nam; Chia sẻ những câu chuyện, những tấm gương trong việc bảo vệ môi trường xanh và phát triển bền vững của trái đất; Đưa các ý kiến, giải pháp, góp ý trong việc giáo dục – đào tạo thế hệ trẻ Việt Nam về Sống Đẹp - Sống Xanh, đón chào kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc.
Thời gian nhận bài: đến hết ngày 31/05/2025.
Bài viết gửi về hòm thư điện tử: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc songdep@giaoduc.net.vn.